(Trích đoạn sách Để Không Chỉ Là “Gái Ngoan” – TS Lois P. Frankel và TS Carol Frohlinger)
Marta là một phụ nữ Mỹ – La tinh 32 tuổi, sống cùng với ông bà từ nhỏ trong nội thành. Không một ai trong gia đình cô học đại học, không một ai được kỳ vọng là sẽ vào đại học, và cũng không ai trong số đám bạn của cô thời phổ thông trung học vào đại học. Năm 14 tuổi, cô gia nhập một băng nhóm. Ở tuổi 18, cô bị ông bà đá ra khỏi nhà vì họ không nhận được trợ cấp từ chính phủ dành cho người chăm sóc cô nữa, do đó họ không còn “cần” đến cô. Cô sống trong chiếc xe lưu động hư nát trên khu đất sở hữu của ông bà và sử dụng các đồ dùng thiết bị trong nhà sau khi họ đi làm. Dựa vào những trải nghiệm này, có thể thấy cô rất dễ nhìn nhận bản thân mình là đồ bỏ đi hoặc không có giá trị.
Sau đó, Michele Ruiz, một nhà báo ở Los Angeles và là người bảo vệ quyền trẻ em, biết đến câu chuyện của cô. Michele đưa Marta về sống cùng gia đình mình. Để đáp lại lòng tốt này, Marta phụ giúp nấu ăn cho cả nhà. Cô nhanh chóng trở nên hứng thú với nghệ thuật nấu nướng và tỏ ra có triển vọng đến mức Michele đã trả học phí cho Marta đi học nấu ăn. Hiện Marta là một đầu bếp thành công, có nguồn thu nhập tốt từ công việc mà mình yêu thích – một cuộc sống mà cô không bao giờ có thể hình dung ra trong suốt thời thơ ấu đau buồn của mình.
Câu chuyện của bạn có thể không ấn tượng bằng Marta, nhưng rất có thể những gì người khác kỳ vọng về bạn khác với những gì bạn kỳ vọng về chính mình. Đôi khi, đó là kết quả của “vai trò” của bạn trong gia đình. Có lẽ bạn thuộc kiểu người “xinh đẹp” lớn lên lập gia đình chứ không phát triển sự nghiệp. Hoặc bạn là kiểu người “thông minh” sau này sẽ trở thành một bác sĩ. Lois thường kể rằng mẹ cô sẵn sàng trả tiền học đại học cho cô, nhưng chỉ khi nào cô trở thành giáo viên (cha cô thì lại không nghĩ rằng cô cần vào đại học), trong khi những gì cô thực sự muốn là trở thành nhà tâm lý học. Cuối cùng, cô đã đáp ứng mong đợi của mẹ, cũng như của chính mình, bằng cách lấy cả hai bằng đại học – một chuyên ngành giáo dục và một chuyên ngành ngành tâm lý học!
Không chỉ có trải nghiệm và kỳ vọng thời thơ ấu, mà cả trải nghiệm và kỳ vọng khi trưởng thành cũng ảnh hưởng đến cách ta nhìn nhận bản thân. Chúng ta đều biết vô số phụ nữ không bao giờ lên đại học mà bắt đầu đi làm ngay sau khi học phổ thông trung học (nếu họ qua được cấp trung học). Họ thường bắt đầu bằng những công việc như nhân viên hành chính, bồi bàn, hoặc phụ tá chăm sóc trẻ em, chỉ để nhận thấy rằng ngay cả khi họ quay trở lại và kiếm được tấm bằng đại học sau đó, thì họ vẫn không thể thăng tiến trong sự nghiệp, mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm và bằng cấp. Họ cảm thấy bế tắc trong cùng một vị trí như khi họ mới gia nhập công ty. Tại sao ư? Bởi vì hoặc là họ vẫn nhìn nhận bản thân mình thuộc tầng lớp thấp nhất của xã hội, hoặc là những người khác không thay đổi cái nhìn về họ. Nói cách khác, họ để cho những gì trong quá khứ tiếp tục chi phối họ, ngay cả khi hoàn cảnh đã thay đổi. Hãy nhớ rằng bất chấp kỳ vọng hoặc trải nghiệm nào, bạn là người kiểm soát vận mệnh của bạn – không phải ai khác.
