(Trích đoạn sách Sống Không Hối Tiếc – Tiến sĩ Karl Pillemer)
Đi Du Lịch Nhiều Hơn
Các chuyên gia có một thông điệp đặc biệt dành cho những người trẻ về việc du lịch: hãy làm ngay. Theo bà Ruth Helm, những cụ già cảm thấy hối tiếc nhất chính là những người trì hoãn việc đi du lịch cho tới khi đã quá muộn – một sai lầm mà bà suýt phạm phải, nếu không nhờ có chồng bà.
Chồng tôi đã dạy tôi bài học đó bởi vì ông ấy rất thích đi du lịch còn tôi thì lại không thích lắm. Tôi đã chần chừ. Tôi bảo, “Sau này rồi đi cũng được mà.” Nhưng ông ấy vẫn quyết tâm đi. Ông ấy bảo tôi, “Không, hãy đi ngay. Ai biết được sau này mình có đi được không.” Vì vậy, chúng tôi đã đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đã đến châu Âu, châu Á. Thích lắm. Đúng là như vậy, sau này mình có thể bị bệnh hoặc qua đời – thế nên hãy đi ngay bây giờ. Nếu thu xếp được cuộc sống gia đình, xã hội hoặc tài chính, hãy đi du lịch càng nhiều càng tốt khi còn trẻ.
Thật không hiểu nổi những người không nghỉ hưu mà vẫn tiếp tục làm việc cho đến khi kiệt sức. Ở tuổi 50, cả chồng tôi và tôi đều an hưởng tuổi già và chúng tôi muốn đi du lịch. Hai vợ chồng tôi đã đi gần như là khắp mọi miền nước Mỹ, Canada và châu Âu nữa. Sau khi các con tốt nghiệp đại học, chúng tôi đã cẩn thận tiết kiệm tiền để đi du lịch. Lúc nào đi được là chúng tôi lại lên đường, cho đến khi chồng tôi bị bệnh và không đi được nữa. Tôi rất vui vì mình đã làm điều đó khi còn có thể! Chúng tôi yêu từng khoảnh khắc trong những chuyến đi, và bởi vì như vậy nên tôi không có gì tiếc nuối.
Thế nên, đây là lời khuyên cụ thể để tránh hối tiếc trong tương lai: hãy đi du lịch khi bạn còn có thời gian và sức khỏe. Đây là thông điệp từ các chuyên gia đã lần lữa cho đến khi quá muộn. Trong phần lớn thời gian phỏng vấn bà Bettina Grover, cụ bà 86 tuổi rạng ngời hạnh phúc này không có một lời phàn nàn hoặc nuối tiếc nào. Nhưng bà chỉ sống quanh quẩn ở quê nhà và trong ánh mắt bà thoáng vẻ hối tiếc khi bà nói, “Tôi luôn muốn đi đến Hawaii nhưng không bao giờ đi được. Đã quá muộn rồi.”
Bà Lynne, vợ ông Jack Baltar (81 tuổi), mất vì bệnh ung thư sau khi ông bà nghỉ hưu. Ông đã có vài chuyến đi du lịch một mình nhưng ông nhận ra rằng mình đã đợi đến khi quá muộn:
Chúng tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ đi du lịch nhiều nơi khi về hưu. Nhưng sau đó Lynne qua đời, và lúc đó đã quá muộn rồi. Tôi có đi đôi ba chuyến và tôi thấy cũng được, nhưng đi một mình thì không vui bằng. Tôi đi xe buýt qua những dãy núi ở Canada và có một lần tôi đã quay qua để nói chuyện với vợ mình – lúc ấy tôi đang ngồi một mình và khung cảnh bên ngoài quá đẹp, nên tôi thật sự muốn nói với bà ấy, “Em nhìn ánh đèn đó kìa, màu sắc đó, ánh đèn đó.” Nhưng tất nhiên, bà ấy không có ở đó. Và tôi chỉ muốn chia sẻ với bà ấy mọi điều trong những chuyến đi, nhưng đã muộn rồi.
Vài người trong số các bạn sẽ bảo rằng, “Nghe thì hay đấy, nhưng làm gì có tiền mà đi?” Các chuyên gia phản bác rằng việc du lịch xứng đáng đến nỗi nên ưu tiên nó hơn những thứ mà người trẻ dùng tiền để mua. Các chuyên gia tin rằng việc du lịch mang lại những lợi ích đặc biệt cho người trẻ bởi vì nó giúp mở rộng tầm mắt, giúp họ tìm được trọng tâm trong cuộc sống và thử thách họ theo nhiều cách mới mẻ. Bà Donna Loflin, 78 tuổi, đã nói vắn tắt về việc ưu tiên du lịch như sau, “Nếu phải quyết định giữa việc sửa lại căn bếp hay là đi chơi xa một chuyến, thì tôi sẽ khuyên chọn cái thứ hai. Và hãy đi khi còn trẻ bởi vì lúc đó sức khỏe còn đủ, chứ đợi đến khi già thì không đi được nữa đâu. Của cải vật chất có thể để sau.”
