Phương Thức Meta
4. Mô thức thứ tư là những từ cực đoan.
Những từ cực đoan thể hiện mức độ cùng cực của bên này hoặc bên kia, bao gồm: tất cả, chẳng có cái nào, mọi người, không ai; luôn luôn, không bao giờ.
Khi người ta suy nghĩ một cách tuyệt đối – đúng/ sai, tốt/ xấu – tức là họ đang giới hạn những khả năng lựa chọn của mình. Đó là suy nghĩ cực đoan, và chúng ta sẽ nói về nó trong phần cuối. Một dấu hiệu rõ ràng cho biết ai đó đang suy nghĩ cực đoan là họ thường sử dụng những từ hoặc cụm từ sau: “Tất cả hoặc không gì cả.” “Tôi không bao giờ hiểu được những gì đang diễn ra trong lớp.” “Mọi thứ đã có sẵn.” “Không ai quan tâm gì cả.”
Có hai cách đáp lại mô thức của những từ cực đoan. Cách thứ nhất là sự cường điệu:
“Mấy đứa bạn của tôi không bao giờ mời tôi đi dự tiệc cả.” Từ cực đoan ở đây là “không bao giờ”. Nếu bạn trích từ đó ra khỏi câu và cường điệu nó – đơn giản là lặp lại từ đó như một câu hỏi và nhấn mạnh nó – chắc chắn bạn sẽ khiến người nói ngạc nhiên. Nhiều khả năng người dùng từ “không bao giờ” không nhận ra điều đó và bạn sẽ sớm khám phá ra rằng họ không thật sự có ý đó.
Bạn lặp lại: “Không bao giờ?”
“Ừ…”
“Không bao giờ, thật thế chứ?”
(Im lặng, suy nghĩ.)
“Họ chưa bao giờ mời bạn đến bất cứ một bữa tiệc nào ư?”
“À, thì cũng có một đôi lần…”
Bạn đã phá vỡ mô thức này. Bạn đã đưa người nói ra khỏi tình trạng cực đoan và cung cấp một cơ hội lựa chọn.
“Lúc nào tôi cũng làm hỏng chuyện khi sếp yêu cầu tôi làm một việc gì đó.”
“Lúc nào cũng vậy? Lần nào anh cũng làm hỏng chuyện ư?” Thậm chí bạn có thể thêm tính cực đoan và cường điệu bằng cách nhấn giọng. Bạn phải cường điệu; nếu không nó sẽ không có tác dụng. Nếu bạn lặp lại bằng giọng điệu bình thường, “Vậy là anh luôn làm hỏng chuyện?”, người kia sẽ trả lời “Phải”. Người nói chắc chắn không nhận ra những từ cực đoan trong chính câu nói của mình.
“Tôi không thể đi dự bữa tiệc này, tôi chẳng có gì để mặc cả – mọi người ai cũng mặc đồ hàng hiệu Armani. Bảo đảm luôn.”
“Ai cũng mặc đồ hàng hiệu hết sao? Tất cả mọi người? Không trừ một ai?
“À thì rất nhiều người…”
“Còn bạn thì không có gì để mặc. Không một thứ gì có thể mặc được sao?”
“Không có cái nào – trừ phi tôi mặc đại một bộ nào đó…” Từ “trừ phi” có nghĩa là bạn vừa đẩy cô ấy ra khỏi sự tuyệt đối, những từ cực đoan.
Phản ứng thứ hai đối với mô thức của những từ cực đoan là bằng cách đưa ra ví dụ đối lập: tìm một ngoại lệ của cái dường như là quy luật tuyệt đối. Thay vì cường điệu, bạn hỏi, “Vậy có ai đến dự những bữa tiệc như thế này mà không mặc đồ hàng hiệu không?”
Hoặc với người nói câu: “Lúc nào tôi cũng làm hỏng chuyện khi sếp yêu cầu tôi làm một việc gì đó,” bạn hỏi lại, “Có lần nào trong quá khứ bạn làm tốt không?” Bạn muốn đưa ra một ví dụ trái ngược để họ không thể cực đoan được nữa.
“Trời bao giờ cũng mưa khi tôi đi tới tiệm làm tóc.”
“Phải,” bạn nói. “Nhưng hãy nghĩ lại xem có lần nào trời không mưa không?”
