Buổi thảo luận thứ ba của chúng tôi chưa bắt đầu. Mọi người vẫn đang túm tụm thành những nhóm nhỏ, trò chuyện sôi nổi. Một số mẩu đối thoại lọt vào tai tôi.
“Vì những tội con bé đã làm, tôi đang cấm túc nó suốt tháng này!”
“Thế là tôi tự nhủ, không thể nhẹ nhàng được nữa. Tôi đã quá dễ dãi với bọn nhóc. Giờ là lúc phải áp dụng hình phạt.”
À, tôi tự nói với mình, chúng tôi chưa bàn gì về việc trừng phạt hết, nhưng nghe ra có vẻ nhiều người đã sẵn sàng cho chuyện này rồi.
“Laura, Michael,” tôi gọi. “Anh chị có thể vui lòng kể cho chúng tôi nghe bọn trẻ đã làm gì khiến hai người giận đến vậy không?”
“Tôi không chỉ giận đâu,” Laura lắp bắp. “Tôi đang lo muốn bệnh luôn đây! Kelly lẽ ra phải có mặt ở nhà Jill, bạn của nó, để dự tiệc sinh nhật lúc sáu giờ tối. Lúc bảy giờ, tôi nhận được điện thoại của mẹ Jill. ‘Kelly đâu rồi chị? Con bé biết là mọi người phải đến trung tâm bowling trước bảy rưỡi mà. Con bé nhận được thiệp mời rồi mà. Chúng tôi chỉ phải chờ con bé nhà chị nữa thôi đấy.”
“Trống ngực tôi bắt đầu đập thình thịch. Tôi nói, ‘Sao lạ vậy. Nó đi được một lúc rồi. Lẽ ra nó phải có mặt ở nhà chị từ lâu rồi chứ.”
“À, vậy chắc không có chuyện gì đáng lo đâu. Tôi chỉ hy vọng con bé đến đây sớm,” mẹ Jill trả lời và cúp máy.
“Tôi ráng đợi thêm 15 phút nữa trước khi gọi lại cho họ. Jill nghe máy, “Dạ chưa ạ, Kelly vẫn chưa đến. Lúc ở lớp con đã nhắc nó đừng tới trễ rồi đó.”
“Giờ thì tôi phát hoảng thật sự. Trong đầu tôi hiện ra bao nhiêu hình ảnh kinh khủng. 20 phút nặng nề nữa trôi qua trước khi chuông điện thoại nhà tôi đổ dồn. Đầu dây bên kia, tiếng mẹ Jill, “Tôi gọi để báo cho chị biết rằng cuối cùng Kelly cũng đã đến. Con bé gặp một cậu bạn nào đó trên đường đến đây và mải nói chuyện đến mức quên rằng chúng tôi đang đợi. Tôi chỉ mong là mình không bị hủy phiếu đặt chỗ ở câu lạc bộ bowling.”
“Tôi thay mặt Kelly xin lỗi chị ấy và cảm ơn chị đã gọi điện. Nhưng ngay khi Kelly bước vào nhà sau bữa tiệc, tôi nạt ngay vào mặt nó: ‘Con có biết con đã làm gì với mẹ không? Sao con có thể vô tâm đến vậy? Sao con có thể vô trách nhiệm đến vậy? Con không bao giờ nghĩ cho ai khác, trừ bản thân con. Đó là sinh nhật của Jill. Nhưng con có cảm thấy mình có trách nhiệm với bạn không? Không hề! Tất cả những gì con quan tâm là đám con trai và vui chơi. Thế thì, cuộc vui đã kết thúc. Con sẽ bị cấm túc đến hết tháng này! Và đừng mong mẹ sẽ thay đổi ý định, vì không có chuyện đó xảy ra đâu.’
“Phải, đó là những gì tôi đã nói với con bé vào lúc ấy. Nhưng giờ tôi không biết nữa… Có lẽ tôi đã quá nghiêm khắc đối với con.”
