Đây là một kỹ thuật do một nhà tâm lý học nổi tiếng về đời sống gia đình tên là Virginia Satir nêu ra. Bà là một trong những người khoa học có công “hàn gắn những gia đình có vấn đề”. Bà đã khám phá ra một phương pháp giúp các gia đình tìm ra những nguyên nhân sâu xa của bất kỳ mâu thuẫn nào trong gia đình và sau đó giúp họ hài hòa giữa những khác biệt để cùng đạt được kết quả mong muốn.
Hãy suy nghĩ về cách mà bạn thường dùng để buộc con cái phải làm theo ý mình. Bạn cằn nhằn, chửi mắng, thậm chí dùng đến những lý lẽ sắc bén của người lớn để khiến chúng cảm thấy mình thật tồi tệ ư? Việc này có giúp bạn đạt kết quả như ý muốn không? Tôi hiểu bao giờ bạn cũng có hảo ý, trong thực tế thì tất cả những ông bố bà mẹ đều nói rằng họ chẳng có mong muốn gì ngoài những điều tốt đẹp nhất cho con cái, nhưng liệu ý định tốt lành này có được chuyển thành kết quả mỹ mãn hay không?
Để minh họa cho việc này, chúng ta hãy hình dung cảnh tượng sau. Một người cha vừa trở về nhà sau một ngày làm việc dài dằng dặc với đủ mọi áp lực. Ông mệt mỏi mở cửa bước vào nhà và thấy thằng con trai 16 tuổi, sức dài vai rộng của mình đang hứng chí với những trò biến hóa trong màn game của nó, mặc dù chưa đầy một tháng nữa là đến kỳ thi cuối khóa.
Người cha (với giọng cộc cằn): Greg, con đang làm gì đấy?
Greg: Con chơi game, ba không thấy à?
Người cha: Hay nhỉ! Ba thì mướt mồ hôi để kiếm tiền còn con thì ườn xác ra chơi game! Con thấy ba đi làm về mà không thèm chào ba một tiếng. Như vậy là ý gì? Có phải chơi game quan trọng hơn ba, đúng không? Ba lao lực cả ngày là vì ai, thế mà ba cũng chỉ mong con biết đến cha đến mẹ một chút thôi. Việc đó khó khăn lắm sao?
Greg: (tiếp tục bị cuốn hút vào trò chơi game và không để ý đến cha)
Người cha: Không phải là con sắp thi à? Sao con vẫn mê mẩn cái trò ngu ngốc ấy?
Greg: Ủa, thi gì cơ ạ? (mắt vẫn không rời khỏi màn hình)
Người cha: Đừng giả vờ ngu ngốc nữa. Ba không thích thái độ đó của con. Ba mẹ vất vả như thế nào mới nuôi con lớn từng này! Bao nhiêu khó nhọc của cha mẹ chỉ để cho con được ăn sung mặc sướng; và tất cả những điều ba yêu cầu là con tỏ ra biết ơn một chút đối với những người đã lao tâm khổ tứ vì con. Ba không hiểu tại sao con càng lớn càng hư không chịu nghe lời cha mẹ.
Greg: (tắt máy tính và đứng dậy bỏ đi)
Người cha: Mày đi đâu? Ngồi xuống! Tao đang nói với mày kia mà. Tưởng rằng mày không muốn nói chuyện là thoát được à. Ngồi yên đấy, cho đến khi mọi chuyện ra ngô ra khoai!
Greg: (ném phịch người xuống ghế salông, chép miệng) Sao cũng được!
Người cha: Mày nói thế là nghĩa làm sao? Mày láo lếu như thế từ bao giờ vậy? Mày tưởng mình đã thành người lớn rồi chắc?
Greg: Ừm!
Người cha: Mày dám! Thử la to hơn xem nào?
Greg: Phải!!!
Người cha: Gào to nữa lên xem sao!
Greg: Ba muốn con làm gì nào? Ba bảo con la to thì con la để rồi ba lại mắng mỏ.
Người cha: (tức tối đến không nói nên lời) Mày… mày tưởng mày… ngon lắm rồi hả?
Greg: Phải!
Người cha: Mày gào nữa lên cho tao xem!
Greg: Phải, phải, phải!!!
Người cha: (tát vào mặt con) Đồ khốn nạn? Mày nghĩ mày là ai? Nhớ rằng… tao đẻ ra mày nghe chưa, tao là bố mày. Nếu tao bảo làm gì thì phải làm theo nghe chưa. Quay về phòng học bài NGAY LẬP TỨC!
