(Trích đoạn sách Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn – Bác sĩ David D. Burns)

Khi bạn mắc chứng trầm cảm, bạn sẽ không ngừng chỉ trích bản thân. Điều này diễn ra dưới dạng đối thoại nội tâm mà trong đó bạn không ngừng hành hạ bản thân một cách thô bạo và vô lý. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp triệu chứng trầm cảm xuất hiện là do sự chỉ trích từ bên ngoài. Vậy bạn sẽ nói gì khi bị người khác công kích? Làm cách nào để ứng phó với các tình huống khó khăn mà vẫn nâng cao ý thức tự chủ và lòng tự tin của bạn? Sau đây là những bước giúp bạn phản biện khi bị công kích do bác sĩ David D. Burns chia sẻ trong sách Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn:

Bước 1 – Cảm thông

Khi ai đó chỉ trích hoặc công kích bạn, động cơ của họ có thể là muốn giúp đỡ bạn, hoặc làm tổn thương bạn. Những lời nói của họ có thể đúng hoặc sai, hoặc lơ lửng ở giữa. Nhưng thật không khôn ngoan khi tập trung vào các vấn đề này ngay từ đầu. Thay vào đó, hãy ghi nhớ quy tắc đầu tiên này – ngay cả khi bạn cảm thấy lời chỉ trích là hoàn toàn bất công, thì cũng hãy phản ứng bằng sự cảm thông qua những câu hỏi cụ thể. Hãy tìm hiểu xem chính xác người chỉ trích muốn nói gì. Nếu người đó đang giận sôi máu thì họ có thể ném cho bạn vô số những quy chụp, thậm chí rất thô tục. Dù vậy, hãy cứ hỏi thêm thông tin. Những lời lẽ đó có ý gì? Tại sao người đó lại gọi bạn là “đồ tồi”? Bạn đã khiến người đó khó chịu như thế nào? Bạn đã làm gì? Bạn làm vậy khi nào? Bạn có thường xuyên làm điều đó không? Còn điều gì khác ở bạn khiến người đó không thích? Hãy tìm hiểu xem hành động của bạn mang ý nghĩa gì đối với họ. Hãy cố gắng nhìn thế giới qua lăng kính của người chỉ trích. Phương pháp này thường sẽ giúp xoa dịu cơn giận đang ngùn ngụt của đối phương và lót đường cho một cuộc trao đổi có lý lẽ hơn.

Bước 2 – Xoa dịu người chỉ trích

Nếu có người chĩa súng vào bạn, thì bạn có 3 lựa chọn: đứng lên và bắn trả – điều này thường dẫn đến cuộc chiến và gây thiệt hại cho cả đôi bên; bỏ chạy hoặc né đạn – điều này thường khiến bạn cảm thấy nhục nhã và mất đi lòng tự trọng; bình tĩnh và khéo léo tước vũ khí của đối thủ. Vậy làm thế nào để đối phương không còn cớ để tấn công, bạn sẽ là người thắng cuộc, và đối thủ của bạn cũng thường cảm thấy họ cũng chiến thắng. Làm thế nào để đạt được điều này? Rất đơn giản: Cho dù người chỉ trích bạn đúng hay sai, thì trước hết hãy tìm cách đồng tình với họ.

Giả sử người công kích bạn đang đưa ra những lời bất công và vô lý. Bạn có thể đồng tình chung chung với lời chỉ trích đó, hoặc bạn tìm một vài manh mối sự thật trong đó và đồng tình với điều đó, hoặc bạn thừa nhận rằng cảm giác khó chịu của họ hoàn toàn có thể hiểu được vì nó dựa trên cách nhìn nhận của họ về tình huống đó. Tôi có thể minh họa điều này rõ nét nhất bằng cách tiếp tục trò nhập vai; bạn công kích tôi, nhưng lần này hãy nói những điều mà về cơ bản là không đúng sự thật. Theo quy tắc của trò chơi, bạn phải (1) tìm cách đồng tình với bất kỳ điều gì mà bạn nói ra; (2) tránh tỏ ra mỉa mai hoặc chống chế; (3) luôn luôn nói sự thật. Lời nói của bạn có thể trái tai và thô lỗ đến mức nào cũng được.

Ban đầu, bạn có thể thấy rằng mặc dù quyết tâm áp dụng các phương pháp này, nhưng khi bị chỉ trích trong thực tế, bạn sẽ vướng vào những cảm xúc và thói quen cũ. Đây là điều có thể thông cảm được. Tuy nhiên, quan trọng là sau đó bạn phải phân tích những sai lầm của mình để xét xem mình có thể ứng phó với tình huống khác đi ra sao, như những gì đã được hướng dẫn. Thật hữu ích nếu sau đó bạn cùng một người bạn nhập vai vào tình huống khó xử đó để vận dụng nhiều kiểu phản ứng khác nhau cho đến khi thành thạo một phương pháp khiến bạn thấy thoải mái.

Bước 3 – Phản hồi và thương lượng

Một khi đã lắng nghe người chỉ trích, hãy áp dụng phương pháp cảm thông và xoa dịu họ bằng cách đồng ý với họ theo cách nào đó, bạn sẽ có ưu thế giải thích quan điểm cũng như cảm xúc của bạn một cách khéo léo nhưng chắc chắn, đồng thời thương lượng về bất kỳ điểm bất đồng nào giữa hai người.

