Là học sinh, chắc hẳn ai cũng đã từng gặp phải căn bệnh mất tập trung khi học. Đó là những lúc bạn không thể nào tập trung được. Cũng có lúc, bạn tìm đủ mọi cách, nhưng dường như cảm thấy thật khổ sở vì không sao giải quyết được nó. Có những lần bạn đang hứng thú với bài học thì lại bị gián đoạn bởi những tin nhắn, những cuộc gọi,.. Hoặc thậm chí có lúc bạn đang học thì bộ não như thể chuẩn bị nổ tung vì đau đầu. Và còn rất nhiều dấu hiệu khác nữa đang làm cho việc học của bạn khổ sở. Vậy phải làm thế nào để tập trung khi học?

lam-the-nap-tap-trung-khi-hoc

Không phải học nhiều, mà là học hiệu quả

Trong khi làm khóa học Bí Quyết Teen Làm Chủ Thời Gian, mình thấy có một chủ đề quan trọng mà nhiều bạn rất quan tâm liên quan đến thời gian học, đó là “Học sinh giỏi và học sinh kém, ai học nhiều hơn?”. Thông thường, bạn sẽ nghĩ rằng chắc hẳn học sinh giỏi phải là học nhiều hơn, chăm chỉ hơn rồi. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Mỗi ngày, học sinh giỏi hay học sinh kém, ai cũng đều có 24 giờ. Thời gian học chủ yếu là như nhau ở trên trường, buổi tối ai cũng phải ngủ 7-8 giờ, rồi thời gian tự học cũng chỉ có vài tiếng ở nhà. Nhưng học sinh giỏi biết cách nâng cao hiệu quả mỗi giờ mình học, còn học sinh kém thì không.

Cùng một lượng thời gian bỏ ra, học sinh giỏi biết cách tập trung, do vậy họ học được nhiều hơn, hiểu bài tốt hơn, từ đó dẫn đến việc đi thi đạt được điểm cao hơn. Còn học sinh kém thì ngược lại. Có rất nhiều bạn gặp khó khăn rằng mình không tài nào tập trung được khi học, bình thường cứ học xong là mệt mỏi, chỉ muốn đi ngủ, và đôi khi học xong cũng không biết mình học gì, thậm chí quên hết những điều mình vừa học. Do vậy, học giỏi hay không không phụ thuộc vào việc bạn có học nhiều không, mà nó nằm ở chỗ bạn học có hiệu quả hay không. Câu chuyện dưới đây sẽ minh họa cho bạn thấy điều đó.

Chuyện hai người thợ cưa gỗ

Có một câu chuyện ngày xưa kể về một phú ông nổi tiếng giàu có. Vì thời xưa nhà cửa, công trình xây dựng thường sử dụng nguyên vật liệu bằng gỗ. Do vậy, để xây nhà, phú ông đã tuyển những thanh niên trai tráng to khỏe trong làng đến để đi cưa gỗ trong rừng cho ông ta. Có hai anh chàng lực lưỡng được tuyển chọn. Sau đó  hai người được phát cho hai chiếc cưa giống nhau, mỗi người một chiếc. Và bởi vì nếu cưa càng được nhiều gỗ, phần thưởng của ông chủ sẽ càng lớn nên ai cũng quyết tâm hừng hực để hôm sau vào rừng cưa sao cho nhiều nhất.

Người thợ thứ nhất với khí thế hùng hổ, đã làm việc chăm chỉ suốt cả ngày, cưa liên tục, cưa không ngừng nghỉ. Vừa cưa xong khúc gỗ này, anh đã lập tức chuyển sang ngay khúc tiếp theo, cưa sao cho nhanh nhất, nhiều nhất để còn mang gỗ về giao cho ông chủ. Người thợ thứ hai thì ngược lại. Anh ta cứ cưa xong một lúc lại thấy ngồi làm gì đó, không rõ tại sao. Sau hai tuần làm việc, đột nhiên người thợ thứ nhất bị ông chủ đuổi việc. Anh ta rất tức giận, rõ ràng mình làm việc chăm chỉ hơn, thế nhưng không hiểu sao lại bị đuổi, trong khi anh thợ kia thì lười hơn mình nhưng lại không bị đuổi việc.

Khi hậm hực hỏi ông chủ, thì kết quả anh ta nhận được còn bất ngờ hơn nữa. Lý do anh ta bị đuổi việc là vì anh thợ “lười” kia, mặc dù làm việc ít hơn, nhưng năng suất gỗ cưa được lại gấp đôi anh ta. Hóa ra anh thợ “lười” tưởng chừng lười nhưng lại là một anh thợ thông minh. Là vì cứ sau khi cưa một lúc, anh ta dừng lại. Nhưng dừng lại không phải là vì lười biếng, mà anh ta để cho lưỡi cưa nguội và mài cho lưỡi cưa trở lên sắc hơn, cũng như ngồi nghỉ để sức khỏe phục hồi, để cưa gỗ dẻo dai hơn. Vì thế mà khi cưa gỗ anh ta có thể tập trung hơn, dẫn đến cưa năng suất hơn. Còn anh thợ thứ nhất, vì cứ cưa liên tục nên lưỡi cưa nóng và bị cùn, từ đó cưa gỗ sẽ chậm hơn. Đồng thời cũng vì anh ta cưa liên tục không nghỉ mà sức khỏe yếu đi, mệt mỏi hơn làm cho anh ta khi cưa không tập trung được, dẫn đến việc không cưa nhanh được.

