Tôi không biết điều gì đang chờ đợi mình.
Khi chạy từ bãi đậu xe đến cổng trường, tôi cố giữ thật chặt chiếc dù đang chực bị gió thổi bay, tự hỏi không biết có bao nhiêu người sẵn sàng ra khỏi ngôi nhà ấm áp vào một buổi tối giá lạnh, buồn bã như thế này để tham dự buổi thảo luận về tuổi teen.
Vị trưởng phòng tổ chức đón tôi ở tận cửa và dẫn tôi vào một lớp học, nơi có khoảng 20 phụ huynh đang ngồi chờ.
Tôi bắt đầu giới thiệu mình, cảm ơn họ đã đến tham dự bất chấp thời tiết xấu, và phát cho mỗi người một bảng tên để họ điền vào. Họ vừa viết vừa trò chuyện với nhau, còn tôi có dịp quan sát cả nhóm. Nhóm này thật đa dạng – số lượng nam nữ khá đồng đều, nhiều sắc tộc khác nhau, có một số cặp vợ chồng, một số đi một mình, vài người ăn vận chỉnh tề, số khác mặc quần jean.
Khi mọi người có vẻ đã sẵn sàng, tôi mời họ tự giới thiệu về mình, và nói một chút về con cái họ.
Không ai tỏ ra ngại ngùng. Lần lượt từng người kể về con mình trong độ tuổi từ 12 đến 16. Hầu hết đều giống nhau ở chỗ, họ cảm thấy khó lòng nuôi dạy bọn trẻ tuổi choai choai trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy mọi người còn dè dặt, chưa ai muốn “trút hết ruột gan” giữa một gian phòng đầy người lạ như thế này.
“Trước khi chúng ta tiếp tục,” tôi nói, “tôi muốn đảm bảo rằng tất cả những gì chúng ta nói ra ở đây đều được giữ kín. Bất cứ điều gì nói ra giữa bốn bức tường này sẽ không được tiết lộ ra ngoài. Sẽ không một ai khác biết chuyện con ai hút thuốc, uống rượu, trốn học, hoặc quan hệ tình dục quá sớm. Tất cả đồng ý chứ?”
Mọi người gật đầu tán thành.
“Tôi xem tất cả chúng ta như những cộng sự trong một dự án đầy hứng khởi,” tôi tiếp tục. “Nhiệm vụ của tôi là trình bày những phương pháp giao tiếp có thể giúp cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên tốt đẹp hơn. Nhiệm vụ của quý vị là thử nghiệm những phương pháp này – thực hiện chúng tại nhà và phản hồi lại cho cả nhóm. Những phương pháp ấy có hiệu quả không? Điểm nào có tác dụng, điểm nào chưa? Cùng nhau, chúng ta sẽ tìm ra những cách hữu hiệu nhất để giúp bọn trẻ vượt qua thời điểm giao thời đầy khó khăn, từ một đứa trẻ trở thành người lớn.”
Tôi ngừng lại một chút để cho nhóm đặt câu hỏi. “Tại sao đây phải là ‘thời điểm giao thời đầy khó khăn’?” một ông bố lên tiếng bắt bẻ. “Tôi nhớ thời niên thiếu của mình đâu có khó khăn đến vậy. Và tôi cũng không nghĩ mình đã đặt cha mẹ vào tình thế khó xử nào.”
“Chẳng qua đó là vì anh là một đứa trẻ ngoan,” vợ anh nói, nhoẻn miệng cười và vỗ vào tay chồng.
“Phải đấy, hình như ở độ tuổi teen của chúng ta, mọi thứ dễ dàng hơn nhiều,” một người đàn ông khác nhận xét. “Nhiều chuyện diễn ra bây giờ chưa từng được biết đến trước đây.”