5. Mô thức thứ năm là đọc suy nghĩ.
Bốn mô thức trên tập trung vào những loại từ nhất định: danh từ và động từ không xác định, danh từ hóa và những từ cực đoan. Đọc suy nghĩ lại là một việc khác, bởi đó là một loại từ hoặc cụm từ cụ thể đến mức nó gần như trở thành cách suy nghĩ hoặc một giả định nào đó. Đọc suy nghĩ là khi tôi giả định rằng tôi biết một điều gì đó về bạn, về những gì đang diễn ra với bạn, dù tôi không có bằng chứng cụ thể nào. Hoặc khi tôi cho rằng người khác biết chuyện gì đang diễn ra với tôi, ngay cả khi tôi không cung cấp thông tin gì rõ ràng cho họ cả.
Chúng ta làm điều này hàng ngày. Một người vợ tặng quà cho chồng vào ngày sinh nhật lần thứ 50. Người chồng cảm ơn vợ, không lấy gì làm nhiệt tình lắm, và sau đó thừa nhận rằng anh mong chờ một thứ khác – chiếc đồng hồ Rolex mà anh hằng ao ước.
Người vợ giật mình. Anh ấy mong mình tặng một chiếc đồng hồ Rolex ư?
Tất nhiên, anh nói, sau bao năm chung sống, chắc cô phải hiểu chồng lắm, rằng từ lâu anh vẫn mong ước một chiếc đồng hồ như vậy. Lẽ ra cô phải biết điều đó chứ.
Anh cho rằng vợ anh đọc được suy nghĩ của mình. Anh chưa bao giờ nói ra việc anh thích một chiếc đồng hồ Rolex.
Hoặc chuyện này: tôi đứng trên bục giảng và thấy một học viên ngồi ngay ở hàng ghế đầu nhìn tôi, cau mày. Mắt anh ta nheo lại, hai đầu lông mày chạm vào nhau thành những nếp nhăn thẳng đứng, chưa kể những nếp nhăn nằm ngang hằn sâu trên trán anh ta. Thế là tôi nghĩ: Trời ạ, chẳng lẽ anh ta chẳng hiểu mình nói gì ư? Mình đã làm gì sai? Mình có thể làm gì để anh ta hiểu bài?
Tôi đang đọc suy nghĩ người khác. Tôi nhìn những thay đổi trên nét mặt người này và cho rằng điều đó chứng tỏ anh ta chẳng hiểu mô tê gì hết. Nhưng sau đó anh ta phát biểu một ý kiến hết sức sâu sắc và tôi nhận ra rằng lúc nãy anh đã rất tập trung nghe tôi giảng.
Chúng ta làm điều này mọi lúc; chúng ta thường cho rằng mình thừa biết điều người khác đang nghĩ, kể cả khi chẳng có bằng chứng cụ thể nào.
Chẳng hạn, ai đó không gọi điện cho bạn mấy ngày qua.
Chết rồi, bạn nghĩ. Mình đã làm gì sai? Anh ấy chắc đang giận mình. Nhưng mình có làm gì để anh ấy giận đâu. Anh ấy bị gì vậy? Quỷ tha ma bắt anh ấy đi!
Chuyện vỡ lẽ là người này bị bệnh nặng, và bạn ước gì thay vì bực tức giận dỗi (qua việc đọc suy nghĩ), bạn nên gọi cho anh ấy để tìm hiểu sự tình.
Hoặc như tình huống sau:
Nàng: Vừa bước vào nhà là anh đã tắt đèn ngay, bởi anh chỉ nghĩ đến cái giường mà thôi.
Chàng: Giường? Giường nào? Mắt anh bị đau mà.
Hoặc:
Nàng: Anh không thích những món ăn em nấu. Anh chỉ đụng đến một món, thậm chí anh còn không ăn hết nữa.
Chàng: Đó là bởi vì bụng anh cảm thấy khó chịu từ lúc bị cảm đến giờ. Đồ ăn em nấu rất tuyệt. Anh rất thích.
Hoặc nó diễn ra như thế này:
Nàng: Anh không thích những món ăn em nấu à?
Chàng: Sao em lại nói thế, anh ăn đến ba đĩa mà!
Nàng: Nhưng anh chẳng nói gì cả.
Việc đọc suy nghĩ và những từ cực đoan có thể đi cùng với nhau. “Anh không bao giờ chịu làm gì khác vào ngày Chủ nhật cả,” chỉ vì bạn muốn ở nhà làm việc vào cuối tuần trước. Người ta cho rằng bạn sẽ làm mọi việc giống như cách bạn đã làm trong quá khứ.
Thông thường, việc đọc suy nghĩ làm cản trở giao tiếp. Nó cũng có thể gây hại. Nếu một cô gái tự nhủ “Chẳng việc gì phải cố gắng xin công việc này; họ sẽ nghĩ mình quá dốt [hoặc thiếu kinh nghiệm hoặc quá trẻ],” thì việc đọc suy nghĩ đó khiến cô mất đi một công việc.
