Từ những gì biết được về năm nhu cầu thiết yếu trong tình cảm của trẻ, chúng ta thấy rõ ràng hơn lý do tại sao nhiều bậc cha mẹ gặp khó khăn trong việc kêu gọi trẻ hợp tác toàn diện với mình. Đó là vì họ vô tình phạm phải những sai lầm trong việc đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ, như nhu cầu về tình yêu thương, sự chấp nhận, tầm quan trọng và tính độc lập. Một khi đời sống tình cảm của trẻ không đạt đến độ hài hòa nhất định, trẻ sẽ không có cách hành xử tốt và khó mà đạt được kết quả tốt.
Một trong những câu hỏi phổ biến mà các bậc cha mẹ thường đặt ra cho chúng tôi là, “Tại sao khi con trai tôi còn nhỏ, nó làm theo những gì tôi nói? Bây giờ lớn hơn, bạn bè bảo sao thì cứ nghe răm rắp”.
Bây giờ tôi hy vọng chính bạn đã có trong tay câu trả lời rồi. Đó là vì ở giữa đám bạn bè, trẻ luôn có cảm giác mình được đón nhận với đúng con người mình. Đó là chưa kể trong tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo của chúng có thứ tình cảm bạn bè giống như “tình anh em” hay “tình chị em” có sức mạnh và tuổi thọ kéo dài suốt đời người. Để được một người bạn hay đám bạn chấp nhận, nhiều em tình nguyện tuân theo bất kỳ luật lệ hay quy định gì, bất kể điều đó có hợp với đạo lý hay không. Với những đặc điểm tâm sinh lý của tuổi mới lớn, nhiều em coi việc dám thách thức lại những điều cấm của người lớn như hút thuốc, ăn cắp vặt, chửi thề, đua xe hay ăn hiếp kẻ khác là “ngầu”, là “chịu chơi”, hoặc thậm chí là “anh hùng”. Tất cả những biểu hiện này, dưới góc độ tâm lý, chẳng qua là để thỏa mãn một nhu cầu mạnh mẽ muốn trở thành người quan trọng, muốn được mọi người chung quanh nhận biết mà thôi.
Mặt khác, nhiều đứa trẻ không chịu nghe lời phụ huynh vì cha mẹ chúng thường khiến chúng cảm thấy tồi tệ và thường áp đặt chúng phải làm điều gì đó theo chủ ý của họ. Điều này vô tình làm nảy sinh tâm lý phản kháng vô thức, chúng cảm thấy nếu cứ nhất nhất nghe theo cha mẹ tức là chúng thua trong khi các bậc phụ huynh thắng. Chúng cảm thấy mình bé mọn, chẳng có gì quan trọng, giống như một con tốt đen trong tay cha mẹ. Nhưng một khi dám nổi loạn bất chấp hậu quả thì chúng lấy lại được ý nghĩ quan trọng về mình, và trong trận này chúng đã thắng: “Thấy chưa, mình chỉ bỏ nhà đi một hôm là ông bà già đã mất ăn mất ngủ ngay”.
Từ kinh nghiệm thực tế trong đào tạo và huấn luyện hàng trăm ngàn học sinh trong 15 năm qua, chúng tôi rút ra được kết luận rằng những đứa trẻ tự tin, có bản lĩnh không dễ bị bạn bè lôi kéo và kẻ xấu dụ dỗ. Đó cũng là những đứa trẻ thật sự cảm thấy được cha mẹ đón nhận, yêu thương, công nhận vai trò quan trọng của chúng trong cuộc sống, và tôn trọng sự độc lập tự chủ của chúng. Bởi vì chúng tự hào về bản thân và cảm nhận trọn vẹn tình thương yêu của gia đình, nên chúng không cần phải đi tìm sự công nhận từ nơi khác và dễ dàng nói “không” với những cám dỗ từ bên ngoài.
Chỉ Khi Nào Thỏa Mãn Năm Nhu Cầu Cảm Xúc Quan Trọng Của Trẻ, Bạn Mới Có Thể Ảnh Hưởng Tới Suy Nghĩ Và Hành Vi Của Chúng Một Cách Tốt Nhất
Nếu muốn con cái lắng nghe chúng ta và có động lực để làm những việc đúng đắn cho bản thân mình, chúng ta phải biết cách khai thác sức mạnh của năm nhu cầu cảm xúc, được ví như năm “nút bấm cảm xúc” này. Khi chúng ta có thể đem lại cho con cái cảm giác được yêu thương, chấp nhận, trở nên quan trọng và được tự chủ thì chúng ta mới có thể khiến chúng hợp tác với mình trong hầu hết mọi chuyện.
Tôi Đã Cảm Hóa Một Kẻ Gây Rối Thành Một Cộng Sự Như Thế Nào?
Sức mạnh của việc khai thác, tận dụng năm loại nhu cầu cảm xúc chính là một trong những phương pháp mà tôi sử dụng nhiều nhất để có được sự hợp tác từ những học sinh được xem là bất trị. Vài năm trước, tôi nhận trách nhiệm đào tạo cho một lớp học của những học sinh kém ở một trường phổ thông tại Singapore.
Lần đó, có một nhóm khoảng năm em cứ nói chuyện rào rào như bắp rang trong suốt buổi học. Mặc dù tôi đã nhiều lần nhắc nhở chúng giữ yên lặng và tập trung vào hoạt động của lớp, chúng vẫn phớt lờ tiếp tục phá ngang. Từ lâu tôi đã để ý thấy trong mỗi băng nhóm học sinh luôn có một “đại ca” ảnh hưởng tới cả nhóm. Lần này tôi biết, nếu mình thu phục được đứa đầu sỏ trong nhóm đó (một cậu học sinh quậy phá tên là Jonathon), thì chẳng còn vấn đề gì với những đứa còn lại, chúng sẽ nghe theo răm rắp. Thế là tôi quyết định sử dụng một chiêu mới.
Giữa buổi học, tôi cho cả lớp nghỉ giải lao nhưng lại bảo Jonathon rằng tôi muốn nói chuyện với cậu. Jonathon tỏ thái độ thách thức ra mặt, có lẽ cậu nghĩ tôi sẽ trách mắng cậu vì đã đầu têu gây mất trật tự trong suốt buổi học.
Thay vào đó, tôi đã làm một việc mà cậu hoàn toàn không nghĩ tới. Tôi mỉm cười thân thiện và nói rằng tôi muốn hỏi cậu một vấn đề rất quan trọng. Cậu trai tỏ vẻ bối rối, thậm chí còn bất ngờ hơn khi tôi nói muốn mời cậu đi uống nước để nói chuyện. Tôi đối đãi với cậu như với một người bạn cũ khi dẫn cậu đến căn tin dành cho giáo viên để uống nước và chuyện trò.
Tôi bắt đầu bằng những câu hỏi thể hiện sự quan tâm và tò mò, “Thầy để ý thấy các bạn em tôn trọng em như một anh hai. Hình như chúng nghe theo những gì em nói. Này khả năng lãnh đạo của em từ đâu mà có vậy?”. Cậu ta ngớ người ra ấp úng, “Tài lãnh đạo? Em … em có khả năng lãnh đạo?”. “Đúng thế! Em là một nhà lãnh đạo bẩm sinh” – tôi trả lời khá thành thật – “Và em có tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo thành công”. Cậu ta chỉ còn biết nhìn tôi với ánh mắt sững sờ, kinh ngạc.
Sau đó tôi bồi thêm, “Jonathon à, thầy muốn nhờ em giúp thầy một việc”. Jonathon vẫn chưa hết kinh ngạc, có lẽ cậu đang tự hỏi một nhà huấn luyện nổi tiếng mà cũng có việc phải nhờ tới cậu giúp hay sao. Thế là tôi thành thật bảo rằng, để có thể chia sẻ kiến thức và hiểu biết của tôi cho các bạn trẻ trong lớp, tôi cần tất cả tập trung vào bài học. “Thầy biết rằng các bạn ấy sẽ không nghe thầy khi thầy nhắc nhở giữ trật tự, nhưng các bạn ấy lại chịu nghe em vì chúng thật sự tôn trọng em. Em có nghĩ là mình có thể nhắc nhở các bạn tập trung hơn không? Thầy cần em giúp đỡ”.
Việc làm của tôi đã làm cho cậu học trò ngỗ ngược cảm thấy tự hào về bản thân (có tài lãnh đạo, được bạn bè tôn trọng) và có cảm giác mắc nợ tôi (được chính thầy mời đi uống nước như người lớn cơ mà). Thế là cậu trả lời “Em sẽ cố hết sức”. Không còn phải nghi ngờ gì nữa, khi buổi học tiếp tục, cái nhóm ồn ào của cậu ngồi im như thóc. Tôi liếc thấy khi có ai nói chuyện, cậu còn nhắc nhở người đó giữ im lặng.
Tại sao cách xử lý của tôi lại ứng nghiệm đến vậy? Đa số người thầy trong trường hợp ấy thường sẽ làm ngược lại, họ ra oai quát mắng những đứa trẻ gây nhiễu loạn trong lớp học. Việc mắng mỏ công khai thường chỉ tạo ra sự chống đối ngấm ngầm hoặc lộ liễu, thậm chí cả hành vi nổi loạn của những học sinh cá biệt. Tôi thì lại làm cho cậu ta oai phong lẫm liệt, được thầy giáo công nhận phẩm chất lãnh đạo và cần đến sự giúp đỡ cơ mà. Thế là tôi “điểm trúng huyệt” cu cậu và Jonathon trở thành một học sinh gương mẫu.
