Sẽ có lúc những vấn đề trong cuộc sống lớn đến mức cần phải được giải quyết . Cảm xúc sẽ mách bảo cho bạn thời điểm hành động khi vấn đề đủ lớn để nhận thấy, nhưng vẫn còn kịp để giải quyết. Bằng cách thấu hiểu những cảm xúc của mình, bạn có thể dễ dàng vượt qua được những khó khăn trước mắt và tránh những điều tương tự trong tương lai. Khi bạn làm điều ngược lại, trấn áp và kìm nén cảm xúc của mình, chúng sẽ nhanh chóng tích tụ lại thành những cảm giác khó chịu của sự căng thẳng, lo âu và giận dữ. Những cảm xúc không được giải quyết sẽ khiến tâm trí và cơ thể căng thẳng. Những kỹ năng trí tuệ cảm xúc giúp bạn dễ giải tỏa căng thẳng hơn bằng cách giải quyết những tình huống khó khăn trước khi nó trở nên mất kiểm soát. Những người thất bại trong việc sử dụng các kỹ năng trí tuệ cảm xúc có xu hướng tìm đến những giải pháp khác kém hiệu quả hơn trong việc làm chủ tâm trạng của mình. Họ thường lo lắng, trầm cảm, lạm dụng thuốc, và thậm chí có ý định tự tử cao gấp hai lần bình thường.
Trí tuệ cảm xúc có tác động rất lớn đến mức độ hạnh phúc và mãn nguyện của mỗi cá nhân. Những người luyện tập trí tuệ cảm xúc có xu hướng cảm thấy dễ chịu đối với môi trường xung quanh và thoải mái với chính bản thân mình hơn. Mối liên hệ trực tiếp giữa trí tuệ cảm xúc và cảm giác hạnh phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chúng ta để ý đến cảm xúc của mình, luôn ý thức về chúng, và sử dụng chúng để định hướng hành vi. Bạn càng thực hành các kỹ năng trí tuệ cảm xúc nhiều bao nhiêu, bạn càng tận hưởng cuộc sống bấy nhiêu.
Rất nhiều những nghiên cứu gần đây cho thấy có mối liên hệ quan trọng giữa trí tuệ cảm xúc và sự nhạy cảm với bệnh tật. Sự căng thẳng, âu lo và tuyệt vọng kìm hãm hệ miễn dịch, khiến cho cơ thể dễ bị mọi thứ tấn công, từ cảm cúm cho đến ung thư. Tính hiệu quả của hệ thống miễn nhiễm có mối quan hệ chặt chẽ với trạng thái cảm xúc của bạn, thông qua các neuropeptide (các chuỗi phân tử protein được các tế bào thần kinh sử dụng để giao tiếp với nhau) và những chất hóa học phức tạp đóng vai trò sứ giả kết nối tâm trí và cơ thể. Khi tâm trí bạn chịu nhiều áp lực và mệt mỏi, nó ra hiệu cho cơ thể giảm đi năng lượng dùng để chống lại bệnh tật. Điều này làm gia tăng khả năng nhiễm bệnh của cơ thể. Các trường y khoa và các khóa học nâng cao dành cho bác sĩ đang cố gắng đưa các phát hiện về vấn đề này vào chương trình giảng dạy.
Những nghiên cứu mới nhất về y học cũng cho thấy có mối tương quan rõ ràng giữa sự lo âu đau buồn với những căn bệnh nguy hiểm, như ung thư. Một trong những nghiên cứu dài hạn là đo lường mức độ căng thẳng của phụ nữ từ năm 1968 đến 1991. Các nhà khoa học đã theo dõi mức độ căng thẳng, sợ hãi, lo âu và tình trạng mất ngủ mà mỗi phụ nữ trải qua, tất cả là do mâu thuẫn trong công việc và gia đình. Đối với những phụ nữ hứng chịu căng thẳng cao độ trong suốt hai mươi bốn năm có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp hai lần người bình thường. Sự căng thẳng về mặt cảm xúc mà những người phụ nữ này trải qua là hệ quả của những mâu thuẫn không được giải quyết và những cảm xúc không thể kiểm soát.
Kỹ năng trí tuệ cảm xúc còn giúp tăng cường tốc độ cơ thể hồi phục sau khi mắc bệnh. Những người phát triển kỹ năng trí tuệ cảm xúc hồi phục nhanh hơn trong quá trình điều trị với nhiều loại bệnh, bao gồm hai căn bệnh chết người nhất nhì tại Mỹ là bệnh tim mạch và ung thư. Việc giảng dạy kỹ năng trí tuệ cảm xúc cho những người mắc bệnh hiểm nghèo đã chứng minh có thể làm giảm nguy cơ tái phát, rút ngắn thời gian hồi phục và giảm tỷ lệ tử vong. Khi một cá nhân bị chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư, họ thường cảm thấy căng thẳng hơn, lo âu hơn. Bệnh tật thường là thách thức lớn nhất mà con người phải đối mặt, và họ cần những kỹ năng mới để đối phó với sự căng thẳng và hoang mang mà căn bệnh mang lại. Ví dụ, một phần ba phụ nữ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú cảm thấy lo âu cực độ sau chẩn đoán lâm sàng, 10% trong số này còn mắc chứng căng thẳng sau tổn thương. Các nhà khoa học thuộc Đại học bang Ohio, Mỹ đã tiến hành nghiên cứu trên 227 phụ nữ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú và chứng kiến những tác động vượt trội sau khi dạy cho họ các kỹ năng trí tuệ cảm xúc trong quá trình hồi phục. Những người phụ nữ được chọn ngẫu nhiên để thử nghiệm phương pháp điều trị này đã giảm mức độ căng thẳng, tuân thủ chế độ ăn uống tốt hơn và phát triển hệ thống miễn dịch mạnh hơn. Một nghiên cứu được trình bày trước Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) đưa ra kết quả tương tự với các bệnh nhân nam lẫn nữ, sau khi được dạy về kỹ năng trí tuệ cảm xúc trong quá trình hồi phục sau một cơn đau tim.
Trí tuệ cảm xúc ảnh hưởng mạnh mẽ đến những kết quả liên quan đến sức khỏe bởi nó giúp giảm căng thẳng khi phải đương đầu với những tình huống khó khăn. Những căn bệnh hiểm nghèo, nói riêng, thường khơi dậy nỗi sợ hãi và hoang mang mà bệnh nhân cần phải giải quyết và hiểu rõ vì lợi ích của chính họ. Tác động của trí tuệ cảm xúc đến cơ thể mạnh đến mức các nghiên cứu ở Đại học Y khoa Harvard đã từng theo dõi những thay đổi trong não bộ dựa trên những thay đổi về trí tuệ cảm xúc. Trong các nghiên cứu này, “mật độ giao thông” giữa trung tâm cảm xúc và lý trí của bộ não cho thấy có tác động rõ rệt đến kích thước và cấu trúc của não. Các kỹ năng trí tuệ cảm xúc tăng cường khả năng não bộ đối phó với những nỗi đau về mặt cảm xúc. Sự kiên cường này giúp cho hệ thống miễn dịch của bạn trở nên mạnh mẽ, giúp bảo vệ bạn khỏi sự tấn công của bệnh tật.
[sach_thongminhcamxuc]
Leave A Comment