(Trích đoạn sách Sống Không Hối Tiếc – Tiến sĩ Karl Pillemer)

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vẫn tiếp diễn khi bọn trẻ đã rời xa mái nhà thân yêu, thế nên khi các con còn nhỏ, hãy đưa ra những quyết định để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp cho nửa còn lại. Trong cuốn sách Sống Không Hối Tiếc, những người già hiểu lẽ đời đề nghị những bậc cha mẹ hãy cưỡng lại một cám dỗ nguy hiểm: tìm kiếm sự hoàn hảo ở các con và trong cách nuôi dạy con.

Về mặt logic, hầu hết chúng ta đều biết rằng tạo ra những đứa trẻ hoàn hảo là điều bất khả thi. Thế mà hầu hết cha mẹ lại giữ lấy những tiêu chí hoàn hảo riêng khi đánh giá việc nuôi dạy con cái. Thế nhưng, các chuyên gia đều thừa nhận: không ai có những đứa con hoàn hảo. Điều an ủi là cho dù thế nào đi nữa thì hầu hết những đứa trẻ này đều nên người. Chúng ta không thể hoàn hảo nhưng có thể “đủ tốt” để nuôi dạy những đứa con tử tế, giàu tình cảm.

Qua những cuộc nói chuyện với hàng trăm người cao tuổi, tôi phát hiện có một giai đoạn mới của cuộc sống mà tôi gọi là “mịt mờ tuổi trung niên.” Những năm tháng nuôi dạy con cái khi chúng còn thơ dại và khi chúng đến tuổi vị thành niên (cha mẹ ở trong khoảng độ tuổi 30-50) thường được miêu tả một cách chính xác là: giai đoạn mờ mịt, cuống cuồng bận rộn đến nỗi mọi thứ trôi qua trong chớp mắt. Từ khi sinh đứa con đầu lòng, sự đan xen giữa công việc, cuộc sống gia đình và trường học trở thành một hố đen nuốt chửng thời gian, năng lượng và suy ngẫm của bạn. Hầu hết những người cha người mẹ đều bị “cuốn” vào những năm tháng đó đến nỗi họ khó mà lùi lại để suy ngẫm giữa tỉ tỉ việc phải làm.

Và đây là lúc những lời khuyên của các chuyên gia trở nên quý báu, bởi đó là điều họ đã trải qua. Đối với những người đang chăm sóc con nhỏ, hãy thử tưởng tượng bạn đang ở tuổi của các chuyên gia. Nếu so sánh việc nuôi dạy con với cuộc đua marathon, thì bạn đã chạm đến vạch đích.

Bạn đã trải qua mọi thăng trầm trong quá trình nuôi con thành người, từ cảm giác sợ hãi lúc sinh con, những đêm mất ngủ trông con, đến những ngày phấn khích dõi theo những bước chập chững đầu đời của con. Bạn lo lắng về những căn bệnh của trẻ, về điểm số, về quyển tạp chí đáng ngờ giấu dưới đầu giường của cậu con trai (và khôn khéo không đề cập đến), về lần đầu tiên cô con gái tự mình cầm lái. Bạn đã trải nghiệm niềm hân hoan: chiến thắng trong một trận đấu ở phút cuối, cuộc đối thoại thân mật bất chợt lúc nửa đêm với cậu con trai hay cô con gái ở tuổi ô mai, thư chấp nhận từ một trường đại học uy tín (sau một vài thư từ chối trước đó). Và bạn phải làm một việc mà tất cả chúng ta đều phải làm, đó là nói lời tạm biệt và đứng nhìn các con rời xa tổ ấm.

Nhưng điều gì xảy ra sau đó? Bởi lẽ vào khoảnh khắc con bạn “tung cánh bay xa,” một câu hỏi bất ngờ xuất hiện: mình sẽ làm gì với phần đời còn lại đây? Liệu bạn có hối tiếc khi dồn hết tâm sức nuôi dạy con nên người, tạo bệ phóng cho con bay vào “thế giới thật” đến mức bạn chẳng có thời gian để nhìn bức tranh toàn cảnh. Phần lớn mọi người bắt đầu làm cha mẹ ở giữa hoặc cuối tuổi đôi mươi. Sau giờ khắc chào đời thiêng liêng là 18 năm chung sống dưới cùng một mái nhà với đứa con. Đến lúc con bước vào cuộc sống độc lập thì người cha người mẹ đã hơn 40 tuổi, và có thể sẽ sống 40 năm nữa hoặc lâu hơn.

