(Trích đoạn sách Thảm Họa Lãnh Đạo – Tác giả Weinzimmer và McConoughey)

Khi nào thì nhà lãnh đạo là kẻ bắt nạt và khi nào đơn thuần là một người sếp quyết đoán? Nhà lãnh đạo có thể đánh giá năng lực làm việc một cách thẳng thắn, nhưng điều đó không biến ông ta thành kẻ “đầu gấu” – một thảm họa lãnh đạo nơi công sở. Nhà lãnh đạo có thể đưa ra thời hạn công việc mà nhân viên thấy phi lý nhưng trên thực tế, đó không phải là dấu hiệu chèn ép. Trong trường hợp này, phép thử đơn giản là nhân viên cảm thấy có thể trao đổi về thời hạn công việc với lãnh đạo ngay cả khi anh ta không được làm theo ý muốn. Nhưng hãy lưu ý rằng điều này không có nghĩa là nhà lãnh đạo phải điều hành công ty theo kiểu dân chủ. Mỗi quyết định không nhất thiết phải được đưa ra thảo luận; trên thực tế, một số nhà lãnh đạo thành đạt thường thẳng thắn đưa ra những mệnh lệnh được cấp dưới tuân theo mà không hề thắc mắc. Nhưng những người sếp này là các nhà lãnh đạo quyết đoán chứ không phải là kẻ bắt nạt.

Cả Oprah WinfreyCEO Alan Mulally của hãng Ford đều có tiếng là những người buộc nhân viên phải làm việc đàng hoàng, nhưng họ thuộc về hạng mục quyết đoán hơn là hạng mục ức hiếp người khác.

Ví dụ, khi Mulally tiếp quản Ford, ông tổ chức họp định kỳ hàng tuần với cấp dưới. Để có cái nhìn bao quát về  những vấn đề cần thảo luận, họ sử dụng một biểu đồ được tô màu khác nhau dựa trên tiến độ công việc. Mảng công việc nào không theo kịp tiến độ sẽ được tô màu đỏ, màu cam hoặc màu vàng tùy theo mức độ nghiêm trọng. Nếu mảng công việc đó tiến triển đúng như kế hoạch, họ sẽ tô màu xanh lá cây và lướt qua nhanh phần này.

Thoạt đầu, tất cả các mảng công việc đều được tô màu xanh lá, nhưng Mulally biết không thể nào mà mọi việc đều đúng theo kế hoạch, bởi họ đã thua lỗ một khoản tiền lớn vào năm ngoái. Ông hỏi, “Có bất kỳ chỗ nào không ổn không?” và nhấn mạnh rằng mọi người hoàn toàn có thể tô màu vàng hoặc màu đỏ cho mảng công việc mình phụ trách. Tuần kế tiếp, có người tô màu đỏ cho phần việc mình đảm trách vì sản xuất trễ nãi. Theo Mulally, cả gian phòng lúc ấy im lặng như tờ, ai nấy đều ở trong trạng thái đề phòng: “Mullaly sẽ làm gì đây?” “Liệu Mark [người tô đỏ mảng công việc của mình] có bị sa thải không?” Lúc đó, Mulally vỗ tay rồi nói, “Như vậy là rất minh bạch, Mark. Chúng tôi có thể giúp gì cho anh?” Mọi người bắt đầu bàn bạc về giải pháp và ý tưởng, và đến cuộc họp lần sau, mảng công việc tô đỏ ấy đã được cải thiện.

Mulally là hình mẫu đại diện cho nhà lãnh đạo quyết đoán không “lấn” sang lằn ranh ỷ mạnh hiếp yếu. Ông tạo ra môi trường hỗ trợ chứ không phải trừng phạt, và hệ thống mã hóa bằng màu sắc là một cách hay để làm được điều đó. Nhưng ông cũng thừa nhận, “Tinh thần chịu trách nhiệm [trong hệ thống mã hóa bằng màu sắc] là rất cao.” Nếu mảng công việc của một người có vấn đề, họ không thể che giấu mà phải xử lý trước mặt mọi người. Đó không phải là thảm họa lãnh đạo, là lãnh đạo nghiêm khắc, quyết đoán, nhưng nếu Mulally là kẻ bắt nạt thì sẽ chẳng có ai đủ dũng khí để tô đỏ mảng công việc của mình. Và họ sẽ không bao giờ có được sự hỗ trợ của đồng nghiệp để giải quyết vấn đề.

Việc xác định một người là kẻ bắt nạt còn tùy vào bối cảnh. Hành vi bắt nạt xảy ra trong môi trường nào? Nếu công ty nơi bạn làm lãnh đạo lâm vào khủng hoảng, bạn có thể phải trở nên cực kỳ cương quyết để phá vỡ thói quen hành vi của nhân viên. Việc khuấy động và đưa mọi người ra khỏi vùng thoải mái vốn có của mình là điều cần thiết, thậm chí đáng ngưỡng mộ. Nhà lãnh đạo ấy có thể bảo nhân viên rằng áp lực về đối thủ cạnh tranh là không có thật và nếu không đạt đến một cột mốc nhất định, công ty sẽ ngừng hoạt động. Nếu thông tin này là đúng, vậy thì nhà lãnh đạo không mắc lỗi bắt nạt, mà là họ đang mở lòng, trung thực và giao tiếp cởi mở với đội ngũ nhân viên. Họ muốn kêu gọi mọi người đồng tâm hiệp lực vượt qua hoàn cảnh khốn khó chung. Tuy nhiên, nếu công ty đang “sóng yên biển lặng,” thì thông tin đó sẽ không còn mang tính chuẩn xác hay hữu ích nữa mà là mang tính đe dọa.

Trích đoạn sách Thảm Họa Lãnh Đạo – Tác giả Weinzimmer và McConoughey

THẢM HỌA LÃNH ĐẠO

Trong bao năm qua, chắc hẳn bạn đã thấy nhiều quyển cẩm nang “nên làm gì” trong kinh doanh. Quyển sách Thảm Họa Lãnh Đạo này nói về phần còn lại của câu chuyện. Đây là quyển cẩm nang “không nên làm gì”. Trong quyển sách dày công nghiên cứu này, hai tác giả Weinzimmer và McConoughey đã mang đến những lời khuyên chân thành nhưng thẳng thắn giúp các nhà lãnh đạo rút ra bài học từ những sai lầm của mình, trước khi cái giá phải trả trở nên quá lớn. Đây là quyển sách gối đầu giường dành cho các nhà lãnh đạo ham học hỏi, dù là còn non hay đã dày dạn kinh nghiệm.

MUA SÁCH