Hãy dùng hai bàn tay của bạn tạo thành một ô cửa sổ nhỏ, đưa ngang tầm mắt và nhìn vào bức ảnh bạn vừa “chụp” được thông qua khung hình đó. Hãy xem xét nó cẩn thận, chú ý đến từng chi tiết, toàn bộ kết cấu của bức ảnh. Xong chưa? Tốt lắm. Hãy nhìn nó thêm một lúc nữa, khắc sâu vào tâm trí – rồi thả hai tay xuống. Bây giờ bạn hãy nhìn quanh. Tấm ảnh vừa nãy đi đâu rồi?

Dùng ngón trỏ và ngón cái của bạn làm thành một vòng tròn và nhìn qua đó chỉ bằng một mắt. Giữ một lúc đủ lâu để nó khắc vào tâm trí bạn. Thả tay ra. Bức tranh ấy giờ ở đâu?

Một bức tranh được xác định bởi đường viền của nó. Kích thước và hình dáng của khung ngắm cho biết bạn nhìn thấy những gì. Ý nghĩa của thực tại phụ thuộc vào cách ta nhìn nó. Nhìn một mẩu vụn bánh mì qua kính hiển vi là một trải nghiệm rất khác với việc nhìn những mẩu vụn bánh còn sót lại trên bàn ăn.

Điều bạn thấy tại bất kỳ thời điểm nào không chỉ phụ thuộc vào những thứ hiện diện ở đó, mà còn bởi những gì bạn lựa chọn để nhìn. Bức tranh mà bạn “đóng khung” bằng đôi tay của mình chỉ là một phần của những gì thấy được. Bằng cách “tập trung” vào một phần nhất định của khung cảnh, bạn thay đổi “thực tế” trước mắt bạn.

Những gì bạn chụp được trong một bức ảnh đại diện cho những gì “thật sự” đang tồn tại ở đó, nhưng bạn giải nghĩa cho nó theo cách của bạn, lựa chọn giữ lại cái gì và loại bỏ cái gì. Tấm hình của bạn được xác định bởi chiếc khung bạn chọn cho nó: những gì bạn thấy và cách bạn giải nghĩa cho nó.

Chúng ta đóng khung cho những bức ảnh; chúng ta cũng đóng khung cho ngôn từ. Cách bạn nói về một điều gì đó cũng quan trọng không kém nội dungbạn đang đề cập. “Chiếc khung” ấy có thể là giọng nói, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể hoặc những từ ngữ cụ thể mà bạn dùng.

“Anh làm ơn nói nhỏ một chút được không?” chắc chắn khác hẳn câu “Im mồm đi!” mặc dù ý định của tôi không có gì khác với hai câu nói đó. Điều tôi muốn là được yên tĩnh một chút, nhưng cái cách tôi yêu cầu – cái cách tôi “đóng khung” cho yêu cầu của mình (thông qua hành vi) – sẽ quyết định yêu cầu của tôi có được đáp ứng hay không.

Chuyển hoá ý nghĩa là cách thay đổi nhận thức của bạn về một trải nghiệm – thay đổi ý nghĩa bằng cách thay đổi cách thức trình bày. Vấn đề là nói như thế nào chứ không phải nói cái gì. Chúng ta sắp đặt mọi thứ khác đi; chúng ta thay đổi hành vi nhằm đạt được mục đích.

Tuy chuyển hóa ý nghĩa bằng lời có thể ngay lập tức thay đổi tác động của một vấn đề, nhưng nó không phải là phương án giải quyết vấn đề tận gốc rễ. Để làm được điều đó, bạn phải tạo ra một kênh giao tiếp mở giữa ý thức và vô thức.

Chuyển hóa ý nghĩa không thay đổi phản ứng mà chỉ thay đổi ý nghĩa của vấn đề. Không giải quyết vấn đề theo ý nghĩa cũ nữa, chúng ta đi tìm gốc rễ sâu xa của vấn đề, xem triệu chứng (hoặc hành vi hoặc phản ứng) đơn giản là dấu hiệu của một quá trình mà nó là đại diện. Với chuyển hóa ý nghĩa, chúng ta thay đổi ý nghĩa của vấn đề. Chúng ta dùng nó như một cách giao tiếp với phần của cái tôi vô thức, để chúng ta có thể công nhận sự tồn tại của nó và đưa nó vào vùng ý thức. Chúng ta hỏi: Việc này đang mang lại điều gì cho mình? Đâu là ý định tích cực của nó?

PHÁT HUY TIỀM NĂNG CÙNG NLP (2 tập)

Với quyển cẩm nang về trí não này, bạn sẽ học được một số kỹ thuật hiệu quả để điều khiển tâm trí chính mình và người khác, đồng thời “tái lập trình” bản thân. Ứng dụng NLP vào đời sống, bạn có thể làm mọi thứ bạn mơ ước, giải quyết những khó khăn, thay đổi thói quen và lật cuộc đời sang một trang khác. Bởi vì NLP tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt, thay vì đào bới lại quá khứ, thế nên kết quả đạt được rất nhanh, có khi ngay lập tức, gần như một phép lạ!

MUA SÁCH