Trong khi VE ở Singapore đang đi vào bế tắc thì càng ngày sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế! càng trở nên nổi tiếng tại Việt Nam. Hàng ngày tôi nhận được rất nhiều email từ độc giả kể về những thành công của họ sau khi đọc và thực hành theo quyển sách, hay chỉ đơn giản là một vài lời cảm ơn. Đọc những email ấy, dù ngắn hay dài, tôi đều cảm thấy trong lòng ấm áp lạ thường. Cuối cùng thì những nỗ lực của tôi không những mang lại cho tôi lợi ích về kinh tế, mà quan trọng hơn hết, còn giúp được rất nhiều người khác, đặc biệt là các bạn trẻ.
Với tư cách dịch giả của quyển sách đã trở thành hiện tượng sách giáo dục tại Việt Nam – tôi được một số trường trung học và đại học mời về Việt Nam diễn thuyết và giới thiệu quyển sách. Cũng như những lúc làm huấn luyện viên ở Singapore và được học viên ôm mình nói lời cảm ơn, mỗi lần được đứng trước các bạn học sinh sinh viên Việt Nam chia sẻ về bí quyết thành công, làm chủ cuộc đời và tiếp thêm cho các em động lực sống, tôi thực sự cảm thấy mình đang sống rất có ý nghĩa. Nhiều khi tôi nghĩ, không phải tôi truyền động lực cho các em mà chính các em đã truyền động lực cho tôi. Tôi đến với nghề diễn giả cũng từ niềm đam mê chia sẻ ấy.
Có người nói rằng, làm diễn giả chuyên nghiệp là để kiếm bạc tỉ dễ dàng, để được nổi tiếng, hoặc để trở thành anh hùng của công chúng,… Nhưng thật sự, cái ngày bước chân vào nghề, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện kiếm bạc tỉ hay nổi tiếng, chứ đừng nói đến là anh hùng gì đó. Tôi bước vào nghề diễn giả đơn giản chỉ để thỏa mãn cái khao khát được sống xứng đáng của chính bản thân mình, và truyền cảm hứng sống cho nhiều người mà thôi.
Ngày ấy, tôi bước lên bục diễn thuyết chỉ với một suy nghĩ trong đầu: “Làm cách nào để mang lại những giá trị to lớn cho những người đang ngồi nghe dưới kia? Họ đã dành thời gian quý báu của họ cho mình, mình không được phép làm họ thất vọng”. Thậm chí cho đến ngày hôm nay, mặc dù đã được xã hội công nhận và trả công một cách xứng đáng cho mỗi lần diễn thuyết vì những gì mà tôi đã và đang thật sự cống hiến cho xã hội, nhưng mỗi lần bước lên bục diễn thuyết, tôi đều quên hết chuyện cơm áo gạo tiền mà chỉ tập trung vào việc chia sẻ và lan tỏa càng nhiều giá trị càng tốt.
“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương.” – Nam Cao
Trong nghề diễn giả, hay bất cứ một nghề chính đáng nào, một người muốn thành công thì phải hội đủ 3T, đó là TÂM – TẦM – TÀI.
Chữ TÂM
Người diễn giả muốn tạo cảm hứng phải làm việc xuất phát từ một chữ TÂM. Đa số mọi người đi làm để kiếm tiền và nghĩ rằng mình cần tiền để sống. Nhưng thật ra trong đa số trường hợp, chúng ta kiếm tiền thường vì những mục đích cao cả hơn: mong muốn tự lập, lo cho gia đình, lo cho con cái, giúp đỡ người khác,… Cho nên, tiền có thể là một động lực nhưng không bao giờ là một mục đích. Hay nói cách khác, tiền là một nhu cầu nhưng không bao giờ là một niềm cảm hứng. Chính vì thế, tiền không thể được xem là một lý tưởng để trở thành diễn giả.
Một diễn giả được quyền coi trọng giá trị lao động của mình thông qua việc yêu cầu mức thù lao xứng đáng cho mỗi lần diễn thuyết. Tuy nhiên, khi một diễn giả chỉ quan tâm đến việc kiếm được bao nhiêu tiền mỗi giờ hay mỗi buổi diễn thuyết, thì làm cách nào họ có thể tạo cảm hứng thật sự cho người khác một cách lâu dài? Người diễn giả phải thật sự mong muốn tạo nên sự khác biệt và giá trị cho những khán thính giả của mình, và thật sự mong muốn những khán thính giả của mình sau khi nghe những gì mình chia sẻ, sẽ bắt đầu thực sự áp dụng những điều đó vào cuộc sống và làm cho cuộc sống của họ tốt hơn.