“Tôi cũng sẽ làm thế thôi,” Michael nhận xét, “Kelly đáng nhận được hình phạt đó. Và thằng con trai tôi cũng vậy.”
Mọi người đồng loạt quay đầu về phía anh. “Chuyện gì đã xảy ra?” một người hỏi. “Thằng nhóc đã làm gì?”
“Tội của nó là đã không làm gì,” Michael đáp. “Chính xác là không làm bài tập về nhà. Kể từ khi Jeff tham gia đội bóng, bóng đá là tất cả những gì nó quan tâm. Ngày nào nó cũng đi tập về trễ, ăn tối xong là biến mất vào phòng riêng, và khi tôi nhắc nó đã làm bài tập chưa, nó đáp, ‘Bố đừng lo. Con lúc nào cũng làm xong bài!’ ’’
“Thế mà, hôm chủ nhật, lúc Jeff ra khỏi nhà, tôi đi ngang phòng nó và để ý thấy một lá thư nằm trên sàn gần cửa. Tôi nhặt lên, và thấy bức thư đề người nhận là tôi. Thư đã được mở và đề ngày gửi là một tuần trước. Quý vị đoán xem? Đó là thư cảnh cáo của thầy dạy Toán của nó. Jeff không hề động đến một bài tập nào – không một bài nào hết – suốt hai tuần qua. Khi tôi nhìn thấy lá thư, tôi tức muốn phát điên.”
“Ngay khi nó bước vào nhà, tôi đã chờ sẵn. Tôi giơ lá thư lên và bảo, ‘Con đã nói dối bố về chuyện làm bài tập. Con còn dám mở thư thầy gửi cho bố. Và con cũng không thèm đưa lá thư cảnh cáo này cho bố đọc. Được rồi, sẽ không có bóng đá bóng đấm gì cho đến hết học kỳ này. Bố sẽ gọi cho huấn luyện viên của con vào ngày mai.’ ”
“Nó đáp, ‘Bố, bố không thể đối xử với con như vậy!’ ”
“Tôi nói, ‘Bố chẳng làm gì hết, Jeff. Tất cả là con tự làm cho bản thân mình. Hết chuyện.’ ”
“Nhưng chuyện có hết thật chưa?” Laura hỏi.
“Jeff không nghĩ vậy đâu. Nó tìm cách làm cho tôi thay đổi ý định suốt tuần vừa rồi. Mẹ nó cũng vậy.” Michael liếc nhìn vợ đầy ẩn ý. “Cô ấy nghĩ tôi quá nghiêm khắc. Phải không, em yêu?”
“Thế anh nghĩ sao?” Tôi hỏi Michael.
“Tôi nghĩ giờ này Jeff đã biết là tôi nghiêm túc.”
“Phải,” Tony phụ họa theo. “Đôi lúc trừng phạt là cách duy nhất để bọn nhóc đi vào khuôn phép – có trách nhiệm hơn.”
“Tôi tự hỏi,” tôi hỏi cả nhóm, “liệu việc trừng phạt có làm cho bọn trẻ có trách nhiệm hơn không? Hãy suy nghĩ một chút và nhớ lại những kinh nghiệm bản thân mà các anh chị đã trải qua trong quá trình trưởng thành.”
Karen là người đầu tiên đưa ra câu trả lời, “Trừng phạt khiến tôi ít có trách nhiệm hơn. Năm tôi 13 tuổi, sau khi bắt gặp tôi với điếu thuốc trên tay, mẹ tôi cấm không cho tôi gọi điện thoại nữa. Thế là tôi càng hút nhiều hơn. Tôi hút lén ở sân sau nhà, nơi không ai nhìn thấy. Sau đó, tôi trở vào nhà, đánh răng xong và nói, ‘Chào mẹ’ với một nụ cười tươi như hoa. Tôi đã qua mắt bà được nhiều năm. Không may là cho đến giờ tôi vẫn còn hút thuốc.”