Greg: Sao cũng được! (chạy vào phòng và đóng sập cửa lại)
Như bạn có thể thấy, trong những vụ va chạm gia đình như thế này, không ai thắng cả. Đứa con trai giận dữ vì người cha tỏ ra vô lý mắng mỏ và đánh mình, còn người cha thì bấn loạn vì không quản lý nổi đứa con cứng đầu hỗn láo. Bạn hãy xem lại tình huống trên một lần nữa và tìm ra một số lỗi mà người cha mắc phải, khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn và những hậu quả có thể kéo theo.
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
Theo ý chúng tôi, đây là một số sai lầm mà người cha nên tránh:
- Người cha nên tránh dùng giọng điệu hạch sách mà nên bắt đầu với vẻ thân thiện hơn, như hỏi con chơi game gì và cậu chơi thế nào – trước khi đề cập đến kỳ thi của cậu.
- Đặt câu hỏi tại sao với giọng điệu kết tội (“Tại sao con không thể làm được việc này?”) dẫn đến phản hồi tiêu cực từ Greg. Nếu người cha không “tấn công” trước, cậu sẽ không ở tâm thế chống đối.
- Người cha gọi trò chơi của con là “ngu ngốc”, nên Greg hiểu cha ám chỉ mình ngu ngốc. Điều này càng thổi bùng lên ngọn lửa bất mãn trong cậu con trai đang muốn khẳng định mình là người lớn.
- Greg nổi loạn bằng cách giả vờ ngu ngốc như cách người cha gán ghép cho mình, khiến người cha càng giận dữ hơn và rơi ngay vào bẫy của con: ông cảm thấy mình thật sự ngu ngốc và bất lực.
- Người cha có thể làm tốt hơn bằng cách kềm chế cảm xúc của mình.
Dùng giọng điệu hùng hổ chỉ làm mọi việc tệ hơn khi đứa con đã chọn cách “mặc kệ” cho mọi việc xảy ra. Khi một trong hai bên tỏ thái độ dửng dưng, bất cần, thách thức thì vấn đề trở nên khó giải quyết. Bạn nên tránh tình trạng này bằng bất cứ giá nào.
Cơ sở lý luận làm bản lề cho phương pháp “hàn gắn” của Satir là: Thay đổi không phải là một sự kiện mà là một quá trình. Bởi thế, bà tạo ra những thay đổi tích cực trong gia đình bằng cách thay những dữ kiện đang xảy ra bằng những gì nên xảy ra. Bà tạo ra một hệ thống vững vàng để các gia đình có thể tự tạo ra những thay đổi chắc chắn và bền vững.
Càng hiểu rõ phương pháp này bao nhiêu, bạn càng có khả năng thành thạo trong việc tự thay đổi mình và tạo ra sự thay đổi ở con cái bấy nhiêu. Phương pháp Tất Cả Sự Thật mang lại hiệu quả to lớn nhờ việc đặt trẻ vào một trạng thái tinh thần (cảm xúc) dễ tiếp nhận thông tin. Tôi không biết bạn có nhận ra rằng khi cha mẹ khiển trách con cái, ta thường làm dấy lên cảm giác giận dữ và chống đối trong trẻ. Vì thế để trẻ thay đổi, chúng ta cần thay thế những xúc cảm tiêu cực đó bằng những xúc cảm tích cực, thông qua việc nói lên những gì đang thật sự diễn ra (tất cả sự thật) theo từng bước cụ thể để trẻ dễ dàng tiếp nhận, và đó cũng là tiền đề của phương pháp Tất Cả Sự Thật này.
Các bước tiến hành như sau:
|
Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng phương pháp Tất Cả Sự Thật.
- Chỉ khi nào bạn ở trong tâm trạng thoải mái, bình tĩnh mới sử dụng phương pháp này. Ví dụ, khi bạn đang giận, bạn có thể nói với giọng điệu giận dữ nhưng đừng gào lên hết âm lượng thể hiện cơn giận sôi sục của mình. La lối quát mắng là dấu hiệu của việc thiếu khả năng kiểm soát bản thân. Khi bạn đang buồn bã, hãy dùng giọng điệu nhẹ nhàng. Sự cường điệu thái quá sẽ làm giảm tác dụng của phương pháp Tất Cả Sự Thật (vì cường điệu rõ ràng không phải là… toàn bộ sự thật).
