(Trích đoạn sách Sống Không Hối Tiếc – Tiến sĩ Karl Pillemer)

Chúng ta nên làm gì để có một cuộc sống hạnh phúc nhất có thể? Những người cao tuổi hiểu đời đáp lại câu hỏi này bằng kho tàng kinh nghiệm nhiều năm chống chọi với khó khăn thử thách trong cuộc sống, những kiến thức tự mình thu thập được qua các biến cố lịch sử quan trọng và góc nhìn độc đáo khi nhìn lại quá khứ đã qua – Đó là suy nghĩ đơn giản. Trong cuốn sách Sống Không Hối Tiếc bạn sẽ tìm thấy những niềm vui đơn giản hàng ngày và học cách tận hưởng điều đó ngay bây giờ.

Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, người ta thường nghĩ đến những thứ lớn lao: mua nhà, tìm bạn đời, sinh con, có công việc mới, kiếm nhiều tiền hơn. Đến giờ thì chúng ta đã thấy là từ góc nhìn của những người già, quan điểm này thật sai lầm. Theo kinh nghiệm của họ, việc cảm thấy hạnh phúc khi một điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai chính là một cạm bẫy, và đây là điều mà một vài người trong số họ chỉ nhận ra khi họ đã đi gần hết cuộc đời. Thế nên, rõ ràng là ta nên đặt câu hỏi: Cụ thể thì chúng ta có thể làm gì để tránh cạm bẫy này? Chúng ta có chọn lựa nào khác ngoài việc chăm chăm vào những vấn đề hay thiếu sót trong cuộc sống hàng ngày hay lo nghĩ quá nhiều về tương lai đến mức phớt lờ hiện tại – để sống một cuộc đời hối tiếc?

Theo các chuyên gia, giải pháp cho vấn đề này là tăng mức độ tận hưởng cuộc sống thường nhật, ngay cả khi chúng ta đang chờ đợi một sự thay đổi. Nhiều người trong số họ đã sử dụng hình ảnh “thưởng thức” niềm vui cuộc sống, từng chút một, tương tự một người đang thưởng thức bữa ăn ngon. Từ góc độ của người già, những người trẻ chạy theo những thành quả to lớn trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Giới trẻ thường bị ám ảnh với những kế hoạch cho tương lai và sống vội đến nỗi không thể tận hưởng niềm vui trong khoảnh khắc hiện tại.

Do quỹ thời gian có giới hạn nên những người già đã quen với việc tận hưởng niềm vui trong từng giây phút, điều mà những người trẻ thường chỉ nhận ra sau khi đã đánh mất: một tách cà phê sáng, một chiếc giường ấm áp vào buổi tối mùa đông, một con chim có bộ lông sặc sỡ đang ăn trên bãi cỏ, một lá thư bất ngờ từ người bạn, thậm chí một bài hát yêu thích trên đài phát thanh (tất cả những niềm vui được đề cập trong các cuộc phỏng vấn của tôi). Dành sự chú tâm đặc biệt cho những điều “nhỏ nhặt” này sẽ tạo nên bức tranh hạnh phúc, nâng đỡ tinh thần họ mỗi ngày. Họ tin rằng những người trẻ có thể làm điều tương tự.

Đối với nhiều chuyên gia, đây là bài học họ đã học được trong thời kỳ Đại suy thoái. Quá khứ thiếu trước hụt sau đã dạy họ biết tận hưởng những niềm vui nhỏ bé. Nhu cầu và khao khát của con người ngày nay đã “phình to” đến mức khó mà làm hài lòng được những người trẻ thời hiện đại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã học được bài học “thưởng thức những điều nhỏ bé”. Một trong những cách nói mà tôi yêu thích về việc xem trọng những niềm vui nhỏ bé hàng ngày là của ông Larry Handley:

Để tôi kể nghe, vào những năm 1930, chúng tôi rơi vào Thời kỳ suy thoái. Những cuộc suy thoái ngày nay không thấm thía gì so với giai đoạn đó. Mọi người thậm chí không có đủ thức ăn. Nhiều ông bố trong vùng không có việc làm. Và chúng tôi chia sẻ với nhau những thứ nhỏ nhỏ vì chẳng ai có tiền cả. Đôi khi, chúng tôi cũng kiếm được vài xu. Có một công viên rất đẹp cách khu chúng tôi ở nửa con phố. Ở đó có nhiều hoạt động dành cho trẻ con và có một sàn trượt tuyết lớn. Có những buổi hòa nhạc được tổ chức vào mùa hè và tất cả mọi người sẽ kéo đến đó.