“Bạn sẽ không hiểu điều này đâu, nó đòi hỏi kiến thức chuyên môn.”
“Bạn sẽ không thích cái này đâu, nó không hợp gu của bạn.”
Tất cả đều là đọc suy nghĩ. Câu hỏi cần đặt ra khi bạn nghe thấy một giả định kiểu này là, “Cụ thể là làm cách nào anh biết được điều đó?”
Cụ thể là làm sao bạn biết được những người phỏng vấn sẽ nghĩ bạn ngu ngốc?
Cụ thể là làm sao bạn biết là tôi không hiểu [không thích] điều đó?
Câu hỏi là một thách thức; Nó phá vỡ những khuôn khổ cứng nhắc và mở ra nhiều lựa chọn khác. Và một khi bạn bắt đầu thách thức những giả định của mình, bạn sẽ giải phóng bản thân khỏi nhà tù suy nghĩ của chính bạn.
Ngoài lề một chút: Đọc suy nghĩ có thể xuất hiện dưới dạng linh cảm hoặc trực giác. Và đôi khi nó rất chính xác. Những suy nghĩ thuộc trực giác là một trong những quá trình sáng tạo nhất của trí óc. Nhưng quan trọng là bạn cần biết rằng bạn đang thực hiện việc đọc suy nghĩ người khác và rằng bạn không thể chắc chắn những gì bạn nghĩ có thật hay không. Chừng nào bạn còn dặn lòng rằng đó chỉ là linh cảm, có thể đúng hoặc sai, thì bạn vẫn có thể tiếp tục đưa ra những dự đoán đầy sáng tạo.
Việc đọc suy nghĩ thời hiện đại xuất hiện trong những lời nhắn để lại trong máy điện thoại trả lời tự động: Chắc anh còn ngủ nên không bắt máy, hoặc, Hôm qua em nói em bị bệnh. Giờ em lại không nghe điện thoại, chắc là em đã đi nghỉ mát rồi.
Trong khi ấy, chủ nhân của chiếc điện thoại đang ngồi ở phòng khám bác sĩ, cảm giác tồi tệ hoặc có việc gì gấp nên cô phải đi ra ngoài.
Vì lý do này, lần sau khi để lại lời nhắn, bạn cần kiềm chế bản thân mình. Hãy tưởng tượng xem bạn sẽ bực bội ra sao khi phải nghe giả định của người khác về mình – nhất là khi họ sai rành rành!
Những danh từ không xác định, động từ không xác định, danh từ hóa, những từ cực đoan và việc đọc suy nghĩ: năm mô thức ngôn ngữ này chính là những cái bẫy ta thường xuyên rơi vào. Đó là những ngõ cụt. Những câu hỏi chúng ta dùng để thách thức các mô thức này chính là cách để thoát ra khỏi bẫy và có được cái nhìn sáng tỏ về những gì chúng ta hoặc người khác đang nói đến.
Đây là những câu hỏi đơn giản định hướng suy nghĩ của chúng ta, dù chúng ta là người nói hay người nghe. Những câu hỏi giúp ta đào sâu từ cấu trúc bên ngoài để kết nối với cấu trúc bên trong – những chi tiết, những điểm cụ thể – và với chính trải nghiệm gắn liền với nó.
Nếu bạn dùng những từ cực đoan hoặc đọc suy nghĩ – “Không có ai thuê mình vào làm đâu”; “Cậu sẽ phát chán khi nghe những gì tớ sắp nói” – bạn có thể nhận ra mình bắt đầu tin vào những gì mình nói.
Tấm bản đồ không phải là một vùng đất và ngôn ngữ không phải là trải nghiệm. Nhưng ngôn ngữ có thể tạo ra trải nghiệm. Điều bạn nói trở thành ý bạn muốn nói, không phải chiều ngược lại. Ngôn từ trở thành thông điệp; bản đồ trở thành vùng đất; thực đơn chính là bữa ăn.
Khi bạn áp dụng phương thức meta với bản thân mình hoặc với người khác, bạn đặt ra những câu hỏi cụ thể nhằm tìm ra thông điệp sâu sắc hơn, những ý nghĩa nằm ẩn chứa bên dưới ngôn từ. Bạn thấy được vẻ sâu xa đằng sau vẻ bề ngoài. Ngôn ngữ, đại diện cho trải nghiệm, trở thành tấm gương soi xuyên thấu mà bạn có thể nhìn vào.
Đây là hai ví dụ của cách sử dụng ngôn ngữ đúng hoặc sai.
