Có bao giờ khi đi học, bạn đặt câu hỏi tại sao mình cứ hay quên những thứ thầy cô bắt nhớ nhưng lại thường cứ nhớ những thứ đáng lẽ nên quên? Tại sao đôi khi mở sách, mở vở ra mình lại quên hết sạch sành sanh? Hay là mình bẩm sinh đã có “biệt tài” học cái quên ngay? Bạn có bao giờ thắc mắc: học bài không thuộc phải làm sao? Đừng lo, chỉ cần bạn biết được sự thật về việc quên quên, nhớ nhớ của bạn, chắc chắn bạn sẽ thấy việc ghi nhớ trở nên vô cùng dễ dàng.

Nếu bây giờ được hỏi về những đồ vật trong phòng ngủ của bạn, bạn có thể liệt kê ra được không? Quá dễ. Vậy nhưng nếu như hỏi bạn về những diễn biến lịch sử trong trận Điện Biên Phủ năm 1954, bạn có chắc sẽ nhớ? Đầu tiên, chúng ta sẽ giải quyết nguyên lý chung của việc tại sao có những thứ mình rất nhớ, còn có những thứ mình lại chóng quên.

Lý do mà bạn rất nhớ những đồ vật trong phòng ngủ của bạn, đó là bởi vì gần như ngày nào bạn cũng được nhìn thấy nó. Còn thông tin về một bài lịch sử, lần cuối cùng bạn đọc lại nó là khi nào? Mà bộ não của bạn, nó sẽ không quan tâm rằng giữa kiến thức lịch sử và những thông tin trong phòng ngủ, cái nào quan trọng hơn hay cái nào sẽ phải thi. Bộ não sẽ chỉ nhớ cái gì nó cảm thấy ấn tượng. Và đặc biệt, là cái gì nó gặp đi gặp lại nhiều lần.

Biểu đồ trí quên

Khoa học chỉ ra rằng, việc ghi nhớ bao gồm tiếp nhận thông tin và phục hồi thông tin. Sự thật là chẳng có ai có khái niệm trí nhớ kém cả, chỉ có những người không hiểu về trí nhớ của mình và không biết dùng nó. Hãy hình dung vào một ngày hè đẹp trời, bạn vi vu trên biển, ngắm biển, hòa vào dòng nước mát lạnh, rồi sau đó bạn phơi mình trên bãi cát. Ở trên đó, bạn vẽ hình một chú thỏ thật đáng yêu. Nhưng quái, kì lạ thay một lúc sau quay lại, bạn không còn thấy chú thỏ đâu nữa. Thì ra chỉ một cơn sóng đi đến, nó đã xóa nhòa tất cả. Và đó, cũng là những gì mà bộ não của bạn thể hiện khi tiếp nhận một thông tin mới.

Nhà khoa học người Đức có tên là Hermann Ebbinghaus đã có một công trình khoa học nghiên cứu về biểu đồ trí quên. Qua đó, sự thật là sau một giờ, chúng ta quên mất gần một nửa (44%) nếu không ôn tập lại, sau một ngày chúng ta quên 67% và sau một tuần là 75%. Như vậy, để có thể ghi nhớ thì điều quan trọng là bạn phải nhanh chóng ôn tập lại những kiến thức mới vừa tiếp cận. Điều đó giúp bạn vừa phục hồi lại lượng thông tin mình ghi nhớ được, đồng thời việc ôn tập cũng đồng nghĩa với việc bạn gặp lại kiến thức đó. Và hiển nhiên khi gặp lại, bộ não sẽ ấn tượng với nó và sẽ khắc ghi nó nhiều hơn. Khi bạn ghi nhớ nó đủ tốt, kiến thức sẽ đi vào vùng trí nhớ dài hạn, và hiển nhiên bạn sẽ nhớ một cách lâu dài.

Bài hôm nào xào ngay cho hot!

Nhưng thông thường, khi nào bạn sẽ ôn bài của ngày hôm nay? Với nhiều bạn, có thể sẽ là tuần sau trước khi hôm sau có tiết học. Mà khi đó, thì bạn đâu còn nhớ được nhiều kiến thức nữa. Do vậy, nếu như bạn áp dụng chiến thuật “Bài hôm nay cứ để tuần sau”, thì chắc chắn bạn rất dễ rơi vào tình trạng chẳng nhớ mình đã học gì. Chưa kể có những bạn bài hôm nay cứ để khi nào kiểm tra mới học, bài hôm nay cứ để tháng sau, thậm chí bài hôm nay để đến tận cuối năm đi thi, thì hiển nhiên bạn vừa tốn thời gian học, lại vừa không hiệu quả.

Vậy thì, thay vì “Bài hôm nay cứ để tuần sau”, nếu bạn áp dụng chiến thuật “Bài hôm nào xào ngay cho hot!”, chắc chắn rằng bạn vừa tiết kiệm thời gian học, vừa gia tăng tỉ lệ nhớ bài lên gấp nhiều lần. Giả sử hôm nay khi bạn học xong bài, tối về bạn dành ngay 10 phút ôn bài, tuần sau khi chuẩn bị bài bạn lại dành ra tiếp 10 phút ôn bài, trước khi kiểm tra 45 phút (có thể là khoảng sau 1 tháng) bạn lại dành ra 10 phút ôn bài, trước khi thi học kì, bạn dành ra 10 phút ôn bài, trước khi thi cuối năm bạn dành ra 10 phút ôn bài,.. cộng lại bạn mất khoảng 1 giờ cho quy trình ôn bài đó. Nhưng hiệu quả thế nào? Rất có thể bạn sẽ nhớ 80-90%, thậm chí 100% kiến thức. Còn nếu theo cách thông thường, giả sử bạn cứ gần kì thi mới học, bạn mất cả ngày để học khoảng 10h, gấp 10 lần so với quy trình kia, nhưng hiệu quả có khi lại không đáng kể vì khi đó có quá nhiều kiến thức mới, và bộ não không hấp thụ kịp.

Thực tế, việc bạn nhớ được một lượng kiến thức lớn trong chương trình học thường không dễ dàng, và bạn sẽ chỉ nhớ khi bạn được ôn tập đi ôn tập lại nhiều lần. Bộ Giáo dục cải cách liên tục, thi cử cải tiến và ngày càng cải tiến theo xu hướng tổng hợp kiến thức, tức kiến thức thi cử không chỉ ở trong một năm học cuối cấp mà rải rác nhiều năm học cộng dồn lại. Như thế, để chiến thắng trong thi cử, bạn bắt buộc phải có một chiến lược đúng đắn, đó là bạn học trước khi quên, ôn tập kịp thời bạn sẽ không bao giờ quên. Chúc bạn rèn luyện được thói quen tốt này.

Trainer Đỗ Việt Cường

TÔI TÀI GIỎI - BẠN CŨNG THẾ

Với những phương pháp học tập siêu đẳng được tác giả Adam Khoo chia sẻ, bạn sẽ tăng cường được sự tự tinlàm chủ cuộc sống, biết cách ứng dụng các công cụ học tập hiệu quả như Sơ Đồ Tư Duy, phát triển trí nhớ siêu việt để ghi nhớ các sự kiện và con số dễ dàng, và phát huy tối đa khả năng tiềm ẩn bên trong bạn để đạt những thành tích cao nhất có thể.

MUA SÁCH