“Tôi không biết nữa,” Tony nói. “Theo suy nghĩ của tôi, có những lúc và những trường hợp chúng ta cần trừng phạt bọn trẻ. Lấy ví dụ tôi đây. Tôi từng là một đứa con hư. Băng đảng mà tôi gia nhập vướng vào vô vàn rắc rối. Lũ chúng tôi là một bọn bất trị. Rốt cuộc một thằng trong nhóm bị tống vào tù. Tôi thề, nếu cha tôi không trừng phạt tôi vì những gì tôi đã làm, thì giờ này không biết tôi thành người như thế nào nữa.”
“Còn tôi sẽ chẳng biết bây giờ mình ở đâu,” Joan nói, “nếu tôi không trải qua khoảng thời gian trị liệu để giúp tôi xóa bỏ dấu ấn của mỗi lần tôi bị trừng phạt.”
Tony giật nảy mình khi nghe nhận xét của Joan. “Tôi không hiểu,” anh nói với cô.
“Cả cha và mẹ tôi,” Joan nói thêm, “đều cho rằng khi con trẻ phạm lỗi mà cha mẹ không trừng phạt, thì đó là người cha người mẹ vô trách nhiệm. Và họ luôn bảo rằng họ trừng phạt tôi vì muốn tốt cho tôi. Nhưng đối với tôi nó chẳng tốt chút nào. Tôi trở thành một đứa trẻ giận dữ, chán nản và thiếu tự tin. Trong nhà, tôi chẳng nói chuyện được với ai. Tôi thấy cô đơn kinh khủng.”
Tôi nghe tiếng mình thở dài. Tất cả những điều mọi người kể lại đều là những hệ quả quen thuộc của việc trừng phạt. Đúng vậy, một số trẻ sẽ có cảm giác nản lòng khi chúng bị trừng phạt và cảm giác vô vọng dần dần khiến chúng mất niềm tin vào bản thân.
Và đúng, cũng có những đứa trẻ như Tony, tự nhận mình là “hư hỏng” và cần được trừng phạt để trở nên “ngoan” hơn.
Và số khác, như Karen, trở nên cực kỳ giận dữ và căm phẫn đến mức tiếp tục hành động sai trái ấy nhưng biết cách che đậy giỏi hơn để không bị phát hiện nữa. Khi ấy, lũ trẻ không trở nên thành thật hơn, mà thay vào đó, chúng thận trọng hơn, khép kín hơn và xảo quyệt hơn.
Vì thế, việc trừng phạt được nhiều người xem là phương pháp hay để rèn con trẻ vào khuôn phép. Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh đánh đồng kỷ luật và trừng phạt. Làm thế nào để tôi chia sẻ với mọi người về niềm tin của tôi: một mối quan hệ đầy tình yêu thương hoàn toàn không có chỗ cho sự trừng phạt?
Tôi nói lớn, “Nếu vì một lý do nào đó, chúng ta bị buộc không được dùng hình phạt như một cách giáo huấn con cái, các anh chị có cảm thấy mình hoàn toàn bất lực không? Những đứa trẻ tuổi teen của chúng ta có nổi loạn trong nhà không? Chúng có trở nên bất trị, vô kỷ luật, chỉ biết đến bản thân mình, hư hỏng, chẳng biết đúng sai, và lấn át cả cha mẹ không? Hay vẫn còn những phương pháp khác ngoài chuyện trừng phạt có thể thúc đẩy con cái chúng ta cư xử một cách có trách nhiệm?”
Tôi viết lên bảng:
Những phương pháp thay cho sự trừng phạt
- Bày tỏ cảm xúc của bạn.
- Nói ra những điều bạn mong đợi.
- Chỉ cho con cách sửa sai.
- Đưa ra sự lựa chọn.
[sach_noiteenteennghe]
Leave A Comment