Giả sử người chỉ trích hoàn toàn sai, bạn có thể trình bày quan điểm của mình một cách khách quan và thừa nhận bạn có thể sai lầm. Hãy để mâu thuẫn dựa trên nền tảng của sự thật chứ không phải dựa vào tính cách hay lòng kiêu hãnh. Hãy nhớ rằng, sai lầm của đối phương không khiến họ trở thành kẻ ngu xuẩn, vô dụng hay kém cỏi. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể hoàn toàn sai và người chỉ trích đúng. Trong tình huống đó, người chỉ trích hẳn sẽ thấy tôn trọng bạn hơn nhiều nếu bạn đồng tình với lời phê bình một cách chắc chắn, cảm ơn đối phương vì đã cho bạn biết thông tin đó, và xin lỗi vì những tổn thương mà bạn đã gây ra. Điều này có vẻ như là một việc ai cũng biết từ lâu (và nó đúng là như vậy), nhưng nó mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc.

Đến đây, có thể bạn lên tiếng chất vấn, “Nhưng chẳng lẽ tôi không có quyền bảo vệ bản thân khi bị người khác chỉ trích hay sao? Bạn thật sự có quyền bảo vệ bản thân một cách quyết liệt trước những lời chỉ trích, và có quyền nổi giận với bất kỳ ai bạn muốn vào bất kỳ lúc nào bạn thích. Tuy nhiên, cơn giận bùng nổ khiến bạn cảm thấy dễ chịu trong chốc lát, nhưng bạn có thể thất bại sau này khi chặn mất đường lui của mình. Bạn khiến tình huống trở nên cực đoan một cách hấp tấp và không cần thiết, và đánh mất cơ hội được biết điều mà người chỉ trích đang cố gắng thổ lộ. Và tồi tệ hơn, bạn có thể rơi vào trạng thái trầm cảm và tự trừng phạt bản thân một cách thái quá vì cơn nóng giận của chính mình.

Phương pháp ngăn chặn kẻ bắt bẻ

Việc áp dụng các kỹ thuật được nêu ra trong phần này đặc biệt hiệu nghiệm cho những ai làm công việc liên quan đến giảng dạy hoặc diễn thuyết. Mặc dù những lời nói của bạn thường được đón nhận nồng nhiệt, nhưng thỉnh thoảng bạn cũng gặp một người ưa bắt bẻ trong số khán giả. Nhận xét của kẻ bắt bẻ thường có các đặc điểm sau:

  1. Mang nặng tính chỉ trích, nhưng lại có vẻ không chính xác hoặc không liên quan đến vấn đề được trình bày;
  2. Thường xuất phát từ một người không được chấp nhận hoặc tôn trọng trong nhóm bạn bè đồng nghiệp của họ; và
  3. Được diễn đạt theo kiểu kẻ cả, lăng mạ.

Do đó, phương pháp ngăn chặn kẻ bắt bẻ nhằm khéo léo áp dụng để khiến kẻ đó im lặng, để các khán giả còn lại có cơ hội nêu lên thắc mắc của mình.

  1.  Lập tức cảm ơn người đó vì lời nhận xét của họ;
  2. Thừa nhận rằng ý kiến mà người đó đưa ra thật sự quan trọng; và
  3. Nhấn mạnh rằng cần phải tìm hiểu thêm thông tin về các ý kiến đó, đồng thời khuyến khích kẻ bắt bẻ tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về chủ đề này.
  4. Cuối cùng, mời kẻ bắt bẻ trao đổi quan điểm của anh ấy hoặc cô ấy với tôi chi tiết hơn sau khi kết thúc buổi diễn thuyết.

Mặc dù không có phương pháp nào có thể đảm bảo một kết quả tốt đẹp, nhưng tôi hiếm khi thất bại trong việc đạt được hiệu quả mà mình mong muốn khi áp dụng kỹ thuật tích cực này. Trên thực tế, những kẻ bắt bẻ thường đến gặp bạn sau buổi diễn thuyết để khen tặng và cảm ơn vì những lời nhận xét tử tế của bạn. Đôi khi, chính kẻ bắt bẻ lại là người thể hiện sự cảm kích về bài nói chuyện của bạn nhất.

Trích đoạn sách Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn – Bác sĩ David D. Burns

ĐỪNG ĐỂ TRẦM CẢM TẤN CÔNG BẠN

70% bệnh nhân mắc chứng trầm cảm sau khi đọc quyển sách này đã có nhiều cải thiện trong vòng bốn tuần, dù không theo bất kỳ liệu trình thuốc men nào cả. Trong tác phẩm này, vị bác sĩ xuất chúng ngành tâm thần học David D. Burns sẽ cung cấp những phương pháp khoa học vượt bậc ngay lập tức giúp bạn cải thiện trạng thái tinh thần, triệt tiêu cảm xúc tiêu cực, thấu hiểu tâm trạng của bản thân, vượt qua những mặc cảm tội lỗi và có cách nhìn tích cực về cuộc sống để vui sống hơn mỗi ngày.

MUA SÁCH