“Giả sử tất cả chúng ta cùng quay trở lại ngày xưa xem sao,” tôi nói. “Tôi nghĩ rằng, có những điều chúng ta học được từ thời niên thiếu của mình, có thể giúp chúng ta hiểu thêm về những gì mà bọn trẻ ngày nay đang phải nếm trải. Nào, hãy bắt đầu nghĩ về những điều tốt đẹp nhất trong giai đoạn đó của chính chúng ta.”
Michael, người đàn ông từng là “một đứa trẻ ngoan”, phát biểu trước. “Điều tôi thích nhất lúc đó là được chơi thể thao và đi chơi với lũ bạn.”
Người khác cho rằng, “Với tôi, đó là cảm giác được tự do muốn đi đâu thì đi. Tôi tự leo lên tàu điện ngầm, đi vào thành phố, rồi lại trèo lên xe buýt, đi ra bãi biển. Vui hết biết!”
Những người khác xen vào, “Được phép mang giày cao gót và trang điểm, và bắt đầu biết rung động trước bọn con trai. Cả tôi và nhỏ bạn thân đều phải lòng một cậu bạn, và chúng tôi quay sang hỏi nhau, ‘Vậy theo cậu thì hắn thích tớ hay thích cậu?’ ”
“Cuộc sống sao mà thoải mái đến thế. Tôi có thể ngủ vùi đến trưa vào những ngày cuối tuần. Chẳng phải lo chuyện đi kiếm việc làm, trả tiền thuê nhà, nuôi cả gia đình. Và không hề lo nghĩ đến ngày mai. Tôi biết là mình luôn có thể dựa vào cha mẹ.”
Một người phụ nữ khác lắc đầu. “Đối với tôi,” chị nói với vẻ buồn rầu, “điều tốt nhất thời niên thiếu là thoát khỏi thời kỳ đó.”
Tôi nhìn bảng tên của chị ấy. “Karen,” tôi nói, “nghe có vẻ như đó là thời kỳ không mấy vui vẻ với chị.”
“Thật tình mà nói,” chị trả lời, “qua được giai đoạn đó là một sự giải thoát.”
“Giải thoát khỏi chuyện gì?” một người thắc mắc.
Karen nhún vai trước khi trả lời, “Thoát khỏi chuyện lo lắng mình không được chấp nhận… không phải cố gắng quá nhiều nữa… không phải cố cười cho tươi để mọi người thích mình… và không bao giờ cảm thấy thật sự hòa hợp… luôn cảm thấy mình như kẻ ngoài cuộc.”
Nhiều người khác nhanh chóng bổ sung thêm vào những gì chị đề cập, kể cả những người vừa mới ca ngợi thời niên thiếu của mình:
“Tôi hoàn toàn hiểu được điều này. Tôi nhớ mình cảm thấy chẳng giống ai hết và lúc nào cũng bất an. Lúc đó tôi hơi mũm mĩm và chán ghét vẻ bề ngoài của mình.”
“Tôi có nói về việc rung động trước bọn con trai, nhưng sự thật là lúc đó tôi như bị ám ảnh vậy – thích, rồi chia tay, rồi mất bạn bè vì chuyện yêu đương. Tôi làm gì cũng nghĩ đến bọn con trai, và điểm số của tôi thể hiện điều đó. Tôi suýt rớt kỳ thi tốt nghiệp.”
“Vấn đề của tôi lúc đó là tôi bị những đứa bạn khác tạo áp lực ép tôi làm những chuyện sai trái và nguy hiểm. Tôi đã làm nhiều chuyện ngu xuẩn lắm!”
“Tôi vẫn nhớ cái cảm giác rối bời. Tôi là ai? Tôi thích gì? Tôi không thích gì? Tôi là chính mình hay chỉ là cái bóng của người khác? Mọi người có chấp nhận con người thật của tôi không?”
Tôi thích nhóm thảo luận này. Tôi cảm kích sự trung thực của họ. “Hãy nói cho tôi nghe,” tôi tiếp tục hỏi, “trong những ngày tháng thăng trầm đó, có điều gì mà cha mẹ quý vị nói hoặc làm giúp ích cho quý vị không?”