Những chiếc xe bán bắp rang đậu khắp công viên. Bọn trẻ chúng tôi chỉ có một đồng 5 xu và chúng tôi sẽ đứng đó một lúc lâu cân nhắc, “Mình nên mua cái gì đây?” và người bán sẽ kiên nhẫn đợi chúng tôi ra quyết định: “Mình muốn ăn bắp rang, hay kem, hay kẹo mút?” Và thỉnh thoảng, rạp chiếu phim sẽ có buổi chiếu ngày thứ Bảy cho trẻ con với giá vé là 10 xu. Và khi xem phim xong, nếu còn đồng 5 xu, chúng tôi sẽ mua kem và bắp rang. Ôi chao! Thật là một buổi chiều thứ Bảy tuyệt cú mèo!

“Ôi chao! Thật là một buổi chiều thứ Bảy tuyệt cú mèo!” Tôi khó mà lấy câu nói đó ra khỏi tâm trí. Tôi thấy hối tiếc khi quan sát nhiều đứa trẻ trở về sau khi mua sắm “thả giàn” ở khu thương mại hoặc ra khỏi rạp phim, mút lấy mút để thanh kẹo giá 10 đô-la, nhưng tôi chưa từng nghe đứa nào trong số đó thốt lên hạnh phúc, “Ôi chao! Thật là một buổi chiều thứ Bảy tuyệt cú mèo!”

Vậy nên, có thể thấy rõ sự khác biệt trong phương pháp hạnh phúc của các chuyên gia nằm ở mối tương quan với điều mà một vài người trong số họ gọi là “những điều lớn lao và những điều nhỏ bé.”

Chúng ta có thể nghĩ rằng thái độ tận hưởng như thế này cũng tốt miễn là bạn cảm thấy khỏe khoắn và yêu đời. Tuy nhiên, tôi nhận thấy trường hợp ngược lại thường xảy ra hơn. Bệnh tật hoặc thương tật mới thật sự khiến chúng ta chú ý hơn đến niềm vui thường nhật. Đối với nhiều chuyên gia, việc trân trọng những “phần thưởng” nhỏ bé trong cuộc sống đến từ những vấn đề về sức khỏe.

Ông Tamara Reed, 72 tuổi, đã trực tiếp trải qua chuyện này:

Tôi đã bệnh rất nặng, nên thật không may là phần lớn thời gian của tôi dành để chống chọi với bệnh tật. Hồi năm ngoái, tôi khổ sở vì bệnh. Tôi phải phẫu thuật não, rồi bị nhiễm trùng tim nên phải tiêm thuốc kháng sinh mỗi ngày và nằm ở trung tâm y tế một thời gian. Tôi đã học được rằng chúng ta phải thích ứng và tận hưởng những gì mình có. Nếu quan sát, ta sẽ thấy luôn có những điều có thể tận hưởng. Ta có thể ngắm vẻ đẹp của một bông hoa, nghe một bản nhạc hay. Miễn là còn có thể nhìn thấy và nghe thấy, chúng ta có thể thích ứng và trân trọng cuộc sống quý giá này.

Vậy là chúng ta nên tận hưởng niềm vui trong từng phút giây của cuộc sống và hãy để những việc lớn mà ta không kiểm soát được diễn ra một cách tự nhiên. Đó là một lời khuyên tổng quát rất hay, nhưng tôi tự hỏi liệu có cách cụ thể nào dành cho những người như tôi áp dụng góc nhìn này vào thực tế cuộc sống hay không? Tôi không phải kiểu người “tự nhiên biết tận hưởng niềm vui trong từng khoảnh khắc.” Trên thực tế, tôi có khuynh hướng tập trung vào những gì sẽ xảy đến tiếp theo. Trong lúc chạy bộ vào một ngày đẹp trời, tôi sẽ nghĩ đến bồn tắm nước nóng và cốc bia mát lạnh sau khi chạy xong. Và rồi, khi điều đó xảy ra, tôi sẽ nghĩ về công việc cho ngày hôm sau. Và khi tôi làm việc – vâng, bạn biết quy trình suy nghĩ của tôi rồi đó. Các chuyên gia khuyến khích chúng ta nên biến việc tận hưởng thành hành động có ý thức, xem niềm vui trong hiện tại là một món quà đặc biệt. Đó là sự thay đổi trong ý thức mà ta có thể củng cố hàng ngày bằng một chút nỗ lực.