Làm thế nào để tập trung khi học?

Qua câu chuyện trên, chắc hẳn bạn cũng đã hiểu bí quyết để học hiệu quả, đó chính là sự tập trung khi học. Cho dù là bạn ngồi học trên lớp, hay tự học ở nhà, hay đi học thêm, thì việc tập trung đều quan trọng. Dưới đây là một vài thói quen quan trọng giúp bạn giải quyết được điều đó:

1. Học 25 phút, nghỉ 5 phút

Thông thường nếu bạn tự học ở nhà, thời gian kéo dài từ 2-3 giờ, bộ não của bạn sẽ bị mệt. Học xong bạn có thể thấy mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu… Khoa học chỉ ra rằng nếu bạn học trong 25 phút, sau đó dành ra 5 phút để thư giãn, nghỉ ngơi, vận động nhẹ hoặc nghe nhạc,.. bạn sẽ trở nên tập trung cao độ hơn khi học. Đồng thời khi học ở trên lớp, mỗi tiết học là 45 phút, sau khoảng 20-25 phút, bạn nên tự nhắc mình ngồi thẳng lưng, hít thở sâu khoảng 30 giây, sau đó lại tiếp tục học.

2. Tránh các đồ vật làm mất tập trung trên bàn học

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như bạn đang rất tập trung cho một bài tập, thì bỗng nhiên điện thoại của bạn bè kêu reng reng. Sau khi nghe máy, bạn chợt nhận ra cuộc gọi ấy chẳng hề quan trọng, và khi quay lại thì bạn đã bị phân tâm và không còn tập trung được nữa. Tương tự như vậy, có rất nhiều thứ trên bàn học có thể làm bạn mất tập trung, như truyện tranh, máy tính, ti vi, thậm chí là đồ ăn. Chính vì vậy, hãy đảm bảo trong lúc học bạn tránh xa các đồ vật làm bạn mất tập trung. Hãy di chuyển chúng ra chỗ khác. Nên nhớ, bàn học là chỉ để học. Ở trên bàn, bạn chỉ nên đặt sách, vở, đồ dùng học tập, một chai nước, hoặc một vài món đồ kỉ niệm, còn lại những thứ không liên quan, hãy tập thói quen di chuyển ra chỗ khác để tránh làm bạn mất tập trung.

tat-dien-thoai-de-tap-trung

3. Luôn để điện thoại ở chế độ yên lặng

Điện thoại là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn bị phân tâm. Từ cuộc gọi, cho đến tin nhắn, cho đến thông báo của các ứng dụng như mạng xã hội. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ chúng ta thường có thói quen trả lời điện thoại, tin nhắn,… ngay khi nó đến. Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi bạn bị gián đoạn như vậy, bạn phải mất nhiều thời gian để có thể tập trung trở lại. Vì thế tốt hơn là hãy để điện thoại ở chế độ yên lặng khi học. Cho dù là bạn học ở trên lớp, học thêm hay tự học ở nhà. Những lúc giải lao hoặc khi học xong, bạn có thể trả lời điện thoại bạn mình. Và có một sự thật, đa phần ở tuổi học trò thường sẽ không có cuộc gọi nào là khẩn cấp cả, và bạn tốt thì không bao giờ ghét bạn chỉ bởi vì bạn không nghe điện thoại ngay lập tức trong khi bạn đang học.

4. Bỏ chế độ thông báo mọi tài khoản

Lại một lần nữa, đây cũng là nguyên nhân phổ biến làm bạn mất tập trung. Bạn muốn dùng máy tính để tra cứu thông tin, nhưng đang dùng thì Facebook báo tin nhắn. Bạn đang cầm điện thoại thì email báo tin nhắn,… tất cả những điều đó đều làm bạn mất tập trung. Vì thế, hãy bỏ chế độ tự động thông báo mọi tài khoản của bạn. Những thông báo đó, hãy giải quyết khi mà bạn vào các tài khoản, chứ không phải là mọi lúc mọi nơi cả ngay khi đang học.

5. Làm việc nào xong việc nấy

Có nhiều bạn đang làm dở việc này, lại chuyển sang làm việc khác. Hoặc đang học dở môn này, chuyển sang học môn khác. Đến khi quay lại thì lại thấy rằng việc kia chưa làm xong, và bây giờ đầu óc bạn rối bời, cũng như không thể tập trung được. Chính vì lẽ đó, tốt nhất là bạn nên hình thành thói quen làm việc nào xong việc nấy, như vậy đòi hỏi bạn luyện tập việc phải luôn tập trung vào một việc cho đến khi mình giải quyết nó.

Với những bí kíp trên, chúc các bạn sẽ luôn tập trung được khi học!

Trainer Đỗ Việt Cường

TÔI TÀI GIỎI - BẠN CŨNG THẾ

Với những phương pháp học tập siêu đẳng được tác giả Adam Khoo chia sẻ, bạn sẽ tăng cường được sự tự tinlàm chủ cuộc sống, biết cách ứng dụng các công cụ học tập hiệu quả như Sơ Đồ Tư Duy, phát triển trí nhớ siêu việt để ghi nhớ các sự kiện và con số dễ dàng, và phát huy tối đa khả năng tiềm ẩn bên trong bạn để đạt những thành tích cao nhất có thể.

MUA SÁCH