Mọi người cố lục lọi trí nhớ của mình.
“Cha mẹ tôi chưa bao giờ lớn tiếng mắng tôi trước mặt bạn bè. Nếu tôi làm điều gì sai, như về nhà muộn chẳng hạn, và có mấy đứa bạn đi cùng, cha mẹ tôi sẽ đợi cho đến khi lũ bạn tôi về, rồi mới nói chuyện với tôi.”
“Cha tôi thường nói với tôi thế này, ‘Jim, con phải biết bảo vệ chính kiến của mình… Nếu cảm thấy nghi ngờ, hãy tự vấn lương tâm mình… Đừng sợ mình làm sai, nếu sợ thì không biết đến khi nào mình mới làm đúng.’ Tôi thường lẩm bẩm, ‘Bố lại ca cẩm nữa rồi,’ nhưng nhiều lúc tôi nghe theo những gì cha dạy.”
“Mẹ tôi lúc nào cũng thúc đẩy tôi tiến bộ. ‘Con có thể làm tốt hơn thế… Kiểm tra lại xem… Làm lại đi.’ Bà không để tôi thoát khỏi bất cứ điều gì. Trong khi cha tôi thì ngược lại, ông luôn cho rằng tôi hoàn hảo. Vì thế, tôi biết cần tìm đến ai để được cái gì. Tôi có được sự kết hợp tốt của cả hai phong cách dạy dỗ.”
“Cha mẹ tôi một mực bắt tôi phải học tất cả các kỹ năng khác nhau – từ cân đối sổ sách kế toán đến thay bánh xe hơi. Họ thậm chí còn ép tôi đọc năm trang báo tiếng Tây Ban Nha mỗi ngày. Lúc đó tôi bực kinh khủng, nhưng rốt cuộc tôi lại tìm được một công việc tốt nhờ biết tiếng Tây Ban Nha.”
“Tôi biết mình không nên nói ra điều này, vì có thể nhiều bà mẹ ở đây là dân đi làm, tôi cũng vậy, nhưng tôi thật sự thích nhìn thấy mẹ mình ở nhà mỗi khi đi học về. Nếu có chuyện gì không vui ở trường, thể nào tôi cũng kể cho mẹ nghe.”
“Vậy là,” tôi nói, “phần lớn quý vị đều công nhận cha mẹ đã hỗ trợ mình rất nhiều trong thời niên thiếu.”
“Đó chỉ mới là một nửa bức tranh thôi,” Jim phát biểu. “Ngoài những câu nói tích cực, cha tôi còn làm vô vàn những chuyện khiến tôi tổn thương. Tôi có cố gắng cách mấy cũng không thể nào làm vừa ý cha. Và ông thể hiện rõ điều đó.”
Câu nói của Jim “bật đèn xanh” cho một loạt những ký ức không vui tuôn trào.
“Mẹ tôi rất ít khi ủng hộ tôi. Lúc đó, tôi đối mặt với vô số khó khăn và cần lắm những lời bảo ban, nhưng tất cả những gì bà dành cho tôi là những câu chuyện cũ rích, ‘Hồi mẹ bằng tuổi con…’ Và tôi sớm học cách giữ mọi thứ trong lòng.”
“Cha mẹ tôi thường khiến tôi cảm thấy có lỗi: ‘Con là đứa con duy nhất của cha mẹ… Cha mẹ kỳ vọng vào con nhiều hơn thế… Con chưa làm hết sức mình…’ ”
“Những gì cha mẹ tôi muốn lúc nào cũng quan trọng hơn những gì tôi muốn. Họ gán những khó khăn của họ cho tôi. Tôi là con lớn trong số sáu người con và tôi phải nấu nướng, lau dọn nhà cửa và chăm sóc các em. Tôi chẳng còn thời gian để tận hưởng thời niên thiếu.”