Thành tố cuối cùng tạo nên bài học này là: các chuyên gia muốn bạn áp dụng góc nhìn này ngay bây giờ chứ không phải đợi đến khi tuổi già sức yếu. Ông Malcolm Campbell, 70 tuổi, đã cống hiến cả cuộc đời sự nghiệp cho công việc dạy học mà ông theo đuổi thành công ở một trường đại học danh tiếng thuộc nhóm Ivy League. Bệnh tật và cuộc hôn nhân tan vỡ ở độ tuổi 60 đã khiến ông phải suy nghĩ lại về cách sống của mình. Ông đã học cách tận hưởng và muốn thế hệ trẻ bắt đầu quá trình đó sớm hơn ông:

Có vẻ như chúng ta phải mất cả đời để học cách sống trong từng khoảnh khắc, nhưng không nên như vậy. Tôi cảm thấy mình đã quá chú trọng vào tương lai. Đó là xu hướng tự nhiên – tất nhiên là chúng ta nghĩ về tương lai, và tôi không cho đó là điều xấu. Nhưng sự thật là có rất nhiều lợi ích khi ta sống trong từng khoảnh khắc và trân trọng những gì diễn ra xung quanh ta, ngay phút giây này. Thời gian gần đây tôi đã làm điều này tốt hơn và tôi biết ơn vì điều đó. Nó mang đến sự bình yên. Nó giúp ta tìm ra vị trí của mình. Nó mang đến sự tĩnh tại trong một thế giới không mấy yên bình. Nhưng tôi ước gì mình học được điều này năm 30 tuổi thay vì năm 60 tuổi – như vậy thì tôi sẽ có thêm mấy mươi năm nữa để tận hưởng cuộc sống trên thế giới này. Đó là bài học tôi dành cho những người trẻ tuổi.

Tôi nhận thấy bài học này từ những chuyên gia là đặc biệt hay và nó đã dẫn dắt tôi có những bước tiến chậm mà chắc trong việc rèn luyện khả năng tận hưởng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Những người già khuyên chúng ta đừng xem những gì ta có là hiển nhiên, bởi không ai có thể chắc chắn về tương lai. Thay vì sống với thái độ hối tiếc – Hãy có cảm giác biết ơn vì được sống và vì vô số những niềm vui giản đơn hiện hữu từng ngày từng giờ. Phần lớn chúng ta sẽ gần như chắc chắn có được thái độ sống này vào cuối đời; vậy thì một câu hỏi đặt ra là tại sao ta không học cách tận hưởng cuộc sống ở tuổi 20 hay 30 thay vì đợi đến năm 80 hay 90 tuổi?

Trích đoạn sách Sống Không Hối Tiếc – Tiến sĩ Karl Pillemer

VÌ MỘT CUỘC ĐỜI 
KHÔNG HỐI TIẾC

Quyển sách của Tiến sĩ Karl Pillemer khác với bất cứ thể loại sách hướng dẫn nào bạn từng đọc trước đây. Bởi tác giả tận dụng một nguồn thông tin độc đáo đã tồn tại cả ngàn năm qua nhưng hầu như đã bị quên lãng ở xã hội đương thời – đó là những người già thấu hiểu lẽ đời. Các bậc cao niên có nguồn kiến thức mà ít người trong chúng ta có được: họ đã sống trọn cuộc đời mình. Góc nhìn độc đáo của họ là liều thuốc giải cần thiết để “chữa trị” quan điểm thông thường về một “cuộc sống tốt đẹp” ở xã hội đương thời.

MUA SÁCH