Đến đây chắc chúng ta đã ít nhiều thống nhất với nhau rằng, là cha mẹ, chúng ta được trao cho quyền hạn và năng lực nuôi dưỡng con cái sao cho chúng làm chủ tay lái trong chiếc xe cuộc đời mình, cũng như chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra trong hành trình của cuộc đời. Với tư cách là “sếp” của những đứa con do mình sinh ra và nuôi nấng, bạn là người chịu trách nhiệm về sự phát triển cá nhân và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của chúng. Vậy bạn là một ông “sếp” như thế nào?

Bạn còn nhớ lần đầu tiên mình đến làm việc cho một công ty và làm việc dưới quyền một trưởng phòng hay một vị lãnh đạo nào đó không? Trong đời mình, chúng ta thường làm việc dưới quyền nhiều ông sếp khác nhau. Chúng ta kính trọng một số người này trong khi lại muốn quên đi một số người khác. Tựu trung, có ba loại sếp mà chúng ta có thể đã gặp trong đời:

1) Sếp Lúc Nào Cũng Đúng

Trong thế giới của sếp loại này chỉ có một luật duy nhất mà ai cũng phải thuộc nằm lòng: Sếp Bao Giờ Cũng Đúng. Ông ta bám cứng lấy những nguyên tắc, niềm tin của mình và không thèm đếm xỉa đến bất cứ điều gì khác, do đó ông không hề có cơ hội biết rằng thật ra người khác cũng có những ý tưởng còn hiệu quả hoặc có lý hơn. Ông không cho phép người khác (nhất là cấp dưới) vạch ra sơ suất của mình, cãi lại quyết định của mình vì ông tin rằng chân lý thì chỉ có mình ông nắm giữ mà thôi. Ông không ngại nói toẹt vào mặt bạn nếu ông nghĩ bạn làm việc gì sai. Ông cũng chẳng cần phải rào trước đón sau vì không cần để ý đến cảm nhận của người khác.

Ông quyết định tất cả mọi việc lớn nhỏ trong công ty và nhân viên của ông chỉ đơn giản là làm theo những gì được chỉ thị. Chẳng lạ gì khi nhân viên dưới quyền ông trở nên ù lỳ, thiếu sáng tạo, chẳng có gì độc đáo vì họ ít khi có cơ hội dùng đến cái đầu của mình. Công ty của ông bị đánh giá là tụt hậu vì cách quản lý cổ lỗ, bảo thủ của ông.

2) Sếp Ba Phải

Tính tình xuề xòa dễ chịu của sếp khiến ông được nhiều người dưới quyền rất khoái, trừ những lúc dầu sôi lửa bỏng đòi hỏi người đứng đầu phải đưa ra các quyết định quan trọng. Ông chần chừ mãi không dám quyết bởi vì ông hy vọng tìm ra được một giải pháp được tất cả mọi người đồng ý, nhưng điều đó thường là quá khó vì chín người mười ý. Ông quá bận tâm đến việc người khác nghĩ về mình như thế nào và những quyết định của ông sẽ ảnh hưởng ra sao đến cách thiên hạ nhìn ông.

Khi mọi việc trở nên tồi tệ, ông thà để người khác đứng ra giải quyết chứ không nhận lãnh trách nhiệm của mình. Kể cả khi cần phê bình một ai đó, ông cũng dùng những lời lẽ chung chung mơ hồ và vòng vo mãi mà vẫn không nói ra được một điều cụ thể nào.

Chỉ vì muốn chiều lòng cả bàn dân thiên hạ, ông chạy lăng xăng hết phòng ban này đến ban bệ khác trong công ty. Nếu chẳng may ông là trưởng bộ phận thì ông không mang lại điều gì có lợi cho cái chung.

3) Sếp Thấu Tình Đạt Lý

Sếp chỉ ra quyết định khi lắng nghe ý kiến của mọi người. Không giống Sếp Bao Giờ Cũng Đúng, ông ít khi đưa ra kết luận sai vì ông tập trung vào vấn đề cần xử lý chứ không phải những cá nhân có liên quan. Ông không bị cảm tính chi phối như Sếp Ba Phải vì ông biết rằng cảm tính sẽ khiến mình có những đánh giá sai lệch. Ông tìm hiểu kỹ về nhân viên dưới quyền vì ông hiểu rằng bằng cách này, ông có thể phát huy được khả năng của họ một cách tốt nhất. Ông tập trung vào việc tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho nhân viên.