Mục đích cao nhất của người diễn giả là tạo cảm hứng cho khán thính giả sử dụng những kiến thức có được để hành động và thay đổi cuộc đời mình. Chính vì thế, một diễn giả thật sự chỉ có một lựa chọn duy nhất là nói từ chính trái tim mình. Làm diễn giả trước hết cần lắm một chữ TÂM.
Chữ TÀI
Người diễn giả muốn chia sẻ những điều giá trị phải có một chữ TÀI. Người diễn giả không nên bước lên sân khấu để thể hiện mình biết gì, vì cho dù anh biết nhiều bao nhiêu thì cũng không thể biết hết mọi thứ. Người diễn giả bước lên diễn thuyết là để chia sẻ những gì trong giới hạn hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Chính vì thế, người diễn giả phải có khả năng tự học, tự nghiên cứu để nâng tầm kiến thức của mình, và quan trọng hơn là phải không ngừng áp dụng kiến thức vào cuộc sống để nâng tầm trải nghiệm và kinh nghiệm của mình. Một người không thể huấn luyện người khác nếu như anh ta trước hết không thể tự huấn luyện mình.
Vốn sống của một người phụ thuộc ba yếu tố. Thứ nhất, người đó đọc bao nhiêu sách, đọc những quyển sách nào và rút ra được những gì từ sách. Thứ hai, người đó có những người thầy như thế nào và học được gì từ những người thầy ấy. Cuối cùng, quan trọng nhất là người đó đã và đang sống cuộc sống của mình như thế nào với tất cả hiểu biết có được từ sách, từ thầy.
Sống với những gì mình chia sẻ, hành động và trải nghiệm giúp người diễn giả lan tỏa những kiến thức của mình thông qua những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, chứ không thể chỉ là một cái máy đọc sách, đơn giản đọc lại những gì trong sách đã chia sẻ.
Để đầu tư vào bản thân mình như vậy đòi hỏi người diễn giả không chỉ rất tâm huyết với nghề và cũng phải rất khiêm tốn. Nếu một diễn giả tự cho mình là số 1 rồi thì chính anh ta giới hạn tài năng và sự phát triển của mình. Cho nên, những diễn giả tài năng nhất là những diễn giả khiêm nhường nhất, biết nói về mình khi phù hợp nhưng cũng càng phải biết im lặng khi cần thiết. Làm diễn giả cũng cần lắm một chữ TÀI.
Chữ TẦM
Đỉnh cao của nghề diễn giả là có thể truyền cảm hứng cho người khác ngay cả khi không cần phải… nói. Điều này chỉ làm được khi người diễn giả có được một chữ TẦM. Khi ấy, người diễn giả sẽ là một niềm cảm hứng không chỉ trong diễn thuyết mà còn trong cuộc sống. Ở đẳng cấp đó, người diễn giả không còn chỉ một hình ảnh đứng trên sân khấu nói về thành công hay động viên tinh người khác, mà trở thành một người bạn tinh thần đồng hành cùng hàng triệu triệu người, như là: George Washington, Abraham Lincoln, Mohandas Gandhi, Winston Churchill, Martin Luther King, Aung San Suu Kyi, Nelson Mandela, Barack Obama, Kofi Annan, Bill Clinton, Nick Vujicic, Stephen Covey, Deepak Chopra, Jim Rohn, Oprah Winfrey, Eckhart Tolle, Tony Robbins,…
Trong số họ, có những người là diễn giả chuyên nghiệp nhưng đa số thì không. Tuy nhiên, họ có cùng điểm chung là đều có nhiều bài diễn thuyết đầy cảm hứng làm rung động hàng triệu con tim. Có điều đối với họ diễn thuyết không phải là một nghề, mà diễn thuyết là một công cụ giúp họ góp phần làm cho thế giới này tốt đẹp hơn.
“Người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng.” – William Arthur Ward
Để làm được điều đó, người diễn giả phải thật sự có một lý tưởng và một khát vọng đủ ý nghĩa để không chỉ chia sẻ mà còn lan tỏa, làm cho người khác xem đó thật sự là niềm cảm hứng trong cuộc sống của họ. Lý tưởng sống của người diễn giả không phụ thuộc vào những gì anh ta chia sẻ, nhưng lý tưởng sống của người diễn giả quyết định mục đích sâu xa của việc anh ta đứng lên chia sẻ. Nếu một người làm diễn giả chỉ vì kiếm được nhiều tiền, thì tiền là lý tưởng của anh ta. Nếu một người làm diễn giả chỉ vì danh, thì danh là lý tưởng của anh ta. Không có lý tưởng đúng hay sai, tốt hay xấu, miễn là không vi phạm đạo đức, pháp luật, nhưng lý tưởng của người diễn giả sẽ quyết định cái TẦM của anh ta.
