Tôi yêu khủng hoảng kinh tế.

Khách hàng của tôi cũng vậy.

Và sau khi đọc xong quyển sách này, bạn cũng sẽ giống như tôi.

Với những tổn thất mà nó gây ra, khủng hoảng kinh tế – như đợt gần nhất chúng ta trải qua – giúp chúng ta phát hiện vô số cơ hội tăng trưởng, còn nhiều hơn so với thời kỳ thịnh vượng. Và đó là lý do tại sao tôi thích khủng hoảng kinh tế.

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, bạn có thể vượt qua đối thủ, làm chủ sân chơi, đánh bại đối phương – bạn chọn cách nói nào cũng được. Điểm chính là bạn có thể chiến thắng dễ dàng – nếu bạn tìm ra lợi thế trong thời buổi khó khăn. Các đối thủ khác đều bỏ cuộc, và trước mặt bạn là đích đến. Trong khi người khác ngoái nhìn lại phía sau, bạn luôn nhìn về phía trước. Họ sợ hãi, còn bạn kiếm được cả gia tài. Đúng vậy, bạn nhìn thấy những cơ hội và thị trường bị bỏ quên, các mối giao thương và ý tưởng mà giữa thời thịnh vượng không ai nghĩ tới, và chắc chắn giữa lúc tài chính khó khăn như thế này, thì họ lại càng không.


Giải Pháp Đột Phá
chứa đựng một lời cam kết đặc biệt. Lúc suôn sẻ, ai cũng có thể chỉ cho bạn phương pháp thành công. Nhưng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm thế nào để thành công hơn bao giờ hết – khi tình hình tài chính quốc gia và thế giới thật ảm đạm.

Khi tôi đang hoàn thiện quyển sách này, thị trường chứng khoán sụt giảm chưa từng thấy. Chỉ trong vòng một ngày, thị trường rớt hơn 700 điểm. Nhưng cũng trong cùng ngày đó, 100 cổ phiếu lên giá. Tại sao ngay lúc tin tức tồi tệ nhất, một số công ty lại có một năm kinh doanh thành công chưa từng có?

Vậy bạn có thể thành công như họ không?

Bạn hoàn toàn có thể, và với quyển sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn chính xác bằng cách nào.

Đầu tiên, xin cho phép tôi được hỏi công ty của bạn có đang bế tắc hay không.

Một công ty đang “bế tắc”, dù đó là công ty mới khởi nghiệp hay được Fortune bầu chọn trong top 500, là một công ty được dự đoán là không tăng trưởng mỗi năm, mỗi quý, mỗi ngày. Nếu bạn đang bị thị trường điều khiển, thì khi thị trường cạn kiệt, công ty bạn cũng trở nên kiệt quệ, bởi bạn không thể nắm giữ vận mệnh của mình. Khi thị trường ổn định, một công ty bế tắc thậm chí còn không nhận ra là họ đang trong tình trạng bế tắc!

Hãy tưởng tượng một công ty kiếm được 100.000 đô trong năm trước và 110.000 đô trong năm nay. CEO (Tổng giám đốc) có thể nói rằng công ty mình làm ăn phát đạt, nhưng thực tế, có thể là do thị trường tăng trưởng – chứ hoàn toàn không phải nhờ vào bất kỳ chiến lược chủ động nào từ phía CEO. Trong những trường hợp như vậy, khi thị trường xuống dốc, nó sẽ nhấn chìm những công ty “bế tắc” dạng này. Và công ty đã từng kiếm được 110.000 đô nay chỉ kiếm được 70.000 đô. Hoặc ít hơn. Trong khi đó, đối thủ của họ (nhờ áp dụng những ý tưởng mà bạn sẽ tìm thấy trong quyển sách này) kiếm được 250.000 đô.

Vậy tại sao có quá nhiều công ty bế tắc và cứ mãi bế tắc? Bốn lý do chính khiến việc làm ăn trì trệ, theo kinh nghiệm của tôi, chính là:

  1. Không đưa tư duy phát triển kinh doanh vào mọi mặt trong doanh nghiệp.
  2. Không đánh giá, giám sát, so sánh hay đo lường kết quả kinh doanh.
  3. Không có kế hoạch chiến lược tiếp thị chi tiết cùng những chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể;
  4. Không biết cách đặt mục tiêu rõ ràng và phù hợp.

Những vấn đề này nổi cộm lên trong thời điểm kinh tế đi xuống. Vấn đề đầu tiên là doanh thu giảm sút vì điều kiện kinh doanh khó khăn. Thứ hai, chính khái niệm “khủng hoảng” hay khó khăn khiến mọi người bị “tê liệt”. Họ cảm thấy sợ hãi. Họ không biết phải làm gì, nên họ thường không làm gì cả, hoặc cứ tiếp tục làm những việc không hiệu quả từ lúc đầu.

Tin tốt lành là đối thủ của bạn có thể chưa đọc quyển sách Giải Pháp Đột Phá này.

[sach_giaiphapdotpha]