“Tôi thì gặp chuyện ngược lại. Tôi bị đối xử như trẻ con và được bảo bọc quá mức. Tôi không có khả năng tự quyết điều gì mà không phải thông qua cha mẹ. Phải mất vài năm trị liệu tôi mới bắt đầu cảm thấy chút tự tin.”
“Cha mẹ tôi đến từ một đất nước khác – một nền văn hóa hoàn toàn khác. Trong nhà tôi cái gì cũng bị cấm đoán. Tôi không được mua những gì mình thích, không được đi những nơi mình muốn, không được mặc quần áo theo ý mình. Thậm chí khi sắp tốt nghiệp cấp ba, nhất nhất tôi đều phải xin phép cha mẹ.”
Một phụ nữ tên Laura là người nói sau cùng.
“Mẹ tôi lại cực đoan theo kiểu hoàn toàn khác. Bà quá hiền. Bà không hề đặt ra luật lệ gì cho con cái. Tôi muốn đi lúc nào thì đi, về lúc nào thì về. Tôi đi chơi đến hai ba giờ sáng cũng chẳng ai nói gì. Không hề có chuyện giờ giới nghiêm hay bất cứ sự can thiệp nào. Thậm chí mẹ tôi còn để tôi sử dụng ma túy trong nhà. Mới 16 tuổi tôi đã dùng côcain và rượu. Điều đáng sợ nhất là tôi tuột dốc không phanh. Tôi còn nhớ mình đã giận mẹ đến mức nào, vì bà không hề có một lời dạy dỗ tôi. Bà đã hủy hoại biết bao nhiêu năm cuộc đời tôi.”
Cả gian phòng im lặng. Mọi người bàng hoàng vì những gì họ vừa được nghe. Cuối cùng, Jim lên tiếng, “Đúng là cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con, nhưng họ thật sự có thể làm hỏng cuộc đời con mình.”
“Nhưng tất cả chúng ta đều vượt qua đó thôi,” Michael phản pháo. “Chúng ta vẫn lớn lên, cưới vợ cưới chồng, có mái ấm gia đình riêng. Không cách này thì cách khác, chúng ta vẫn tìm được cách để trở thành một người đàng hoàng.”
“Có thể,” Joan nói, người phụ nữ từng kể về quá trình trị liệu tìm lại sự tự tin của mình, “nhưng chúng ta tốn quá nhiều thời gian và nỗ lực để bỏ lại sau lưng những điều tồi tệ.”
“Và có những điều bạn không thể nào quên,” Laura nói thêm. “Đó là lý do tại sao tôi ngồi đây. Con gái tôi bắt đầu có những biểu hiện khiến tôi lo lắng, và tôi không muốn đối xử với con như cách mẹ tôi từng làm với tôi.”
Nhận xét của Laura đưa cả nhóm quay trở về hiện tại. Từng người từng người một, họ bày tỏ nỗi bất an về con cái mình:
“Tôi đang lo về thái độ gần đây của con trai mình. Nó không nghe theo ai cả. Nó là một đứa nổi loạn. Ở tuổi 15 tôi cũng như vậy. Nhưng tôi che giấu điều đó. Còn nó bộc lộ hết ra ngoài. Nó cương quyết chỉ làm theo ý mình.”
“Con gái tôi mới 12 tuổi nhưng nó khao khát được mọi người chấp nhận – đặc biệt là lũ con trai. Tôi sợ một ngày nào đó con bé sẽ gặp chuyện bẽ bàng, chỉ vì nó muốn được nhiều người ngưỡng mộ.”
“Tôi lại đang lo về chuyện học hành của thằng con trai. Nó không còn chăm chỉ như trước. Tôi không rõ vì nó ham chơi thể thao hay đổ ra lười nhác.”
“Dường như tất cả những gì con trai tôi quan tâm hiện giờ là lũ bạn mới của nó, và làm sao để trở nên sành điệu. Tôi không thích nó đàn đúm với đám bạn xấu đó.”