- Chỉ phê bình hành vi chứ không phê bình/phủ nhận toàn bộ một con người.
- Giải thích cụ thể tại sao bạn không hài lòng/đồng tình với hành vi đó. Nếu nói không rõ ràng, trẻ có thể hiểu là bạn đang trong tâm trạng “giận cá chém thớt”, rằng nó bị vạ lây.
- Đưa ra lời khen ngợi đúng chỗ đúng lúc. Tôi phát hiện rằng đa số cha mẹ sử dụng phương pháp này chỉ tập trung vào lỗi lầm của trẻ và cảm thấy khó mà đưa ra lời khen ngợi động viên.
- Kết thúc buổi nói chuyện bằng một tâm trạng tích cực (cảm kích, bao dung, thương yêu …), bởi vì sâu thẳm trong lòng, ta yêu thương con cái (bất kể chúng có gây ra chuyện gì) và đó là lý do tại sao chúng ta cần phải điều chỉnh những hành vi không tốt của chúng.
- Bạn không cần phải thực hiện tất cả các bước liệt kê ở trên mà nên vận dụng linh hoạt tùy theo từng trường hợp. Nhưng bạn cần chú ý đến bốn bước chủ đạo là: GIẬN DỮ (hoặc tổn thương, lo lắng, buồn phiền), MONG MUỐN CHO CON, HIỂU và CẢM KÍCH.
- Tạo điều kiện cho cả hai bên sử dụng phương pháp Tất Cả Sự Thật, nghĩa là cũng để cho con bạn có cơ hội nói lên cảm xúc, mong muốn, suy nghĩ và sự cảm kích của chúng.
Hãy cùng quay lại câu chuyện giữa hai cha con nhà kia, từ lúc người cha mở cửa bước vào nhà và hình dung người cha sử dụng hiệu quả phương pháp Tất Cả Sự Thật như thế nào.
Người cha (giọng bình thường): Greg, con lại chơi game đấy à? Ba không hiểu nó có gì mà hấp dẫn con đến vậy?
Greg: Ở trường con đứa nào cũng chơi game, ba có thể chơi qua mạng được.
Người cha: Greg à, thật lòng mà nói, ba HƠI BỰC khi thấy con chơi game suốt ngày. Sẽ tốt hơn nếu con dành nhiều thời gian hơn cho việc học hành. Con có thể ngừng chơi một chút không, ba muốn nói chuyện với con!
Greg (miễn cưỡng tắt máy và vùng vằng xuống ghế salông)
Người cha: Ba GIẬN khi thấy con cứ chơi game suốt. Ba biết rằng điểm số của con dạo gần đây không tốt lắm, nếu con chịu khó học hành chăm chỉ hơn, ba tin rằng con sẽ nhận được những kết quả xứng đáng với khả năng thật sự của con.
Người cha: Ba RẤT BUỒN khi con tỏ ra vô trách nhiệm như vậy. Ba không ngại làm lụng vất vả vì ba tin rằng làm cha, vai trò của ba là mang lại những gì tốt nhất cho con, đặc biệt là một nền tảng giáo dục tốt nhất có thể có được.
Người cha: Ba TIẾC là ba đã lần lữa quá lâu trước khi nói với con chuyện này. Ba đã muốn nói với con điều này từ lâu rồi nhưng công việc khiến ba ít có thời gian trao đổi với con. Hai chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình, ba cũng thế mà con cũng thế. Con cũng đâu còn nhỏ nữa, đúng không nào?
Người cha: Ba LO là nếu con cứ tiếp tục như vậy, con khó có thể tiếp tục học ngành nghề mà con mong muốn và không có nhiều cơ hội trong tương lai. Ba vẫn biết con muốn trở thành phi công – đó là ước mơ từ bé của con. Hãy nhớ rằng người duy nhất có thể bóp chết giấc mơ ấy là bản thân con chứ không phải ai khác. Ba tin rằng con có thể là một cơ trưởng tài giỏi, và ba biết rằng con thật sự khao khát điều đó. Nếu con lưu ban một năm, ba sẽ vẫn trả tiền học phí cho con nhưng ba biết con không thích mài đũng quần trên ghế nhà trường mà muốn mau chóng đi làm để khẳng định mình. Cho nên, ba mong con nhanh chóng hoàn tất việc học, ba chắc là con cũng muốn như vậy.