Tất nhiên, không phải diễn giả nào cũng đạt được đến tầm cao như những tên tuổi mà tôi liệt kê ở trên. Nhưng dù ít hay nhiều, người diễn giả cũng nên ý thức được rằng mình cần phải luôn nỗ lực phấn đấu để nâng cao cái TẦM của mình.
Cho nên, đối với bất kỳ ai mong muốn kiếm tiền bằng nghề diễn giả thì hãy suy nghĩ kỹ xem mình có dám đối diện với vô vàn những khó khăn và thử thách của nghề diễn giả hay không. Tôi đã tự nói với bản thân mình và người xung quanh rất nhiều lần rằng: “Nếu làm diễn giả chỉ để kiếm tiền, thì tôi chắc chắn đã bỏ nghề vì… quá nhiều thử thách.”
Nghề diễn giả không chỉ có ánh hào quang mà còn có cả những thách thức như: bị nghi ngờ, bị phê phán, bị chỉ trích, bị đánh giá, bị bới móc đời tư,… chưa kể công việc cũng rất cực và còn phải đi nhiều nơi, đôi khi không đủ thời gian dành cho gia đình và bản thân. Chỉ có những người thật sự tin vào bản thân và giá trị của những gì mình làm thì mới có thể đứng vững lâu dài được trong nghề. Và sự tự tin cũng như giá trị ấy tuyệt đối không thể tạo ra bằng tiền hay bằng danh được.
Nếu bạn muốn sống bằng nghề diễn giả và thậm chí làm giàu bằng nghề diễn giả, điều đó rất tốt. Ai cũng cần phải kiếm sống bằng một nghề nào đó. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ nghề nào khác, để kiếm được bạc tỉ, bạn phải là một trong những người giỏi nhất (có TÀI). Để là một trong những người giỏi nhất, bạn phải có một đam mê (có TÂM). Để có một đam mê, bạn phải có một lý tưởng và mục đích cao đẹp (có TẦM). Khi bạn có đủ TẦM – TÂM – TÀI rồi thì thường bạn cũng chẳng còn mấy quan tâm đến tiền. Nhưng trước hết, để có tất cả những điều đó bạn phải tự trả lời được câu hỏi đầu tiên: “Tại sao bạn muốn trở thành diễn giả?”.
Nói tóm lại, nếu bạn thật sự muốn trở thành một diễn giả, đừng nghĩ rằng mình sẽ kiếm bạc tỉ hay nổi danh từ nghề diễn giả. Diễn giả chuyên nghiệp là một nghề ý nghĩa. Nếu bạn muốn làm diễn giả, bạn phải học cách trân trọng cái ý nghĩa của công việc mình làm để tránh bôi nhọ nghề nghiệp của mình và bôi nhọ chính mình.
Hãy nghĩ mình sẽ tạo sự khác biệt cho cuộc sống này như thế nào thông qua công việc làm diễn giả. Sống vì ước mơ đó. Và rồi, xã hội sẽ biết cách trân trọng bạn và trả công cho bạn xứng đáng. Khi đó, tự nhiên bạn sẽ kiếm được bạc tỉ, sẽ được nổi danh thật sự. Thậm chí, còn nhiều hơn bạc tỉ rất nhiều vì bạn được nhiều người yêu quý và trân trọng. Nhưng một lần nữa, khi bạn bắt đầu, hãy đơn giản xuất phát từ trái tim và lòng đam mê của mình. Bởi vì, người diễn giả bắt đầu từ một chữ TÂM.
“Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI” – Đại thi hào Nguyễn Du
SỐNG VÀ KHÁT VỌNG
Một quyển sách về kỹ năng tư duy thành công, nhưng hoàn toàn khác những quyển sách kỹ năng bạn đã từng đọc từ trước đến giờ, bởi nó là câu chuyện về cuộc đời của doanh nhân – diễn giả Trần Đăng Khoa. Bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ đan xen, quyển sách là tập hợp nhiều bài học cuộc sống được tác giả Trần Đăng Khoa đúc kết lại qua những trải nghiệm của anh. Đọc quyển sách này, sẽ có lúc bạn muốn dừng lại để suy ngẫm về cuộc đời mình, sẽ có lúc bạn bất chợt nhận ra một điều gì đó mình cần phải làm khác hơn, cũng có khi chỉ đơn giản là bạn cảm thấy ngạc nhiên, thú vị khi có thêm một số kiến thức mới lạ.
Leave A Comment