Việc tìm lại tình bằng hữu trong hôn nhân không ngăn được các cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng. Thay vào đó, nó mang lại cho họ thứ vũ khí bí mật giúp cho các cuộc tranh cãi không vượt quá tầm kiểm soát. Lấy ví dụ những gì xảy ra khi Olivia và Nathaniel cãi nhau. Họ dự định chuyển nhà từ trung tâm thành phố ra ngoại ô, cả hai rất căng thẳng với nhau. Mặc dù đồng lòng từ việc đi tìm nhà đến việc trang trí nhà cửa, họ lại không ngừng cãi vã về việc mua xe. Olivia cho rằng họ nên hòa nhập với khu dân cư ngoại ô bằng cách mua một chiếc xe tải nhẹ. Đối với Nathaniel thì không gì tệ hại hơn ý tưởng đó, bởi anh muốn một chiếc xe Jeep. Họ càng tranh luận càng lớn tiếng. Nếu có dịp nghe lỏm hẳn bạn sẽ rất nghi ngờ về tương lai của cuộc hôn nhân này. Rồi bỗng nhiên, Olivia chống nạnh, thè lưỡi ra, y hệt điệu bộ của đứa con trai bốn tuổi của họ. Nathaniel biết thừa cô sẽ làm thế, nên anh thè lưỡi ra trước. Rồi cả hai bật cười. Lúc nào cũng vậy, kiểu đùa giỡn này xóa tan mọi căng thẳng giữa họ.
Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi dành hẳn một tên gọi cho hành động ấy của Olivia và Nathaniel. Họ thực hiện hành động chữa cháy, có thể là không chủ đích. Tên gọi này dùng để chỉ những lời nói, hành vi – có thể ngớ ngẩn, có thể không – nhằm ngăn cho các vấn đề tiêu cực không vượt quá tầm kiểm soát. Hành động chữa cháy là vũ khí bí mật của các đôi lứa có trí tuệ cảm xúc cao – dù chính họ không nhận ra việc mình đang làm có sức mạnh đến mức nào. Khi tình bạn khắng khít tồn tại trong mối quan hệ vợ chồng, cặp đôi đó tự nhiên sẽ thường xuyên gửi đến nhau những hành động chữa cháy như thế, và người còn lại nắm bắt tín hiệu rất tốt. Nhưng khi đôi vợ chồng ấy bị cảm giác tiêu cực lấn át, thì hành động chữa cháy dễ hiểu nhất như câu “Này, anh xin lỗi” cũng khó có khả năng thành công.
Một cuộc hôn nhân đơm hoa kết trái hay tàn lụi phụ thuộc rất nhiều vào việc hành động chữa cháy đó thành công hay thất bại. Và một lần nữa, yếu tố quyết định khả năng thành công của hành động chữa cháy chính là tình bằng hữu của cặp vợ chồng. Nghe có vẻ quá giản đơn và hiển nhiên, nhưng khi đọc trang tiếp theo, bạn sẽ nhận ra nó không như thế. Củng cố tình bạn trong hôn nhân không chỉ là việc bạn cư xử “tốt” với nhau. Thậm chí khi cảm thấy tình bạn giữa hai vợ chồng vốn đã rất khắng khít, bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra vẫn còn nhiều điều cần làm để giúp nó bền vững hơn. Hầu hết các đôi lứa tham gia buổi huấn luyện của tôi đều cảm thấy đỡ căng thẳng hơn khi biết mọi người ai cũng bối rối khi đối mặt với mâu thuẫn trong hôn nhân. Vấn đề ở chỗ hai bạn có hòa giải thành công hay không.
MỤC ĐÍCH CỦA HÔN NHÂN
Trong các cuộc hôn nhân bền vững nhất, người chồng và người vợ cùng cảm nhận một cách sâu sắc ý nghĩa của đời sống vợ chồng. Họ không chỉ “hòa hợp với nhau” mà còn ủng hộ những gì người bạn đời hy vọng, khao khát và chung tay làm cho cuộc sống vợ chồng trở nên ý nghĩa hơn. Đó chính là điều tôi muốn nói khi đề cập đến việc vợ chồng tôn trọng và trân trọng lẫn nhau.
