Thực tế cho thấy, chỉ yêu thương và hết lòng mong muốn điều tốt lành cho con cái thôi thì chưa đủ cho việc dạy con thành công. Áp dụng lại các phương pháp mà ngày xưa cha mẹ ta vẫn giáo huấn ta có thể không còn hiệu quả nữa trong một xã hội mới. Dưới ảnh hưởng của sự bùng nổ thông tin, thế hệ 8X, 9X, 10X rất khác biệt. Chúng hiểu biết hơn, dễ xúc cảm hơn và có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng khác nhau hơn. Là cha mẹ, chúng ta cũng cần phải thay đổi và thích nghi với thời đại mới, biết cách sử dụng những mô hình và phương pháp dạy con sáng tạo, mới mẻ, tiên tiến. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể rút ngắn và xóa nhòa khoảng cách giữa hai thế hệ trong gia đình, giúp con cái phát huy mọi tiềm năng, tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc và hài hòa, cũng như biết cách làm chủ đời mình khi chúng trưởng thành.

Tìm Hiểu Về Thế Giới Tuổi Teen

Muốn thiết lập và duy trì mối quan hệ gắn bó với con cái, đồng thời giúp chúng phát triển hết khả năng, trước tiên cha mẹ phải thật sự hiểu được con cái. Đầu tiên, chúng ta phải hiểu việc sống trong thế giới tuổi teen là như thế nào. Hiểu được đứa trẻ 13, 15 tuổi có cảm giác ra sao, thường gặp phải những vấn đề gì, thầm hy vọng và mong ước gì ở cuộc đời, thậm chí phải biết cả thứ ngôn ngữ mà con mình sử dụng. Nếu như “đàn ông đến từ sao Hỏa và phụ nữ đến từ sao Kim”, con cái chúng ta chắc chắn phải đến từ một thiên hà nào đó hoàn toàn khác.

Vậy bạn biết gì về thế giới tuổi thơ? Bạn có thật sự hiểu ngôn ngữ của chúng không? Tôi muốn bạn hãy thử một bài kiểm tra nhỏ dưới đây để khám phá mức độ hiểu biết của bạn về xu hướng và ngôn ngữ xì-tin.

  1. Bạn hiểu được cách viết này không: pó t4y, chàj oj?
  2. Những người nào được gọi là “Emo”?
  3. “Xàm bơ”, “Xàm xí” có nghĩa là gì?
  4. “LOL” có nghĩa là gì?
  5. “Là dà”, “i âu ậy” có nghĩa là gì?

Nếu trả lời đúng hết, bạn có thể tự khen mình được rồi. Bạn khá rành ngôn ngữ tuổi ô mai. Nếu bạn không hiểu chút nào, thì cũng đừng vội buồn vì đó là chuyện bình thường. Tôi đưa bài kiểm tra đơn giản này cho rất nhiều phụ huynh, hầu hết họ đều cảm thấy khó hiểu. Thậm chí có người còn hoàn toàn mù tịt.

Bây giờ bạn đã biết mình đang ở đâu trong quá trình hòa hợp với con cái. Trước khi nghĩ đến chuyện dạy con hiệu quả, hãy dành thời gian nhiều hơn để tìm hiểu thêm về thế giới của con trẻ như xem thử các chương trình tivi chúng yêu thích, nghe thử những loại nhạc chúng say mê, đọc thêm những loại sách báo dành cho tuổi mới lớn, đọc những gì các bạn trẻ viết trên blog hay diễn đàn… Bạn sẽ khám phá ra nhiều điều khác lạ trong thế giới của chúng. Có một số điều bạn sẽ cảm thấy khó mà chấp nhận được. Tuy nhiên, bạn nên nhìn và hiểu thế giới đó bằng một cái nhìn cảm thông hơn là phán xét. Bạn đừng quên rằng, ngày xưa cha mẹ ta cũng từng có lúc “chẳng thể nào hiểu nổi” chúng ta.