“Con gái tôi giống như có hai nhân cách vậy. Ra đường nó hiền như búp bê – dịu dàng, dễ thương, lễ phép. Nhưng ở nhà thì đừng hòng. Chỉ cần tôi bảo nó không được cái này cái kia, là y như rằng nó nổi điên lên.”
“Nghe giống con gái tôi thế. Chỉ khác là nó nổi xung lên với mẹ kế mới của nó. Thật là khó xử – đặc biệt là khi cả nhà quây quần vào dịp cuối tuần.”
“Cứ nghĩ về tình trạng chung của tuổi teen là tôi lo lắm. Bọn trẻ ngày nay chẳng cần biết mình uống gì hay hút gì. Tôi đã từng nghe quá nhiều chuyện về bọn con trai lén bỏ thuốc kích dục vào ly nước của bạn gái trong bữa tiệc, rồi lợi dụng làm chuyện đồi bại.”
Một bầu không khí nặng nề bao trùm căn phòng, mọi người đều cảm thấy âu lo.
Karen cất giọng cười đầy tâm trạng. “Thế đấy, giờ chúng ta đã biết vấn đề là gì rồi – phải nhanh chóng tìm ra câu trả lời thôi.”
“Không thể tìm được câu trả lời một cách vội vã,” tôi nói. “Với bọn trẻ thiếu niên, điều đó là không thể. Anh chị không thể bảo vệ con mình khỏi những cám dỗ của thời đại ngày nay, hoặc giúp con tránh né những xáo trộn cảm xúc trong những năm tháng dậy thì, hoặc cấm con không được nghe những bài nhạc thị trường vốn chỉ bơm vào đầu chúng những suy nghĩ độc hại. Nhưng nếu anh chị có thể duy trì một bầu không khí cởi mở trong gia đình, nơi con trẻ cảm thấy thoải mái bày tỏ cảm xúc của mình, nhiều khả năng chúng sẽ chịu mở lòng lắng nghe suy nghĩ của anh chị hơn. Chúng sẽ sẵn sàng nhìn nhận quan điểm của anh chị hơn. Chúng sẽ dễ dàng chấp nhận những quy tắc của anh chị hơn. Và anh chị có thể bảo vệ chúng tốt hơn bằng những giá trị sống của mình.”
“Ý chị là vẫn còn hy vọng sao?” Laura kêu lên. “Chưa quá muộn phải không? Tuần trước tôi thức dậy với cảm giác hoang mang kinh khủng. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ được là con gái tôi chẳng còn bé bỏng gì nữa, và chẳng còn cách nào để sửa chữa sai lầm. Tôi nằm đờ ra nghĩ về những gì tôi đã làm sai với con, rồi cảm thấy phiền muộn, tội lỗi vô cùng.”
“Nhưng tôi chợt nhận ra. Tôi vẫn chưa chết mà. Nó cũng chưa bỏ nhà đi bụi. Và dù gì đi nữa, tôi vẫn mãi là mẹ của nó. Tôi có thể cố gắng làm một người mẹ tốt hơn. Xin hãy nói với tôi rằng mọi thứ vẫn chưa quá muộn.”
“Tôi đã từng trải qua điều đó,” tôi trấn an chị ấy, “không bao giờ là quá muộn để cải thiện mối quan hệ với con cái.”
“Thật không?”
“Thật.”
Và chúng tôi bắt đầu bài tập đầu tiên.
———
“Giả sử tôi là một cô bé đang tuổi dậy thì,” tôi nói với cả phòng. “Tôi sẽ nói ra một vài suy nghĩ trong đầu mình và đề nghị quý vị phản ứng lại theo cách khiến bọn trẻ cụt hứng. Nào chúng ta bắt đầu:
“Con không biết mình có muốn đi học nữa không.”
“Cha mẹ” tôi nhảy xổ vào:
“Đừng có dở hơi như thế. Chắc chắn con phải đi học.”
“Đó là chuyện ngu xuẩn nhất mà mẹ từng nghe.”
“Con nói thế mà nghe được hả? Con có muốn làm ông bà đau lòng không?”