Libby là sếp của Marsha trong một công ty quảng cáo. Bộ phận của họ chịu trách nhiệm trình bày những ý tưởng sáng tạo cho khách hàng của mình.
Libby: Trời ơi, những người này làm chị phát điên mất! Mỗi lần gặp họ là y như rằng có chỗ này hay chỗ kia cần sửa lại.
Marsha: Em hiểu ý của chị, khách hàng này thật sự không biết mình muốn gì. Họ chỉ biết một điều là quảng cáo cần mang tính sáng tạo và hào hứng.
Libby: Thì cứ cho họ cái họ muốn – mặc dù chị nghĩ rằng mình không bao giờ thỏa mãn được họ. Cứ tiếp tục hoàn hiện bản thảo lần nữa và nhớ thêm một chút hào hứng vào nhé.
Marsha: Em hiểu rồi. Hào hứng, hào hứng! Em biết chính xác thứ mà chị muốn rồi.
Libby và Marsha dùng rất nhiều từ béo bệu – những từ không xác định và những danh từ hóa – và họ cho rằng mình hiểu điều người kia nói. Có thể như thế thật, nhưng cũng có thể là không. Tuy vậy, trong thế giới quảng cáo áp lực cao, liệu họ có thể gánh được hậu quả của việc hiểu lầm hoặc “giao tiếp sai lệch” không? Giao tiếp sai lệch có thể đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội. Có thể hai người đang nói về hai khách hàng khác nhau hoặc hai dự án khác nhau. Họ có thể suy đoán sai về những gì khách hàng cho là “sáng tạo” hoặc “hào hứng” – hoặc điều người kia muốn thể hiện bằng những từ này. Họ còn hạn chế khả năng giao tiếp của mình bằng cách sử dụng những từ cực đoan như mỗi lần, không bao giờ. Những từ này đặt họ vào vị trí không còn lựa chọn nào khác.
Còn đây là câu chuyện giữa hai cha con về việc cậu con trai nộp đơn vào trường đại học.
Cha: Chuyện nộp đơn vào các trường đại học của con đến đâu rồi? Con đã làm gì rồi?
Con trai: Rắc rối quá. Chán lắm bố ạ.
Cha: Vậy hả, con bỏ cuộc dễ dàng thế. Con phải kiên trì chứ.
Con trai: Bố lúc nào cũng nói thế. Bố không bao giờ nghe con nói cả.
Cha: Sao con không để bố giúp con? Những đứa trẻ khác đều nhờ cha mẹ chúng giúp kia mà.
Con trai: Bố không giúp gì được cho con đâu. Mặc kệ con đi!
Giữa hai cha con có sự hiểu lầm rất tiêu biểu. Người cha thật sự muốn giúp đỡ con trai, và người con cũng cần sự giúp đỡ này, nhưng cuộc nói chuyện hoàn toàn thất bại.
TÓM LƯỢC VỀ PHƯƠNG THỨC META
Có năm mô thức ngôn ngữ tạo nên phương thức meta, cùng với những câu hỏi được đặt ra để thách thức những mô thức này.
MÔ THỨC | THÁCH THỨC |
Con người thật kỳ lạ,
Hắn đang làm việc này một cách sai lầm.
Tôi gặp khó khăn trong việc học.
Luôn luôn, không bao giờ, không chút nào, tất cả.
Anh không hiểu tôi. |
Cụ thể là ai, cái gì, vật gì? Cụ thể là như thế nào? Cụ thể là bạn [học] như thế nào? Hỏi về một ngoại lệ: Có lần nào mà…? Làm sao anh biết [tôi không hiểu…]? |
Những mô thức ngôn ngữ này nhằm phá vỡ phương thức meta: những từ và mô thức ngôn ngữ làm nhiễu loạn ý nghĩa giao tiếp. Để hiểu điều người nói muốn nói, người nghe phải hỏi những câu chính xác nhằm dẫn dắt người nói đến ý nghĩa thật sự. Bạn có thể thực hiện điều này với chính mình hoặc với người khác.
PHÁT HUY TIỀM NĂNG CÙNG NLP (2 tập)
Với quyển cẩm nang về trí não này, bạn sẽ học được một số kỹ thuật hiệu quả để điều khiển tâm trí chính mình và người khác, đồng thời “tái lập trình” bản thân. Ứng dụng NLP vào đời sống, bạn có thể làm mọi thứ bạn mơ ước, giải quyết những khó khăn, thay đổi thói quen và lật cuộc đời sang một trang khác. Bởi vì NLP tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt, thay vì đào bới lại quá khứ, thế nên kết quả đạt được rất nhanh, có khi ngay lập tức, gần như một phép lạ!
Leave A Comment