Người cha: Tất cả những gì ba MONG MUỐN là con chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình. Con đã 16 tuổi rồi và một ngày nào đó, con có trách nhiệm lo cho gia đình nhỏ của chính con. Mỗi ngày con lớn lên là một ngày ba già đi. Ba sẽ làm tất cả để giúp con đạt được ước mơ của mình nhưng con mới là người biến mơ ước đó thành sự thật.
Người cha: Ba HIỂU là con cần hòa nhập với bạn bè cũng như có nhu cầu thư giãn, và việc chơi game khiến con cảm thấy thỏa mãn nhu cầu đó. Ba không bảo con tuyệt đối không chơi game. Ba nghĩ con nên điều chỉnh thời gian giữa học và chơi để có nhiều thời gian học hơn, ít nhất cũng đến khi thi xong.
Người cha: Ba rất CẢM KÍCH vì con đã dành thời gian giúp mẹ làm việc nhà. Ba cũng cảm ơn con vì đã chăm sóc em thay vì ăn hiếp nó như hồi con còn nhỏ. Ba nghĩ đó là những việc làm tốt thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đàn ông, và ba rất hãnh diện về con trong chuyện này.
Người cha: Ba QUAN TÂM đến con vì con là con trai của ba. Ba đã từng bước dõi theo con, từ khi con là một đứa trẻ bi bô gọi “ba ba” cho đến khi con trở thành một thanh niên cao lớn như hôm nay. Ba chứng kiến những thành công cũng như thất bại của con. Khi con vấp ngã, ba luôn ở bên cạnh để nâng con dậy. Ba tự hỏi không biết ba còn giúp đỡ con được bao lâu nữa. Sẽ đến lúc, mà cũng chẳng lâu đâu, con sẽ là người nâng ba dậy khi ba mỏi mệt, chùn bước. Ba muốn chắc chắn rằng con trai của ba thừa khả năng để nâng đỡ cha già.
Nghe đến đây, Greg cúi đầu xuống. Nếu cậu ngắt lời cha để biện hộ cho mình, cha cậu sẽ ngăn lại và bảo rằng cậu sẽ được phép nói sau khi ông nói xong. Một trong những đặc tính của thiếu niên là khi bạn bảo chúng nói thì chúng sẽ im lặng. Cho nên đôi khi bạn phải có “mẹo” để thúc đẩy chúng.
Người cha: Greg, con có gì để nói với ba không?
Greg: (lầm bầm trong miệng): Không ạ.
Người cha: Con có giận ba không?
Greg: Dạ, không.
Người cha: Con có buồn khi nghe những gì ba nói không?
Greg: Một chút thôi ạ.
Người cha: Thế con buồn về chuyện gì? (câu hỏi mở, thay vì câu hỏi có/không)
Greg: Con buồn vì ba bảo con chơi game suốt ngày. Con vừa chơi được mấy phút thì ba về nhà. Con thường bắt đầu chơi trước giờ ba đi làm về nên ba cứ nghĩ rằng con chơi suốt ngày.
Người cha: Ừm… ba hiểu rồi. Vậy con đã hiểu ba mong muốn gì ở con rồi chứ?
Greg: Dạ.
Người cha: Ba muốn gì vậy?
Greg: Ba muốn con có trách nhiệm hơn và học chăm chỉ hơn, chơi game ít đi.
Người cha: Ba có thể tin con sẽ làm được việc đó không?
Greg: Dạ thưa ba. Con sẽ cố hết sức.
Người cha: Vậy thì tốt rồi… Chắc đã đến lúc ăn tối, ta hãy cùng nhau dọn bàn ăn nào.
Từ những gì đọc được, chắc bạn cũng nhận ra rằng lần này cha của Greg đi thẳng vào vấn đề và cụ thể hơn trong những lời nhận xét của ông về con trai. Ông miêu tả những gì mình chứng kiến và cảm xúc của bản thân, nhưng vẫn kềm chế những lời nói và hành động tiêu cực trong lúc giận dữ. Hơn nữa, ông tập trung vào việc thay đổi hành vi của con trai. Ông biết cách bày tỏ tình thương và sự chấp nhận của mình đối với cậu, điều này được thể hiện qua những gì ông nói với con. Greg cảm thấy mình được cha chấp nhận như con người vốn có của mình, và cậu cũng có cơ hội (hoặc được cha khơi gợi) để nói lên quan điểm của cậu chứ không bị cha buộc phải im lặng và đi vào phòng học bài.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI
Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.
Leave A Comment