Bên cạnh việc hiểu được sức mạnh của sự kết hợp cả hai bán cầu não vào việc học, bạn cũng phải biết được các cách thức khác nhau trong việc xử lý thông tin trong não bộ của con người (ở đây là trong việc học).

Chúng ta tiếp thu và xử lý thông tin bằng ba cách thức chủ yếu sau đây:
1) Bằng Thị Giác (Hình Ảnh)
Cách đầu tiên mà chúng ta xử lý thông tin là tạo ra hình ảnh trong đầu.

2) Bằng Thính Giác (Âm Thanh)

Thỉnh thoảng bạn có nói chuyện một mình hay nghe một tiếng nói văng vẳng bên trong khi đang học hay suy nghĩ không? Bạn đang xử lý thông tin dưới dạng thính giác đấy.

 

3) Bằng Cảm Nhận (Cảm Giác và Sự Di Chuyển)

Đôi khi bạn có để ý thấy mình nhúc nhích ngón tay trong lúc suy nghĩ không? Bạn có học tốt hơn khi viết ra giấy hay khi đi tới đi lui không? Bạn đang xử lý thông tin dưới dạng cảm nhận nếu bạn làm như vậy.

Mặc dù bạn và tôi (và con cái chúng ta) đều có tiềm năng sử dụng cả ba cách thức trên (thị giác, thính giác và cảm nhận), nhưng nhiều người trong chúng ta (và con cái) ưa dùng một dạng xử lý thông tin hơn cả. Việc này được biết đến như CÁCH HỌC chủ yếu của chúng ta.

Tìm Hiểu Về Cách Học Của Bạn

Tôi xin giới thiệu một bài tập mà bạn có thể tự làm một mình và sau đó thực hiện cùng với con mình. Hãy nhắm mắt lại và nghĩ về một số điện thoại hay một địa chỉ. Hãy lưu ý những gì diễn ra trong tâm trí của bạn.

Việc con bạn xử lý thông tin trong tâm trí như thế nào (thị giác, thính giác, cảm nhận hay kết hợp giữa chúng) có tạo ra sự khác biệt nào không? Chắc chắn là có! Việc này ảnh hưởng đến khả năng đánh vần, hiểu, ghi nhớ và tính toán của con bạn.

Chúng tôi phát hiện ra rằng khi đứa trẻ gặp khó khăn trong việc đánh vần, đó là vì chúng không nhìn thấy hình ảnh của từ đó trong tâm trí (PHI THỊ GIÁC), mà chỉ cố đoán ra cách đánh vần của từ đó thông qua âm thanh (THÍNH GIÁC). Bởi vì cách đánh vần của một từ không phải bao giờ cũng khớp với cách từ đó được phát âm (nhất là trong tiếng Anh), trẻ thường mắc lỗi đánh vần sai.

Những người đánh vần giỏi có khuynh hướng dùng trí nhớ để nhìn thấy từ đó trong tâm trí (THỊ GIÁC) và so sánh từ đó với từ mà họ đang viết. Ví dụ, sau khi làm việc với những đứa trẻ thuộc hạng EM3 tại Singapore (bị coi là chậm hiểu), chúng tôi khám phá ra rằng chúng là những đứa trẻ học bằng cảm nhận rất tốt, trong khi lại có kỹ năng thị giác và thính giác rất thấp. Vì thế, những đứa trẻ này gặp khó khăn trong việc tập trung, nhất là khi bị ép buộc phải ngồi một chỗ và lắng nghe bài giảng của thầy cô trong một khoảng thời gian dài. Để các em này học tốt, cần hướng dẫn các em học lý thuyết kết hợp với thực hành, tiếp xúc và di chuyển xung quanh. Khi học cái gì đó trong trạng thái ngồi yên một chỗ và chỉ lắng nghe hoặc đọc sách, chúng sẽ bồn chồn không yên và cuối cùng sẽ ngủ quên.

Sau khi làm việc với những đứa trẻ từ các chương trình năng khiếu, chúng tôi phát hiện ra rằng tất cả các em này đều kết hợp việc xử lý thông tin bằng thị giác, thính giác và cảm nhận một cách tự nhiên, nhuần nhị. Khi quan sát một trong những học sinh năng khiếu học môn Sinh học, chúng tôi phát hiện ra rằng cô ấy hình dung các thí nghiệm và hình ảnh trong tâm trí (thị giác), tự đọc thầm cho bản thân (thính giác) và viết hoặc vẽ ra các công thức và sự kiện (cảm nhận).

Phương Pháp Đánh Vần Tiếng Anh Hiệu Nghiệm

Hãy để chúng tôi chia sẻ với bạn một phương pháp hiệu nghiệm mà chúng tôi sử dụng để giúp trẻ em đạt hiệu quả cao trong việc học tiếng Anh. Phương pháp này dạy đánh vần bằng việc kết hợp thị giác, thính giác và cảm nhận của não bộ. Có tổng cộng năm bước. Giả sử bạn muốn con bạn học cách đánh vần từ “grotesque”.

Bước 1: Phát Âm Từ

Bước đầu tiên là phát âm từ đó một cách chính xác và sau đó phát âm từ đó theo cách mà nó được đánh vần (một số từ tiếng Anh không được phát âm theo cách chúng được đánh vần).

Ví dụ: Phát âm đúng à “gro-tesk”

Phát âm theo kiểu đánh vần à “gro-tes-cue”

Bước 2: Chia Nhỏ Từ Ra Từng Phần

Ví dụ: grotes-que

Bước 3: Nhìn Lên Trên Và Viết Từ Đó (Theo Từng Phần) Trong Tâm Trí Bạn Bằng Những Màu Sắc Mà Bạn Thích. Hình Dung Từ Đó Hiện Lên Trong Tâm Trí Bạn

Việc làm này kích hoạt thị giác (tưởng tượng từ) và cảm nhận (viết ra từ đó bằng các ngón tay).

Bước 4: Đọc To Từ Đó (Theo Từng Phần) Khi Bạn Làm Bước 3

Việc làm này kích hoạt thính giác của bạn.

Bước 5: Đánh Vần Từ Đó (Theo Từng Phần) Xuôi Và Ngược 3-4 Lần

Lý do của việc đánh vần ngược là để buộc bạn phải nhìn thấy hình ảnh từ đó trong tâm trí bạn.

Bước 6: Tự Kiểm Tra

Cuối cùng, tự kiểm tra để chắc chắn bạn đánh vần từ đó một cách chính xác.

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH