(Trích đoạn sách Chiến Thắng Cuộc Chơi Thế Kỷ 21 – Tác giả Jeremy Han & Adam Khoo)
Hãy xem những gì mà Tony Wagner, tác giả quyển sách Creating Innovators: The Making of Young People Who Will Change the World (Tạo Ra Những Nhà Phát Minh: Quá Trình Hình Thành Những Người Trẻ Thay Đổi Thế Giới), nói về nước Mỹ:
“Điều chúng ta cần gấp là một động cơ phát triển kinh tế mới cho thế kỷ 21. Giải pháp cho những thách thức về mặt kinh tế và xã hội của chúng ta vẫn vậy: xây dựng một nền kinh tế có thể tồn tại bền vững giúp tạo ra công ăn việc làm tốt mà không làm ô nhiễm hành tinh này. Và có một sự đồng thuận chung về nền tảng của nền kinh tế mới này. Một từ thôi: đổi mới.
Chúng ta phải trở thành quốc gia cho ra nhiều ý tưởng hơn để giải quyết nhiều loại vấn đề khác nhau. Chúng ta phải trở thành quốc gia dẫn đầu phát triển công nghệ mới vì một hành tinh bền vững và chế độ chăm sóc sức khỏe giá phải chăng. Chúng ta phải trở thành quốc gia tạo ra những sản phẩm, quy trình, dịch vụ mới và tốt hơn, những thứ mà các quốc gia khác mong muốn và cần đến. Chúng ta không còn có thể thịnh vượng bằng cách áp đảo thế giới trong sản xuất và tiêu thụ nữa. Chúng ta phải áp đảo các đối thủ kinh tế của mình trên mặt trận sáng tạo đổi mới.”
Quan điểm của ông là ngay cả đối với một cường quốc kinh tế như Mỹ thì luật chơi cũng đã thay đổi. Trước nhiều vấn đề đa dạng về kinh tế và xã hội mà Mỹ phải đối mặt, các giải pháp mà nước Mỹ cần mang tính phức tạp và có lẽ còn chưa xuất hiện. Nói vậy có cường điệu quá không? Không hề.
Sự thật là, chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà các nước đang phát triển thật sự áp đảo mọi quốc gia khác trong sản xuất và sao chép, và còn nhiều quốc gia nữa đang nóng lòng nối gót theo sau để chiến thắng cuộc chơi thế kỷ 21. Dòng chảy những người có trình độ cao tràn vào từ các quốc gia khác cũng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về việc làm trên khắp thế giới. Nếu chúng ta và con cái chúng ta hy vọng thích ứng và chiến thắng cuộc chơi thế kỷ 21 thì trớ trêu thay, chúng ta không phải học cách thích nghi mà phải nỗ lực trở nên khác biệt.
Nhưng thật khó để khác biệt. Chris Forrest Harvey, một CEO người Mỹ làm việc và sinh sống ở Việt Nam, đã viết một bài blog vào tháng Hai năm 2013 với tiêu đề “Tại Sao Người Việt Hiếm Khi Đổi Mới”. Ông nhận định rằng ảnh hưởng của xã hội lên môi trường kinh doanh chính là lý do – người Việt “sao chép và hợp tác” trong kinh doanh thay vì cạnh tranh, do đó, không có cạnh tranh thì cũng không cần đến sự khác biệt hay tạo ra giá trị, vốn là hai yếu tố thúc đẩy chính của sự đổi mới. Theo ông, “sao chép và hợp tác” là chiến lược làm những gì người khác đang làm, nhưng có sự thỏa thuận chung về giá cả để không ai nổi bật hơn ai. Bài viết của ông nhận được sự ủng hộ và cả những lời phê bình cho rằng đây là một bài phân tích nông cạn, trong khi những người khác tin rằng quan sát của ông là rất chính xác về môi trường xã hội chính trị ở Việt Nam khuyến khích sự đồng bộ, từ đó làm suy giảm tính sáng tạo.
Trích đoạn sách Chiến Thắng Cuộc Chơi Thế Kỷ 21 – Tác giả Jeremy Han & Adam Khoo
CHIẾN THẮNG CUỘC CHƠI THẾ KỶ 21
Trò chơi cuộc sống đã thay đổi đáng kể trong thế kỷ 21. Hàng triệu người tuân theo luật chơi cũ thấy mình rơi vào tình thế nhận lương thấp, thất nghiệp, bị đào thải và khánh kiệt. Quyển sách thay đổi cuộc đời này sẽ trang bị cho bạn tư duy và những kỹ năng để học hỏi và nhanh chóng thích ứng với nền kinh tế luôn biến đổi của chúng ta, để bạn có thể tận hưởng lối sống, tài chính sung túc và vô vàn cơ hội của kỷ nguyên bất định này.
Leave A Comment