Từ Một Thiếu Niên Phạm Pháp Thành Một Trợ Lý Huấn Luyện Xuất Sắc
Cho phép tôi kể bạn nghe một ví dụ còn có sức thuyết phục hơn về việc cha mẹ hay giáo viên có thể kích hoạt những “nút bấm cảm xúc” của thiếu niên và giải phóng tiềm năng của chúng như thế nào. Có lần tôi đã thực hiện việc “bấm nút” này thành công đến mức biến một tội phạm vị thành niên trở thành một trong những trợ lý chương trình xuất sắc nhất của tôi.
Việc xảy ra như thế này. Khoảng hai năm trước, mẹ của Marcus (tên đã được thay đổi để đảm bảo sự riêng tư) ép cậu tham dự khóa học “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”. Vào thời điểm đó, mẹ cậu đau đầu không biết phải làm sao để đưa con trai bất trị vào khuôn phép. Cậu chơi game tối ngày và chỉ trở về nhà lúc gần nửa đêm. Marcus bỏ ngoài tai mọi lời van lơn hay rầy la của mẹ, nhưng chỉ cần bạn gọi một tiếng là vội vàng làm tất cả mọi chuyện cho chúng. Giọt nước cuối cùng tràn ly khi cậu bị bắt vì tội ăn cắp vặt cùng bạn (chỉ là một hành vi đua đòi vì gia đình cậu rất khá giả). Thế là mẹ cậu chẳng còn biết làm gì khác ngoài việc gửi gắm cậu cho tôi như một kế sách cuối cùng.
Khi tiếp xúc với Marcus, tôi nhận thấy bên trong cậu bé lêu lổng đua bạn đua bè này là một tâm hồn nhiệt tình, hồn hậu nhưng đang lầm đường lạc lối. Rõ một điều, cậu ghét trở về nhà vì mẹ cậu vừa thoáng thấy bóng con đã lên tiếng chỉ trích, than phiền, la mắng nếu không thì cũng khóc lóc, kêu ca. Cứ như thế, cậu dần dần cảm thấy mình là người thừa trong nhà và không được chấp nhận. Vốn bản tính hiếu động, năng nổ, cậu không biết làm sao giải thoát được nhu cầu trở thành người quan trọng trong mắt người khác. Và đó là lý do tại sao với bạn bè, cậu được đề cao vì bao giờ cậu cũng “xả láng” với chúng, còn nói về game thì cậu vang danh là một game thủ siêu hạng.
Cùng với những điều thu hoạch được từ khóa học, Marcus bắt đầu thay đổi nhận thức về cuộc sống và bản thân. Cậu bắt đầu trở nên tự tin và có ý thức tôn trọng bản thân hơn. Cậu cũng làm quen và kết thân với những người bạn mới – những người bạn có niềm tin mạnh mẽ và mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống. Ngoài ra, còn có một điều tác động tích cực đến quá trình thay đổi này, mẹ cậu cũng tham dự vào chương trình đào tạo dành cho phụ huynh và nhận ra tầm quan trọng của việc hiểu được cảm xúc của cậu con trai cũng như bồi đắp lòng tự trọng trong cậu.
Những gì diễn ra sau khóa học thật tuyệt vời. Marcus thể hiện một sự chuyển biến ngoạn mục, cậu biết đánh giá cao sự quan tâm của mẹ và nghe lời bà hơn. Cậu quyết định dành thời gian nhiều cho việc học và kiên quyết từ bỏ thói quen chơi điện tử.
Được biết về sự tiến bộ vượt bậc của cậu, tôi đã mời Marcus làm trợ lý cho các huấn luyện viên của tôi. Đứa trẻ từng có một thời “oanh liệt” trên đường phố ngày nào giờ được giao vai trò tư vấn và khích lệ những học sinh mới. Khi Marcus được giao nhiệm vụ giúp đỡ những học sinh khác thành công, cậu cực kỳ phấn chấn và tự hào về bản thân mình. Lần đầu tiên cậu biết thế nào là vui sướng và hãnh diện khi một trong những cha mẹ của học viên đã tìm tới trường cảm ơn cậu vì cậu đã giúp con trai họ thay đổi.
Từ bấy đến nay, Marcus đã làm trợ giảng cho các khóa đào tạo của chúng tôi sáu lần, mỗi khóa kéo dài năm ngày. Cậu tình nguyện làm việc cật lực trong những ngày nghỉ để giúp những thiếu niên khác cũng có sự biến chuyển như cậu.
Câu chuyện của Marcus là thế. Đôi khi chỉ vài động tác nhỏ cũng làm thay đổi cả một con người. Bạn có thể sử dụng phương pháp này như thế nào để thay đổi con cái theo chiều hướng tốt hơn? Bạn sẽ có được câu trả lời trong chương tiếp theo. Bạn cũng sẽ tìm hiểu và nắm được những nghệ thuật cụ thể giúp con bạn vui vẻ hợp tác với cha mẹ. Chúng ta hãy bắt đầu học cách làm đầy bể yêu thương trong mỗi đứa trẻ, bạn nhé!
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment