Tôi cất tiếng khóc chào đời vào ngày 7 tháng 7 năm 1981. Có lẽ lúc ấy, tôi là tài sản quý giá nhất của ba mẹ, bởi vì tất cả những gì ba mẹ có là một căn hộ chung cư tồi tàn, ọp ẹp, cũ kỹ, do Nhà nước cấp và vài món đồ đạc đơn giản trong nhà.

Sống giữa một khu lao động phức tạp với đủ mọi thành phần sinh sống, cái nghèo dường như đã trở nên quá đỗi bình thường. Mẹ tuy phải rau cháo qua ngày từ lúc tôi vừa chào đời, nhưng vẫn nuôi lớn nhanh và khỏe mạnh như thường. Có lẽ tất cả chút ít những gì bổ dưỡng nhất mẹ có được qua những bữa ăn đạm bạc, mẹ đã nhường cho tôi qua dòng sữa ngọt ngào của mình. Bà ngoại thương mẹ và tôi lắm, nên thỉnh thoảng khi có điều kiện, bà lại mang cho mẹ miếng thịt hay con cá nhỏ để ăn mà có sữa cho tôi bú.

Nhưng ở đời, cái nghèo thường đi cùng với cái khó đeo bám con người ta. Được vài tháng tuổi, tôi đột nhiên mắc phải một căn bệnh lạ, mà sau đó được xác định là viêm màng não cấp tính do dùng phải phấn rôm giả. Đại dịch phấn rôm giả năm 1981 đã cướp đi hàng trăm sinh mạng của những đứa trẻ cùng lứa tuổi với tôi. Thời gian đó, bệnh viện Nhi Đồng đông kín bệnh nhân, hàng trăm đứa trẻ nằm la liệt, tiếng khóc vang lên như xé lòng. Mẹ ôm tôi chạy khắp các phòng bệnh với hi vọng có cơ hội cứu chữa cho đứa con đang thoi thóp thở trên tay. Nhưng đi đến đâu mẹ cũng chỉ nhận được một câu trả lời: “Con chị không còn cơ hội sống sót, mà cho dù có sống cũng bị di chứng thần kinh” vì bệnh của tôi đã trở nên quá nặng khi mẹ đưa tôi vào bệnh viện. Các bác sĩ còn khuyên mẹ hãy chấp nhận sự thật, và hầu như không hề đoái hoài gì đến tôi, việc chữa trị chỉ là cho có vì họ tin rằng tôi sẽ không sống nổi. Vẫn ôm chặt tôi trong lòng, giọt nước mắt mẹ lăn dài trên bầu má bé bỏng của tôi…

Tuy nhiên, mẹ không bao giờ cho phép bản thân mình bỏ cuộc, bởi vì bỏ cuộc là bỏ đi mạng sống của tôi. Bằng trái tim của một người mẹ, mẹ vẫn tin rằng tôi sẽ được bình an. Mẹ van lạy bác sĩ cho đến khi tôi được nhập viện vào phòng chăm sóc đặc biệt. Mẹ vẫn lo lắng cho tôi kĩ lưỡng từng ly từng tí, vẫn cho tôi bú, vẫn dỗ cho tôi từng giấc ngủ ngon. Và trong khi tử thần vẫn tiếp tục cướp đi hàng trăm sinh mạng của những đứa trẻ khác xung quanh thì tôi đã may mắn sống sót… có lẽ là bằng tình thương của mẹ.

Một thời gian sau, công an đến gõ cửa nhà tôi rồi chìa ra tờ giấy báo tử với cái tên Trần Đăng Khoa do bệnh viện gởi về từ trước, bởi vì bác sĩ nghĩ rằng chắc chắn tôi sẽ chết. Công an muốn xác nhận thông tin về cái chết của tôi nhưng họ đã ngỡ ngàng khi thấy tôi còn sống, khỏe mạnh và hồng hào trong vòng tay của mẹ. Đến tận bây giờ tôi vẫn tin rằng, tình thương, niềm tin và sức sống của mẹ truyền vào tôi qua dòng sữa ngọt ngào chính là phương thuốc kì diệu đã giúp tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong những ngày đầu đời ấy.

Nhưng rồi, cuộc sống ngày càng gặp nhiều khó khăn khiến cho đời sống gia đình thêm căng thẳng. Ba thì thường hay say xỉn, rồi còn quan hệ lung tung ở bên ngoài, nên ba mẹ nhiều lần xung đột dữ dội với nhau. Mẹ vẫn âm thầm chịu đựng vì thương con. Thậm chí có lần, mẹ tưởng chừng như đã mất hết niềm tin vào cuộc sống. Bế tắc và khủng hoảng, mẹ bồng tôi lên tầng thượng của khu chung cư nghèo toan nhảy xuống tự vẫn cùng với tôi. Mẹ ngồi đó, hai chân buông thõng xuống khoảng không bên dưới, và chỉ cần nhích ra ngoài một chút thôi, mẹ sẽ lập tức rơi xuống. Tôi sẽ cùng chết với mẹ và câu chuyện này sẽ kết thúc ở đây.

May mắn thay, mẹ đã lựa chọn làm khác đi. Mẹ đã không lao xuống mà ngồi đó suy nghĩ thật nhiều. Thế rồi khi ánh bình minh lên, khi mẹ đã bình tĩnh lại, khi mẹ nhìn thấy cuộc sống đang dần quay lại xung quanh mình, và khi mẹ nhìn tôi đã thức giấc cựa quậy khóc trên tay, mẹ chợt tỉnh ngộ rồi tự nhủ với lòng rằng: “Mình không có quyền cướp đi sinh mạng của con mình, biết đâu sau này con mình lớn lên sẽ trở thành một người đặc biệt”. Mẹ nhận ra rằng, dù còn bé chưa biết gì, nhưng là một con người, tôi có quyền được sống. Mẹ quyết định dù thế nào đi nữa thì mẹ vẫn sẽ phải tiếp tục sống để nuôi tôi khôn lớn thành người. Nghĩ thế, mẹ hoàn toàn từ bỏ ý định tự vẫn và từ từ đứng dậy để quay trở xuống. Sau lưng mẹ, ánh bình minh đã rạng rỡ phía trời đông…

Sau này, khi nghe mẹ kể lại những chuyện ấy, tôi vẫn thường tự hỏi mình: “Tại sao trong cùng một đại dịch hàng ngàn đứa trẻ khác đã chết nhưng tôi lại được sống? Tại sao trong lúc mẹ tuyệt vọng cùng cực đến nỗi muốn quyên sinh lại lựa chọn tiếp tục cuộc sống để tôi được sống?”

Bởi vì tựa đề của quyển sách này là Sống và Khát Vọng, mong bạn cho phép tôi dừng lại một chút để nói về SỐNG.

SỐNG – Có lẽ đó là điều mà nhiều người quan tâm nhất, vì nói cho cùng, thì đó là điểm chung lớn nhất của tất cả con người chúng ta. Nhưng đối với mỗi người, SỐNG có một ý nghĩa khác nhau. Và mỗi người cũng có những mối quan tâm khác nhau về cuộc sống. Tuy nhiên, đa phần những mối quan tâm đó có thể được xếp vào hai loại chính:

Loại “Thế Nào?” với những câu hỏi như là: “Tôi nên sống như thế nào?”, “Tôi phải làm thế nào để hạnh phúc hơn?”, “Tôi phải làm thế nào để thành công hơn?”,…

Loại “Điều Gì?” với những câu hỏi như là: “Tôi muốn điều gì trong cuộc sống này?”, “Tôi cần điều gì trong cuộc sống?”, “Tôi phải có những điều gì?”, “Tôi phải hy sinh những điều gì?”, “Tôi phải làm được những điều gì?”,…

Và rồi, chúng ta cứ mãi đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi đó trong cả cuộc đời. Tôi cũng đã từng như thế, bởi vì tôi tin rằng mỗi câu hỏi phải được trả lời một cách riêng lẻ. Nhưng rồi đến một ngày, tôi bất chợt nhận ra một điều rằng, có một câu hỏi mà nếu tôi tìm ra được câu trả lời, thì việc tìm câu trả lời cho những câu hỏi khác không còn quá khó khăn nữa.

Câu hỏi ấy chính là: “Tại sao tôi sống dù biết rằng rốt cuộc mình cũng sẽ rời bỏ cuộc đời này?”

Đối với tôi, câu trả lời là: “Tôi sống để tạo nên những khác biệt tích cực cho bản thân tôi, cho gia đình, cho bạn bè và cho xã hội.”

Với câu trả lời đó, tôi sống từng ngày biết rằng tại sao mình sống, biết rằng mình đang đi đâu về đâu, biết rằng cuộc sống của tôi thật sự là một hành trình ý nghĩa cho dù nó có cùng điểm xuất phát và điểm đến, cũng như biết rằng ngày tôi rời khỏi cuộc đời này tôi sẽ có thể mỉm cười vì những khác biệt tích cực mình đã tạo ra cho dù là nhỏ nhoi đi nữa.

Còn bạn thì sao? Nếu một lúc nào đó bạn có được một khoảng không gian riêng, thay vì ngồi nghe nhạc, xem phim hoặc lướt web, đã bao giờ bạn tự hỏi mình câu hỏi: “Tại sao tôi sống dù biết rằng rốt cuộc mình cũng sẽ rời bỏ cuộc đời này?”

Dù bạn là ai thì mỗi chúng ta được sinh ra trên đời đều vì một ý nghĩa nào đó. Việc bạn đã sinh ra như thế nào, trong hoàn cảnh ra sao, không quan trọng bằng việc bạn đang sống như thế nào. Việc bạn đã sống bao nhiêu năm hay sẽ sống thêm bao nhiêu năm nữa, không quan trọng bằng việc mỗi năm ấy bạn sống như thế nào.

Khi bạn trả lời được câu hỏi ấy, bạn sẽ tìm thấy một sức sống, một động lực mới bên trong bản thân mình trên con đường vươn tới thành công. Không phải ngẫu nhiên mà những người thành công chân chính và hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc sống hiểu rõ lý do tại sao họ phải sống.

Cho nên, mỗi khi bạn tự hỏi: “Tại sao tôi sống?”, bạn chỉ cần đơn giản nhớ một điều rằng, chỉ có mình bạn mới có thể tìm thấy câu trả lời. Câu trả lời ấy cũng không có đúng hay sai vì đó là câu trả lời của riêng bạn, cho bản thân bạn, chứ không phải ai khác.

SỐNG VÀ KHÁT VỌNG

Một quyển sách về kỹ năng tư duy thành công, nhưng hoàn toàn khác những quyển sách kỹ năng bạn đã từng đọc từ trước đến giờ, bởi nó là câu chuyện về cuộc đời của doanh nhân – diễn giả Trần Đăng Khoa. Bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ đan xen, quyển sách là tập hợp nhiều bài học cuộc sống được tác giả Trần Đăng Khoa đúc kết lại qua những trải nghiệm của anh. Đọc quyển sách này, sẽ có lúc bạn muốn dừng lại để suy ngẫm về cuộc đời mình, sẽ có lúc bạn bất chợt nhận ra một điều gì đó mình cần phải làm khác hơn, cũng có khi chỉ đơn giản là bạn cảm thấy ngạc nhiên, thú vị khi có thêm một số kiến thức mới lạ.

MUA SÁCH