(Trích đoạn sách Chia Tay Không Phải Là Tận Thế – Tác giả Susan J. Elliott)
Thời gian không chữa lành mọi vết thương. Nếu thời gian có thể làm điều đó, nỗi u buồn và tổn thương trong quá khứ sẽ không khiến bạn đau khổ hết lần này đến lần khác, mãi đến tận bây giờ. Bạn không xử lý nỗi đau thì nó sẽ không mất đi; nó sẽ ở lại bên trong và mưng mủ. Trong cuốn sách Chia Tay Không Phải Là Tận Thế, bạn sẽ học được rằng nếu mỗi lần bị tổn thương mà bạn lại chối bỏ điều đó, thì trong lòng bạn sẽ chồng chất nỗi đau. Điều đó khiến bạn ngày càng khó đương đầu với nỗi đau hơn.
Lý do mọi người sợ bị tổn thương thường là vì họ chưa xử lý những nỗi buồn còn chất chứa trong lòng. Cuộc sống của họ trở nên gò bó hơn, nỗi sợ lớn hơn, và họ khó đưa ra sự lựa chọn hơn. Khi nỗi đau còn thống trị, bạn còn khó kết thân và tin tưởng người khác. Giải quyết được những tổn thương, bạn sẽ không còn lo sợ, nhờ đó mà bạn sẽ có được các mối quan hệ vui vẻ và lành mạnh hơn.
Hầu hết các khách hàng mà tôi điều trị đều kìm nén mà không thừa nhận đau buồn hay không chịu đối diện với mất mát sau đổ vỡ. Ban đầu, quá trình chữa lành sẽ rất khó khăn, vì bạn phải đối diện với cảm xúc thật bên trong. Nhưng một khi biết cách đương đầu với mất mát, bạn sẽ nhận ra rằng mất mát không phải là bước đường cùng; bạn có thể vượt qua nó. Một khi đã vượt qua nỗi mất mát to lớn, bạn sẽ không còn sợ sệt, mà thay vào đó mở lòng đón nhận tình huống mới và mối quan hệ mới, yêu hết mình và biết cho đi.
Hãy nỗ lực kiềm chế để không lấp đầy khoảng trống bằng những thứ không phù hợp. Hãy đối diện với nỗi buồn, khẳng định bản thân, có thái độ lạc quan về cuộc sống và phát triển các mục tiêu, bạn sẽ đứng dậy được sau vấp ngã để trở thành một người tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn và giàu có hơn. Đây là hành trình bạn phải đi để chữa lành bản thân và thay đổi cuộc đời mình.
Các Giai Đoạn Đau Buồn
Chỉ cần biết rằng những gì mình đang trải qua là điều rất đỗi tự nhiên và rằng nỗi buồn đau nào cũng sẽ đến hồi kết thúc. Giai đoạn đầu của đau buồn là sốc và cảm thấy khó tin; giai đoạn giữa là chiêm nghiệm và từ bỏ; và giai đoạn cuối là biết chấp nhận và sắp xếp lại cuộc sống.
Các giai đoạn không được đóng khung rạch ròi mà khá linh hoạt. Mọi người thường dịch chuyển qua lại giữa ba giai đoạn ấy. Điều này đặc biệt đúng ở giai đoạn giữa, nơi có nhiều chuyển biến cảm xúc. Nỗi đau buồn giống như một vòng lặp; bạn chuyển tới chuyển lui qua các giai đoạn ấy vài lần cho đến khi cuối cùng, bạn dứt khoát thẳng tiến sang giai đoạn thoát ly
Giai Đoạn 1: Sốc Và Cảm Thấy Khó Tin
Nếu đổ vỡ đến đột ngột, đôi khi đầu óc ta tê dại. Tâm trí ta đóng sập cửa và từ chối đối diện với hiện thực trong một khoảng thời gian: một phút, một giờ, một ngày, hàng tuần hay hàng tháng. Cơn sốc là một cơ chế bảo vệ bạn trước đợt cảm xúc dồn dập ập đến. Thường thì nó sẽ tự lắng dịu, nhưng đôi lúc, thừa nhận nỗi đau là việc cần làm để bước ra khỏi giai đoạn sốc. Bạn nên cố gắng chấp nhận rằng nhiều khả năng là bạn không thể hàn gắn tình xưa, và đã tới lúc bạn phải thoát khỏi vòng mê muội. Hãy hiểu rằng những gì qua đi sẽ không trở lại, cả lúc này và có lẽ mãi mãi về sau.
Giai Đoạn 2: Chiêm Nghiệm Và Từ Bỏ
Để buông bỏ mối quan hệ này, bạn phải nhìn nhận đúng bản chất của nó. Tâm trí cứ nghĩ về quãng thời gian yêu nhau sẽ khiến bạn kiệt sức. Mặc dù chia tay không phải là tận thế, nhưng bạn nhớ lại cảnh chia tay hết lần này đến lần khác, hoặc bạn hồi tưởng những phút giây hạnh phúc. Tâm trí liên tục “chuyển cảnh” qua lại giữa đổ vỡ và nồng thắm.
Việc nghĩ ngợi liên tục này có vẻ khiến bạn phát điên, nhưng ngạc nhiên thay, về mặt tâm lý, đây lại điều rất cần thiết để bạn có thể giải quyết và vượt qua chuyện cũ. Tình trạng ấy sẽ không kéo dài tới cuối đời và cũng không có nghĩa là bạn sẽ phải chịu thua. Tất cả những điều này nói lên rằng bạn đang trong quá trình bước qua đổ vỡ. Tuy nghe có vẻ điên rồ và ngược đời, nhưng việc nghĩ ngợi liên tục là để bạn đi đến quyết định từ bỏ chứ không phải để bám víu. Viết nhật ký sẽ giúp bạn ổn định suy nghĩ, nhưng bạn còn phải tập thói quen lập danh sách và theo dõi lịch trình. Nếu trước đây bạn chưa bao giờ sắp xếp công việc đâu ra đó thì giờ tình hình sẽ còn tệ hơn, thế nên, đã đến lúc bạn cần viết mọi chuyện ra giấy và bạn sẽ hiểu ra rằng ký ức của bạn chưa vận hành theo một trật tự phù hợp.
Giai Đoạn 3: Biết Chấp Nhận Và Sắp Xếp Lại Cuộc Sống
Đây là giai đoạn đau buồn cuối cùng. Nhưng việc bước vào giai đoạn này không hẳn có nghĩa là bạn cảm thấy hạnh phúc; nó chỉ có nghĩa là bạn đang từng bước tiến về phía trước và tìm thấy yên bình sau đổ vỡ.
Sớm thôi, bạn sẽ lật sang một chương mới và có thể giúp chữa lành cho những người khác. Hãy để mọi người biết rằng quá trình vượt qua mất mát của bạn rất đau đớn, rất vất vả nhưng phần thưởng cũng rất tuyệt vời. Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với những ai vừa mới khởi đầu cuộc hành trình, để họ cũng đến được nơi chốn bình yên như bạn đã đến.
Trích đoạn sách Chia Tay Không Phải Là Tận Thế – Tác giả Susan J. Elliott
CHIA TAY KHÔNG PHẢI TẬN THẾ
Được đúc kết từ những thất bại đau thương nhất trong tình trường của tác giả, quyển sách này dành cho những ai muốn biết cách vượt qua đổ vỡ trong các mối quan hệ để làm lại cuộc đời và thu hút tình yêu mà bạn xứng đáng có được. Cho dù bạn châm ngòi cuộc đổ vỡ hoặc do đối phương. Dù nguyên nhân nằm ở bên nào đi nữa, thì trong lòng bạn cũng chất chứa nỗi đau. Bạn xứng đáng có được nhiều hơn thế. Và quyển sách này sẽ chỉ bạn cách có được những điều đó.
Leave A Comment