Mọi người bật cười. Tôi tiếp tục bộc lộ những lo lắng và nỗi lòng của mình.
“Tại sao lúc nào con cũng phải là người đi đổ rác?”
“Vì trong nhà này con chẳng làm được tích sự gì ngoài chuyện ăn với ngủ.”
“Vậy tại sao đứa hay càm ràm trong nhà luôn là con?”
“Vậy tại sao anh con chẳng bao giờ than phiền khi mẹ nhờ đến?”
“Hôm nay tụi con được nghe một ông cảnh sát giáo huấn một tràng về ma túy. Nghe mệt hết sức! Ổng chỉ cố dọa cho tụi con sợ thôi.”
“Dọa con sợ ư? Làm cho cái đầu bã đậu của con sáng ra thì có.”
“Nếu mà mẹ bắt được con chích ma túy, con sẽ biết thế nào là sợ.”
“Vấn đề với bọn nhóc như con thời nay là tưởng cái gì mình cũng biết, nhưng thật ra con còn phải học nhiều.”
“Bị sốt có sao đâu? Con không đời nào bỏ lỡ buổi hòa nhạc đó!”
“Con nghĩ sao cũng được. Nhưng tối nay con sẽ không đi đâu cả – trừ việc nằm trên giường.”
“Sao con cứ phải làm mấy chuyện ngu ngốc vậy? Con vẫn còn bệnh mà.”
“Đây đâu phải tận thế đâu con. Còn vô số dịp khác mà. Sao con không leo lên giường, bật đĩa hát mới nhất của ban nhạc đó và nhắm mắt lại, tưởng tượng mình đang ở buổi hòa nhạc.”
Michael khịt mũi, “Câu nói này hay đấy!”
“Thật ra,” tôi nói, “ở địa vị con anh, chẳng có lời nào tôi nghe lúc này là ‘hay’ với tôi cả. Anh đâu có quan tâm đến cảm xúc của tôi, anh chế giễu những gì tôi suy nghĩ, anh chỉ trích quyết định của tôi, và đưa ra lời khuyên vô tội vạ. Và anh làm mọi thứ mới dễ dàng làm sao! Sao có thể như thế được?”
“Bởi vì đó là những thứ có sẵn trong đầu chúng ta,” Laura trả lời. “Đó là những gì chúng ta bị nhồi vào đầu từ thuở bé. Vì thế chúng diễn ra một cách tự nhiên.”
“Bản thân tôi cũng cho rằng đó là chuyện hiển nhiên,” tôi nói thêm. “khi các bậc cha mẹ tránh né những cảm xúc buồn phiền hoặc tiêu cực của con cái. Chúng ta khó lòng lắng nghe các con bày tỏ nỗi băn khoăn hoặc cảm giác tức giận, nản lòng. Chúng ta không chịu nổi khi thấy con mình buồn bã. Vì thế, chúng ta cho rằng cách tốt nhất là dẹp những cảm xúc của chúng sang một bên, và áp đặt những lý luận của người lớn lên chúng. Chúng ta muốn chỉ cho bọn trẻ cách cảm nhận ‘đúng đắn’.”
“Trong khi thật ra, việc chúng ta biết lắng nghe sẽ khiến con cái cảm thấy dễ chịu nhất. Chính việc chúng ta chấp nhận những cảm giác bất an của con sẽ giúp chúng đối phó với những rắc rối ấy dễ dàng hơn.”
“Ôi dào,” Jim kêu lên. “Phải mà vợ tôi có mặt ở đây, thể nào bà ấy cũng nói, ‘Thấy chưa, em đã nói với anh không biết bao nhiêu lần. Đừng có nói lý với em. Đừng có hỏi suốt như thế. Đừng nói em đã làm sai chuyện gì hoặc phải làm gì sau này. Anh chỉ cần lắng nghe là đủ!’ ”
“Các anh chị biết tôi nhận ra điều gì không?” Karen phát biểu. “Hầu như ai tôi cũng lắng nghe – ngoại trừ các con tôi. Nếu một người bạn của tôi gặp chuyện không vui, tôi đâu dám tơ tuởng đến chuyện bảo cô ấy phải làm thế này thế kia. Nhưng với các con của tôi, đó lại là chuyện hoàn toàn khác. Tôi nhúng mũi vào ngay. Có thể vì tôi lắng nghe các con trên cương vị của người mẹ. Và với cương vị đó, tôi thấy mình có trách nhiệm giải quyết vấn đề.”
“Rõ ràng đó là một thử thách to lớn,” tôi nói. “Để thay đổi suy nghĩ của mình từ chỗ ‘tôi phải giải quyết mọi chuyện bằng cách nào?’ thành ‘tôi làm cách nào để giúp con giải quyết vấn đề của nó?’ ”
Tôi lục tìm trong cặp và lấy ra một số hình minh họa tôi chuẩn bị sẵn. “Đây,” tôi nói, “đây là một số hình vẽ minh họa những phương pháp và kỹ năng căn bản có thể hữu ích cho các cô cậu thiếu niên khi chúng gặp vấn đề hoặc chuyện không vui. Trong mỗi trường hợp, quý vị sẽ thấy có hai cách phản ứng trái ngược, một cách khiến chúng càng khổ sở thêm, và cách kia giúp chúng đối phó với những khó khăn. Chúng tôi không dám cam đoan những cách nói ấy sẽ mang lại kết quả khả quan như quý vị mong đợi, nhưng ít ra chúng cũng không gây hại gì.”
Bằng cách bày tỏ sự thông cảm với nỗi bực dọc của con, người mẹ giúp con dễ chấp nhận quyết định của bà hơn một chút.
Không cần đợi đến lúc cả khán phòng đọc xong, đã có lác đác vài người cho ý kiến.
“Cứ như chị có mặt trong nhà tôi vậy! Những lời tôi nói ra cũng giống y như thế.”
“Điều tôi không thích lắm là tất cả những câu chuyện viết ra ở đây đều kết thúc tốt đẹp. Bọn trẻ nhà tôi chẳng đời nào bỏ qua hoặc chấp nhận một cách dễ dàng như thế.”
“Vấn đề không phải ở chỗ ta cố làm cho bọn trẻ bỏ qua hoặc chấp nhận, cái chính là ta thật sự lắng nghe cảm xúc của con mình.”
“Đúng rồi, để làm được điều đó, chúng ta phải biết lắng nghe theo một cách khác.’’
“Và nói theo một cách khác. Cứ như mình đang học một thứ ngôn ngữ mới vậy.”
“Và để thông thạo ngôn ngữ ấy,” tôi nói, “để nó trở thành ngôn ngữ của chính mình, các anh chị cần thực hành nhiều. Bây giờ chúng ta bắt đầu nhé. Một lần nữa, tôi đóng vai đứa con tuổi teen của quý vị. Tôi vẫn nói về những vấn đề đó, nhưng lần này, các ông bố bà mẹ, hãy đáp lại tôi bằng những kỹ năng mà anh chị vừa đọc.”
“Con không biết mình có muốn đi học nữa không.”
“Nghe có vẻ như con thật sự nghi ngờ về điều đó.”
“Con đang tự hỏi liệu đại học có phải là nơi dành cho con không.”
“Phải chi chúng ta có một quả cầu thủy tinh biết trước tương lai, và con nhìn vào đó, sẽ thấy cuộc đời mình mai này ra sao nếu con không đi học… và sẽ ra sao nếu con tiếp tục đến trường.”
“Tại sao lúc nào con cũng phải là người đi đổ rác?”
“Con trai, mẹ biết con bực bội đến mức nào.”
“Đó không phải là việc con thích. Ngày mai chúng ta sẽ bàn về chuyện luân phiên làm việc nhà. Nhưng giờ mẹ cần con giúp một tay.”