Bạn cứ tính thử xem. Phần lớn thời gian làm cha mẹ của chúng ta không phải là khi bọn trẻ còn phụ thuộc vào ta trong gia đình, mà là khi chúng đã trưởng thành. Tuổi thọ trung bình tăng cao đã tạo nên một xu thế nhân khẩu học mới: khoảng thời gian ông bà ở cạnh các cháu dài ra. Thời xưa, cha mẹ thường qua đời sớm, ngay sau khi đứa con út đến tuổi trưởng thành (hoặc thậm chí sớm hơn). Bây giờ, chúng ta có thể gặt hái thành quả (và cũng là thách thức) từ mối quan hệ mà chúng ta đã gây dựng trong hàng chục năm qua.

Nếu tôi cộng dồn các cuộc phỏng vấn của tôi với các chuyên gia và tất cả những nghiên cứu khác có liên quan đến các bậc phụ huynh cao tuổi trong những năm qua, thì con số lên đến khoảng 10.000 cuộc phỏng vấn. Tôi phát hiện hầu hết cha mẹ đều tập trung vào những lúc nuôi dạy con cái ở nhà. Họ đã ở bên con, và 18 năm trôi qua là khi họ nhận thấy mình đã ở tuổi trung niên. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng cha mẹ cần lưu ý những việc xảy đến sau giai đoạn đó. Bạn làm gì khi con bạn lên 5, lên 10 hoặc 15 để tạo nên mối quan hệ tình cảm khắng khít khi các con đến tuổi trưởng thành còn bạn ở tuổi trung niên và cao niên?

Hãy tin tôi đi, bạn sẽ không hối tiếc nếu có các con bên cạnh trong cuộc sống sau này. Tôi đã viết về nỗi đau xé lòng của những người già do mối quan hệ xa cách với con mang lại. Khi bạn ở tuổi 70, hoặc cao hơn, con cái sẽ mang đến cho bạn động lực để bước tiếp, ý nghĩa, sự gắn kết và cuối cùng là cảm nhận về mục đích sống lớn lao. Nếu các con không dành thời gian ở bên cạnh bạn, cùng bạn tham gia các hoạt động chung và trên hết là làm chỗ dựa tinh thần cho bạn, thì tuổi già thật sự là một khoảng thời gian khó khăn. Bạn đã đầu tư, vậy thì khi đã có tuổi, bạn sẽ khao khát có được “phần thưởng.”

Bạn đã biết về sự rạn nứt và hậu quả của nó. Nhưng hãy đầu tư lớn và đầu tư một cách khôn ngoan vào mối quan hệ của bạn với con cái – hãy dành thời gian cho con ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải hy sinh, tránh kỷ luật hà khắc, hòa giải những bất đồng trước khi tình cảm rạn nứt – và thật sự bạn sẽ không hối tiếc khi nhận về phần thưởng vô giá. Thay vì thuyết giảng với bạn, tôi sẽ để các chuyên gia làm việc đó. Khi bạn đã làm tất cả những gì trong khả năng để nuôi dưỡng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp nhất với các con, bạn có thể gặt hái phần thưởng. Cũng giống như bất kỳ điều gì khác, sự đầu tư sẽ sinh lợi như sau.

Ông Ray Caddell, 80 tuổi, góa vợ, có 2 con trai và 2 con gái. Ông và người vợ quá cố của mình, bà Marjorie, đã đầu tư thời gian và tình cảm vào 4 đứa con, mang đến cho các con một tuổi thơ vui tươi, những ký ức đẹp đẽ, tạo dựng mối quan hệ cha mẹ và con cái bền chặt, ngay cả khi vì điều đó mà họ đánh mất đi cơ hội nghề nghiệp của mình.

Phần thưởng ư? Ray nói.
Tình cảm giữa tôi và bốn đứa con là niềm vui thuần khiết. Tôi thích được ở cạnh các con. Chúng rất yêu quý nhau, yêu quý vợ chồng và gia đình của nhau. Đó quả là niềm vui thuần khiết.

Mới đây, bọn trẻ đã làm cho tôi một việc trong ngày sinh nhật lần thứ 80 của tôi, vào tháng Sáu vừa rồi. Trước đó, tôi có nói chuyện với một đứa. Tôi tình cờ nói rằng trước khi từ giã cõi đời, tôi muốn đến Florida học khóa huấn luyện bóng chày vào mùa xuân. Thế là tôi được đi đến đó cùng với bốn đứa chúng nó. Hai cô con gái có vẻ hơi sợ khi tiếp cận môn thể thao này. Nhưng chúng đã chơi vì tôi. Nhưng sau đó chúng bảo rằng mình rất thích thú. Đó là sự gắn kết mật thiết mà gia đình chúng tôi có được.