Tất nhiên, du lịch không chỉ dành cho người trẻ tuổi – mặc dù các chuyên gia lưu ý rằng càng lớn tuổi thì càng gặp nhiều vấn đề trong lúc di chuyển hơn. Tầm quan trọng của du lịch được khẳng định bằng quỹ thời gian đặc biệt lớn mà các chuyên gia dành vào việc chu du khắp nơi ngay cả khi tuổi đã già, sức đã yếu. Cuối cùng, quan trọng là việc du lịch khiến bạn cảm thấy cuộc đời mình đã sống xứng đáng.
Bà Donna Loflin quả quyết, “Du lịch cực kỳ quan trọng. Tôi vẫn đi du lịch, mặc dù tôi hay bị ngã. Tôi đã bị ngã ở Nga, ở Ý. Một người bạn của tôi muốn tôi đến thăm nước Đức. Được thôi, tôi sẵn sàng bị ngã ở Đức nếu cần!” bà cười vui vẻ.
Bà Rosemary Brewster tin vào tầm quan trọng của những chuyến đi đến mức bà đã có những nỗ lực can đảm để hai vợ chồng có thể thực hiện những chuyến đi yêu thích. Chồng bà bệnh rất nặng, nhưng điều đó không ngăn được họ. Bà bảo tôi, “Ông ấy phải lọc máu trong suốt 8 năm trời, nhưng chúng tôi vẫn đi. Tôi chỉ là biến đêm thành ngày thôi.” Tôi muốn nghe thêm về chuyện này.
Vào ban đêm, tôi thức dậy để lọc máu cho chồng, bởi vì làm việc này không tiện trên đường đi. Chúng tôi đã đi khỏi Saskatchewan, đến British Columbia, đến New Orleans. Chúng tôi đi được khắp nước Mỹ vì tôi có thể gửi những vật dụng y tế của anh ấy đến bất cứ đâu trên đất nước. Đúng là không dễ dàng gì, nhưng hai vợ chồng đi du lịch bởi vì chúng tôi muốn được ở bên nhau và ông ấy không muốn vì bị bệnh mà bỏ lỡ bất cứ điều gì. Chúng tôi đã dành dụm tiền để đi du lịch nên sẽ không bỏ lỡ điều này. Chúng tôi có cây truyền dịch và đủ hết. Khi đi bằng xe buýt, lúc mọi người xuống xe thì chúng tôi lại tháo nó ra. Chúng tôi có thể đi bất cứ nơi đâu trên đất Mỹ hay Canada.
Bất cứ lý do nào mà bạn đưa ra để biện minh cho việc không thể đi du lịch cũng trở nên không thích đáng khi so sánh với những ví dụ trên. Vì vậy, hãy lên danh sách những nơi bạn muốn đến và những chuyến du lịch bạn muốn đi. Rồi sau đó thực hiện trong những năm tháng bạn còn có thể thoải mái di chuyển. Hãy lên kế hoạch và tìm cách đi ngay khi vẫn còn có thể. Bởi vì theo quan điểm của các chuyên gia, khi đến những năm cuối của cuộc đời, rất có thể chúng ta sẽ hối tiếc vì đã không đi du lịch nhiều hơn. Đây là lúc mà bạn nên áp dụng câu nói này, “Việc của hôm nay chớ để ngày mai.”
Trích đoạn sách Sống Không Hối Tiếc – Tiến sĩ Karl Pillemer
VÌ MỘT CUỘC ĐỜI
KHÔNG HỐI TIẾC
Quyển sách của Tiến sĩ Karl Pillemer khác với bất cứ thể loại sách hướng dẫn nào bạn từng đọc trước đây. Bởi tác giả tận dụng một nguồn thông tin độc đáo đã tồn tại cả ngàn năm qua nhưng hầu như đã bị quên lãng ở xã hội đương thời – đó là những người già thấu hiểu lẽ đời. Các bậc cao niên có nguồn kiến thức mà ít người trong chúng ta có được: họ đã sống trọn cuộc đời mình. Góc nhìn độc đáo của họ là liều thuốc giải cần thiết để “chữa trị” quan điểm thông thường về một “cuộc sống tốt đẹp” ở xã hội đương thời.
Leave A Comment