“Phải mà bịch rác tự nó bay vào thùng rác được thì hay quá nhỉ?”
“Hôm nay tụi con được nghe một ông cảnh sát giáo huấn một tràng về ma túy. Nghe mệt hết sức! Ổng chỉ cố dọa cho tụi con sợ thôi.”
“Vậy con nghĩ là ông ấy đang nói quá lên – để bọn trẻ biết sợ mà tránh xa ma túy.”
“Đúng là mấy kiểu hăm dọa này làm con cụt hứng nhỉ.”
“Nghe có vẻ như con muốn người lớn đưa ra chỉ dẫn rõ ràng và tin rằng các con sẽ hành động có trách nhiệm.”
Bị sốt có sao đâu? Con không đời nào bỏ lỡ buổi hòa nhạc đó!”
“Đúng là không may khi bệnh vào đúng ngày này! Chắc con mong được đi xem hòa nhạc cả mấy tuần nay rồi.”
“Mẹ biết, con muốn đi lắm. Nhưng hơn 38 độ thì con chỉ được phép loanh quanh trên giường thôi.”
“Cho dù biết là còn vô vàn những buổi hòa nhạc khác, nhưng chắc con ước gì mình không bỏ lỡ dịp này.”
———
Khi bài thực hành kết thúc, mọi người ai cũng trông có vẻ mãn nguyện. “Tôi nghĩ mình bắt đầu hiểu ra vấn đề rồi đấy,” Laura nói to. “Trên tinh thần là chúng ta sẽ nói ra những gì ta cho rằng bọn trẻ đang cảm nhận, nhưng giữ lại những gì chúng ta cảm nhận.”
“Đó là điểm tôi không đồng ý,” Jim phát biểu. “Khi nào tôi mới được bày tỏ cảm xúc của mình – nghĩa là nói ra những gì tôi thật sự suy nghĩ? Ví dụ như theo tôi: ‘Làm việc nhà là một cách đóng góp vào cuộc sống gia đình.’ ‘Được đi học là một hạnh phúc; bởi nó sẽ thay đổi cuộc đời con.’ ‘Chích ma túy là việc làm ngu ngốc; nó sẽ hủy hoại cuộc sống của con.’ ”
“Đúng thế,” Michael đồng tình, “dù gì đi nữa, chúng ta là các bậc cha mẹ. Khi nào chúng ta mới được nói về những gì chúng ta tin hoặc những gì chúng ta trân trọng?”
“Lúc nào ta cũng có cơ hội để bày tỏ thông điệp của mình,” tôi nói, “nhưng nhiều khả năng con cái sẽ lắng nghe quý vị hơn khi quý vị thể hiện cho con biết là chúng được cha mẹ lắng nghe. Cho dù vậy cũng không bảo đảm. Bọn trẻ có thể cho rằng cha mẹ thiếu thông cảm, quá vô lý và cổ hủ. Nhưng đừng nhầm lẫn. Dù chúng có xem thường hay phản kháng đi chăng nữa, những đứa con tuổi teen của anh chị vẫn muốn biết cha mẹ chúng nghĩ gì. Niềm tin và các giá trị sống của anh chị đóng vai trò không thể thiếu trong việc đưa ra những lựa chọn của chúng.”
Tôi hít một hơi thật sâu. Chúng tôi đã nói được rất nhiều điều trong buổi tối hôm nay. Đã đến lúc các bậc phụ huynh ra về và áp dụng những điều họ mới học được. Lúc này họ đang làm theo những gì tôi tin tưởng. Nhưng chỉ có cách áp dụng các kỹ năng đó với đứa con tuổi teen của chính mình, sau đó chờ xem kết quả, các bậc cha mẹ mới thật sự tin vào những gì mình đang làm.
“Hẹn gặp lại anh chị tuần sau,” tôi nói. “Tôi mong đến lúc được nghe anh chị kể về những trải nghiệm của mình.”
[sach_noiteenteennghe]
Leave A Comment