Bà Essie Feist đã 99 tuổi. Bà hoạt bát một cách đáng kinh ngạc: bà vận động bằng cách bơi lội và đi bộ (và chỉ mới bỏ lái xe gần đây thôi), đan len và duy trì đời sống xã hội năng động. “Tôi có hai cô con gái tuyệt vời. Bọn trẻ giờ đây là niềm hạnh phúc của tôi. Chúng sống gần chỗ tôi. Tốt ghê.” Hai cô con gái của bà: một người 76 và một người 69 tuổi.

Phần thưởng:
Khi các con tôi còn nhỏ, tôi tâm niệm rằng “hãy mở rộng cửa nhà.” Hãy để các con mời bạn về nhà chơi, như thế chúng ta sẽ biết con mình chơi với ai. Tôi muốn chắc chắn rằng bọn trẻ được trông nom chứ không thể để chúng chạy nhảy tùy ý. Chúng là những đứa trẻ ngoan. Tôi luôn đảm bảo chúng đã đến trường, đã làm xong bài tập về nhà. Chúng ta phải nỗ lực. Chăm sóc con cái là việc rất quan trọng của các bậc cha mẹ. Và như tôi nói, hãy cởi mở tư duy. Hãy luôn rộng mở đón chào bạn bè của con, từ đó chúng ta có thể biết được con mình đang chơi với ai, đang ở đâu và đang làm gì.

Làm sao để hòa hợp với con cái khi chúng đã lớn ư? Dễ thôi – chúng tôi yêu thương và chăm sóc nhau. Và tôi nghĩ chúng ta cũng học hỏi từ con trong quá trình đó. Tôi đã học được rất nhiều từ các con. Thế giới đã thay đổi. Hãy quan sát và lắng nghe những điều con đang nói.

Cô con gái của bà Essie lên tiếng:

Ở bên mẹ tôi vẫn vui như ngày nào! Cứ cách tuần vào ngày Chủ nhật, vợ chồng tôi lại cùng chơi bài với mẹ. Chúng tôi chơi hết mình. Và thường thì mẹ thắng. Chúng tôi không nhường cho mẹ thắng vì chúng tôi được dạy là khi thắng phải thắng thật xứng đáng. Chúng tôi chơi công bằng, nên khi mẹ thắng là mẹ thắng thật sự. Và mẹ rất tinh ý. Không lừa nổi mẹ đâu. Mẹ còn quản được chúng tôi. Chúng tôi từng tuổi này rồi nhưng mẹ vẫn quản được chúng tôi.

Khi bạn đưa ra quyết định liên quan đến việc nuôi dạy con cái, hãy nghĩ đến phần thưởng về lâu dài. Người xưa có câu, “Tay làm hàm nhai.” Những bài học của các chuyên gia cũng mang ý nghĩa đó. Hãy nghĩ đến những việc mình làm cho con (cả khi chúng còn nhỏ và khi chúng đã trưởng thành) về lâu dài. Khi đi đến những năm tháng cuối của cuộc đời, bạn thường chỉ có một mong muốn đơn giản đối với con mình, đó là các con yêu quý bạn và muốn ở cạnh bạn. Theo các chuyên gia, những điều cản trở tương lai đó diễn ra phải được né tránh tuyệt đối. Essie đã có mối quan hệ mẹ con tốt đẹp hơn 70 năm. Bạn cũng có thể làm được như vậy, vì thế hãy quyết định ngay bây giờ để bạn sẽ không hối tiếc và có được phần thưởng như Essie, Ray và nhiều chuyên gia khác.

Trích đoạn sách Sống Không Hối Tiếc – Tiến sĩ Karl Pillemer

VÌ MỘT CUỘC ĐỜI 
KHÔNG HỐI TIẾC

Quyển sách của Tiến sĩ Karl Pillemer khác với bất cứ thể loại sách hướng dẫn nào bạn từng đọc trước đây. Bởi tác giả tận dụng một nguồn thông tin độc đáo đã tồn tại cả ngàn năm qua nhưng hầu như đã bị quên lãng ở xã hội đương thời – đó là những người già thấu hiểu lẽ đời. Các bậc cao niên có nguồn kiến thức mà ít người trong chúng ta có được: họ đã sống trọn cuộc đời mình. Góc nhìn độc đáo của họ là liều thuốc giải cần thiết để “chữa trị” quan điểm thông thường về một “cuộc sống tốt đẹp” ở xã hội đương thời.

MUA SÁCH