Thế giới của tuổi mới lớn ngày nay thật khác với chúng ta. Cuộc sống đang quay với một tốc độ điên cuồng chóng mặt. Việc kiếm sống ngày càng mang tính cạnh tranh lạnh lùng và khốc liệt. Đa số các gia đình ngày nay cần có hai trụ cột (cả vợ chồng cùng đi làm, thay vì chỉ người chồng đi làm như trước kia) để chạy đua với giá cả trong một xã hội tiêu dùng sùng bái vật chất. Vì thế mà khoảng thời gian cần thiết để cha mẹ chơi đùa và trò chuyện cùng con cái ngày càng ngắn lại so với những thập kỷ trước.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các kênh tivi truyền hình cáp, các loại game online và nhất là Internet đã và đang tạo ra một thế giới thanh thiếu niên ngày càng khác biệt với những gì mà chúng ta – những bậc cha mẹ – từng biết. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu những tiến bộ khoa học công nghệ mang đến vô số lợi ích cho con người thì nó cũng đồng thời đem đến cả những điều tệ hại, thậm chí rất tệ hại. Nếu Internet là nơi để phô trương cái đẹp, cái tốt thì cũng là chỗ cho cái xấu, cái ác mặc sức mọc lên như cỏ dại. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và sự nhanh nhạy của giới trẻ đối với công nghệ cũng chính là lý do khiến nhiều bậc phụ huynh có cảm giác hụt hẫng, bất lực vì không có cách nào theo kịp con cái hoặc quản lý được chúng.

Máy vi tính có hấp lực đặc biệt với thanh thiếu niên. Mạng Internet là nguồn cung cấp thông tin phong phú, mang lại sự tương tác trong thế giới ảo cho người dùng, khiến cho nhiều người lạc lõng trong thế giới thật có thể tìm được chỗ đứng của mình trong thế giới ảo và ngày càng đắm chìm trong đó. Tôi từng thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với một nhóm thiếu niên, bằng cách hỏi xem họ dành bao nhiêu tiếng một ngày cho máy vi tính hay lướt web. Không cần chớp mắt, hơn 55% trả lời 4-5 tiếng mỗi ngày.

Và dĩ nhiên, trong thế giới tuổi teen khá phức tạp đó, nếu gặp cái tốt cái đẹp, con bạn sẽ ngày càng tiến bộ. Ngược lại, chúng sẽ phí thời gian vào những chuyện vô bổ, thậm chí là chuyện xấu. Báo chí lên tiếng hàng ngày về hiện tượng nghiện game, xem phim đồi trụy, những đoạn video clip nhạy cảm mà các em truyền tay nhau. Người lớn chúng ta cần phải làm gì để kéo con em mình tránh xa những ảnh hưởng độc hại ấy? Đó là câu hỏi mà chúng ta phải cùng động não để tìm ra cách giải quyết.

Một số thiếu niên than phiền với tôi rằng cha mẹ không yêu thương chúng, quản lý chúng như tù nhân và tước đi nhu cầu tự khẳng định bản thân của chúng. Cách mà bọn trẻ nhận thức về sự quan tâm và tình cảm của cha mẹ không phải lúc nào cũng đồng quy với cách mà cha mẹ nghĩ và hành động.

Hiện nay, đối với một số thiếu niên, yêu thương chúng nghĩa là cho chúng quyền tự do giao du với những người chúng thích và làm bất cứ cái gì chúng muốn. Dĩ nhiên, là cha mẹ, chúng ta nói chung rất sợ kiểu “tự do” này, ai chẳng muốn làm hết sức mình để bảo vệ con cái khỏi những nguy cơ của một xã hội ngày càng phức tạp và bảo bọc chúng lớn lên trong một môi trường an toàn, “vô trùng”.

Câu hỏi đặt ra là môi trường mà bạn có thể mang lại cho con bạn an toàn đến mức nào và liệu đây có phải là cách tốt nhất để giúp đỡ chúng? Một mai lớn lên, đứa trẻ nào rồi cũng phải đối diện với cái bất toàn, cái xấu, cái không ổn và vì hoàn toàn không có khái niệm gì về mặt trái của xã hội, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường “vô trùng” thường có nguy cơ “nhiễm bệnh” cao hơn những đứa trẻ khác.