CÁCH ÁP DỤNG CHIẾN THUẬT HIỆU QUẢ
1. Hãy phác họa hình ảnh của bạn trong 5 năm sau. Bạn không cần phải là họa sĩ mới có thể thực hiện bài tập này. Có thể là một hình vẽ đơn giản, đầu là hình tròn còn thân là các đường thẳng. Bao quanh hình ảnh trung tâm là những từ hoặc hình ảnh mô tả những điều bạn mong muốn trong cuộc sống nhưng chưa bao giờ thực sự tin rằng mình có thể đạt được – một ngôi nhà, một đứa con, sự yên bình trong tâm trí, tự do tài chính, một công việc bạn yêu thích. Sau đó, hãy dán một danh sách các đặc điểm mà bạn tin rằng thuộc về kiểu người sẽ đạt được những thứ này. Chúng tôi đoán là bạn sẽ khám phá ra rằng bạn thực sự đã có hầu hết các đặc điểm này rồi. Cuối cùng, đặt danh sách này ở một nơi mà bạn nhìn thấy mỗi ngày. Nghe có vẻ “hình thức” nhưng lại có hiệu quả đấy, và điều quan trọng là chúng ta cần được liên tục nhắc nhở về nơi chúng ta đang đi đến, nếu chúng ta không muốn bị quá khứ bó buộc mãi.
2. Tự so sánh. Đôi khi, so sánh mình với những phụ nữ khác là một ý tồi, nhưng trong trường hợp này, nó có thể giúp bạn nhìn nhận lại bản thân với hình ảnh mà bạn muốn trở thành, chứ không phải là người mà bạn nghĩ rằng bạn đang được mong đợi sẽ trở thành. Ai là người hiện đang làm những điều bạn muốn làm? Ví dụ, nếu bạn cảm thấy bản thân gắn chặt vào công việc trợ lý văn phòng cả đời, trong khi những gì bạn thực sự muốn là làm quản lý, hãy nói chuyện với ai đó đã đi lên từ vị trí của bạn. Hãy chuẩn bị đặt các câu hỏi về quá trình cô ấy đạt được vị trí như bây giờ và xin lời khuyên về những thách thức bạn phải đối mặt. Bạn không cần quen biết cô ấy với tư cách cá nhân – chúng tôi đã nói chuyện với nhiều phụ nữ mà chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt, nhưng họ đã có can đảm đề nghị nói chuyện với chúng tôi trong 15 phút. Tóm lại, hãy học hỏi càng nhiều càng tốt về những gì bạn muốn làm từ những người đi trước.
3. Kết giao với những người có thể nhìn xa hơn “con người cũ” của bạn. Khi một người nghiện muốn cai thuốc, họ không đi đến quán bar và không tiếp tục tiệc tùng với đám bạn đã góp phần khiến họ rơi vào tình trạng nghiện ngập. Nếu những người mà bạn hiện đang kết giao chỉ có thể nhìn nhận bạn như bạn trước đây, hoặc đối xử với bạn theo những cách khác với cách mà bây giờ bạn muốn được đối xử, bạn sẽ rất khó nhìn nhận lại bản thân mình. Hãy tìm các nhóm và những cá nhân mà bạn có thể tiến tới các mối quan hệ khác biệt và mới mẻ dựa trên hình ảnh mà hướng tới trong tương lai.
4. Lập kế hoạch và hành động. Bạn sẽ không bao giờ vượt qua được những trải nghiệm trong quá khứ nếu cứ tiếp tục đắm chìm trong đó. Cuộc sống có thể đã đẩy bạn vào một hoàn cảnh khó khăn, nhưng nó không quyết định tương lai của bạn. Các cuộc nghiên cứu về những người sống sót ở trại tập trung đã chỉ ra rằng những người hình dung trong đầu về những việc họ còn phải hoàn thành trong cuộc sống có nhiều khả năng sống sót hơn những người chẳng còn ý niệm gì về tương lai. Điều này nói lên sức mạnh của việc chịu trách nhiệm về cuộc sống. Kế hoạch của bạn không cần phải to lớn hay vượt quá khả năng của bạn, nó chỉ cần đủ để giúp bạn đứng vững trên con đường mà bạn muốn đi. Lão Tử đã nói rất đúng, “Hành trình ngàn dặm khởi đầu bằng một bước chân.”
Trích đoạn sách Để Không Chỉ Là “Gái Ngoan” – TS Lois P. Frankel và TS Carol Frohlinger
ĐỂ KHÔNG CHỈ LÀ "GÁI NGOAN"
Dù cho bạn là một bà mẹ nội trợ, ở cương vị giám đốc điều hành, hay còn đi học, là một doanh nhân, hay ở đâu đó giữa chừng, thì bạn hầu như đều có “gót chân Achilles,” trên con đường đạt được những gì bạn mong muốn và tìm kiếm. Việc thấu hiểu và bổ khuyết chuỗi mắt xích của bạn là phương thức duy nhất để bạn từ một cô gái ngoan trở thành người phụ nữ bản lĩnh. Quyển sách Để Không Chỉ Là “Gái Ngoan” của Ts. Lois P. Frankei và Ts. Carol Frohlinger sẽ cung cấp cho bạn một bộ cẩm nang kỹ năng để từ một cô gái ngoan trở thành một phụ nữ bản lĩnh.
Leave A Comment