Khi mọi việc trở nên xấu đi, ông tìm hiểu mọi khía cạnh của vấn đề trước khi đi đến kết luận. Ông cẩn thận để không hiểu sai lệch bất cứ thông tin nào và làm rõ những chi tiết mà ông chưa hiểu rõ. Khi ra quyết định cuối cùng, ông bảo đảm những người có liên quan đều được biết để tất cả cùng chung vai gánh vác. Ông tự hào là người công bằng và cương quyết.

Với cách quản lý này, ông được mọi người trong công ty kính trọng, kể cả khi ông đưa ra những quyết định không được lòng một nhóm thiểu số nào đó, vì họ biết rằng ông làm như vậy là vì lợi ích chung.

Trong gia đình mình, bạn cảm thấy mình là loại “sếp” nào? Một người “sếp” như thế nào mới thật sự là “Sếp Lý Tưởng” cho những đứa con của bạn? Có thể bạn nghĩ rằng Sếp Thấu Tình Đạt Lý là khuôn mẫu thích hợp nhất mà bạn cần học hỏi.

Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Trong một thế giới ngày càng “nhỏ” dần với điện thoại, Internet…, con cái chúng ta tiếp thụ cái mới (cả tốt lẫn xấu) mỗi ngày. Từ tuổi ấu thơ đến tuổi dậy thì và cuối cùng đến lúc “đủ lông đủ cánh” để bước vào thế giới người lớn, chúng kinh qua những bước thay đổi lớn và liên tục. Các bậc cha mẹ cũng phải biến đổi cùng một nhịp điệu với chúng thì mới có thể trở thành chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần cho trẻ. Thay vì “đóng khung” vào một phương pháp bất di bất dịch để giải quyết mọi vấn đề, chúng ta có thể linh hoạt vận dụng các phương thức khác nhau cho những đối tượng tiếp nhận khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, miễn sao đạt được kết quả tốt nhất.

Khi con cái chúng ta từ lúc bập bẹ biết nói đến lúc chín mười tuổi, chúng cần được sự chỉ bảo khôn ngoan và sát sao của bạn để phân biệt được phải trái, đúng sai và dần dần độc lập hơn trong việc đưa ra những lựa chọn và quyết định đúng đắn. Trong giai đoạn ấy bạn có thể phát huy vai trò của Sếp Lúc Nào Cũng Đúng. Đứa trẻ lên ba cần bạn dạy cho biết rằng, không được thò tay vào ổ cắm điện, không được cho bất cứ vật gì vào miệng, không được vứt đồ chơi lung tung. Lớn lên một chút, khi trẻ đã có cách nhìn nhận riêng của mình về thế giới, bạn có thể trở thành Sếp Thấu Tình Đạt Lý để chuyển hóa nhận thức của chúng. Bởi vì ở tuổi teen, trẻ không còn nghĩ cha mẹ mình bao giờ cũng đúng nữa.

Đó là lúc chúng bắt đầu đặt ra câu hỏi “tại sao” cho rất nhiều việc mà trước đó chúng mặc nhiên cho là đúng và đến lượt mình, chúng bắt đầu muốn đưa ra quyết định riêng. Chỉ khi nào chúng cảm thấy bạn đúng, chúng mới toàn tâm toàn ý nghe theo và lúc ấy bạn mới mong con mình có một sự chuyển mình thật sự.

THẢM HỌA LÃNH ĐẠO

Trong bao năm qua, chắc hẳn bạn đã thấy nhiều quyển cẩm nang “nên làm gì” trong kinh doanh. Quyển sách Thảm Họa Lãnh Đạo này nói về phần còn lại của câu chuyện. Đây là quyển cẩm nang “không nên làm gì”. Trong quyển sách dày công nghiên cứu này, hai tác giả Weinzimmer và McConoughey đã mang đến những lời khuyên chân thành nhưng thẳng thắn giúp các nhà lãnh đạo rút ra bài học từ những sai lầm của mình, trước khi cái giá phải trả trở nên quá lớn. Đây là quyển sách gối đầu giường dành cho các nhà lãnh đạo ham học hỏi, dù là còn non hay đã dày dạn kinh nghiệm.

MUA SÁCH