Thường trong những cuộc hôn nhân không có sự tôn trọng và trân trọng cơ bản ấy, người vợ và người chồng sẽ thấy mình chìm đắm trong các cuộc cãi vã vô ích và không bao giờ dứt, hoặc thấy mình cô độc, bơ vơ ngay trong chính hôn nhân của mình. Sau khi quan sát vô số các băng ghi hình những cuộc cãi vã của các cặp vợ chồng, tôi dám cam đoan rằng phần lớn lần “đấu võ mồm” không xuất phát từ chuyện nắp bồn cầu mở lên hay đóng xuống, hoặc đến lượt người nào đi đổ rác; mà sâu xa hơn, có những lý do tiềm ẩn đã châm thêm dầu vào lửa cho các mâu thuẫn vớ vẩn trở nên căng thẳng hơn, đau lòng hơn bản chất của nó.
Một khi hiểu được điều này, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận những sự thật đáng ngạc nhiên về cuộc sống hôn nhân: Hầu hết các cuộc cãi vã sẽ không thể nào hòa giải được. Hết năm này qua năm khác, hai vợ chồng cố thay đổi cách suy nghĩ của nhau, nhưng không thể. Bởi hầu hết những bất đồng giữa họ bắt nguồn từ những khác biệt thâm căn trong lối sống, tính cách và giá trị sống. Khi mải mê cãi nhau về những điều này, họ đã thành công trong việc phí phạm thời gian và bào mòn cuộc sống hôn nhân của chính mình.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn đành khoanh tay đứng nhìn mối quan hệ của mình bị mâu thuẫn hủy họai. Nhưng bạn cần hiểu rằng những lời khuyên giáo điều trong việc giải quyết mâu thuẫn chẳng giúp gì được cho hai bạn cả. Thay vào đó, bạn cần nhận ra đâu là khác biệt then chốt gây ra mâu thuẫn bề mặt đó giữa hai người – và học cách sống chung với nó bằng cách trân trọng và tôn trọng người bạn đời. Chỉ khi ấy hai bạn mới có thể xây dựng được mục đích chung cũng như sống cuộc sống hôn nhân đúng nghĩa.
Tôi thường thấy các cặp vợ chồng đạt được mục tiêu này nhờ vào những hiểu biết sâu sắc của mình, nghe theo trực giác cộng thêm một chút may mắn. Nhưng giờ đây Bảy Bí Quyết của tôi sẽ mang thành công ấy đến với tất cả các cặp vợ chồng. Dù hôn nhân của hai bạn đang trong tình trạng nào đi nữa, áp dụng Bảy Bí Quyết này sẽ mang đến cho bạn sự thay đổi tích cực to lớn. Bước đầu tiên trong quá trình cải thiện hoặc củng cố hôn nhân là bạn cần biết những gì sẽ xảy ra nếu không thực hiện theo Bảy Bí Quyết của tôi.
Tôi đã ghi nhận rất cẩn thận thông qua quá trình nghiên cứu mở rộng của mình về các cặp vợ chồng không thể cứu vãn được hôn nhân của họ. Học hỏi từ sai lầm của người khác có thể tránh cho hôn nhân của chính bạn phạm những lỗi tương tự – hoặc cứu chữa khi mọi thứ chưa quá muộn. Một khi hiểu được vì sao nhiều cuộc hôn nhân thất bại và làm cách nào Bảy Bí Quyết có thể giúp ngăn những tấn bi kịch đó, bạn đã bắt đầu hành trình cải thiện đời sống hôn nhân của mình mãi mãi.
[sach_7biquyethonnhanhanhphuc]
Leave A Comment