Không có quyết định đúng hay sai, mà chỉ có một thực tế là: Bạn nỗ lực đến đâu trong việc tìm kiếm một quyết định. Rồi sau đó, bạn dám chịu trách nhiệm và chiến đấu đến đâu vì quyết định của mình.

Tôi khao khát trở thành một doanh nhân đúng nghĩa. Đó không chỉ là một mong muốn, mà đó là một mơ ước thật sự. Trong khi ấy, “là một doanh nhân đúng nghĩa” và “có công ăn việc làm ổn định” dường như là hai vế quá đối lập nhau. Sau những khóa học kỹ năng, tôi xác định được rằng, mình không thể quá tham lam và thiếu thực tế khi vừa muốn có công ăn việc làm ổn định vừa mong một ngày nào đó xa xôi mình có thể sống vì ước mơ của mình.

Nếu tôi muốn có một cuộc sống hoàn toàn khác, tôi phải dám hành động theo cách hoàn toàn khác. Chính vì vậy, tôi phải đối diện với một quyết định quan trọng trong sự nghiệp của mình: “Liệu tôi có nên bỏ công việc ổn định lương tốt vì ước mơ của mình, hay tôi sẽ từ bỏ ước mơ của mình vì công việc ổn định lương tốt?”. Quyết định khó khăn này khiến cho tôi phải trăn trở suy nghĩ rất nhiều, và vô tình từ những suy nghĩ đó, tôi học được đôi điều về việc ra quyết định.

Khi phải ra quyết định, chúng ta thường quan tâm đến quyết định ấy đúng hay sai. Nhưng rất tiếc là trong cuộc sống, khi bạn quyết định một điều gì đó quan trọng, bạn không thể nói được ngay rằng quyết định ấy là đúng hay là sai, mà chỉ có thể nói quyết định ấy thiếu hay có đủ thông tin mà thôi. Dĩ nhiên trong thực tế, hiếm khi chúng ta có được đầy đủ thông tin những khi thật sự cần phải quyết định một việc gì đó. Do đó, thường có hai kiểu người.

Kiểu người thứ nhất quyết định ngay, quyết định càng sớm càng tốt, dựa trên những thông tin mình đang có. Nếu anh ta đúng, anh ta sẽ được khen là quyết đoán. Nếu anh ta sai, anh ta sẽ bị chê là hồ đồ.

Kiểu người thứ hai sẽ cố gắng trì hoãn quyết định của mình càng lâu càng tốt để chờ thêm thông tin. Nếu anh ta đúng, anh ta sẽ được khen là suy nghĩ chín chắn. Nếu anh ta sai, anh ta sẽ bị chê là thiếu quyết đoán, không nắm bắt được cơ hội.

Đi tìm điểm cân bằng giữa hai kiểu người nói trên mới là cái khó của việc ra quyết định. Cách tìm điểm cân bằng tốt nhất là dựa vào kinh nghiệm của chính cá nhân bạn trong quá khứ.

Nếu bạn đã từng nhiều lần phải gánh chịu hậu quả nhiều hơn là gặt hái thành quả từ những quyết định đầy tính “quyết đoán” của mình, thì hãy tự nhắc mình: “Nếu không nhất thiết phải quyết định ngay hôm nay, thì hãy chờ thêm một ngày nữa và tìm kiếm thêm thông tin”.

Ngược lại, nếu bạn đã từng nhiều lần làm vuột mất cơ hội vì luôn mong rằng quyết định của mình phải “được suy nghĩ chín chắn” nhất có thể, thì hãy tự nhắc mình: “Liệu chờ thêm một ngày nữa có làm mình lãng phí thời gian mà lẽ ra mình đã phải bắt tay vào hành động để nắm lấy cơ hội này hay không?”

Một khi bạn tin rằng mình đã tìm ra điểm cân bằng về thời điểm ra quyết định rồi, thì hãy nhanh chóng quyết định chứ đừng để cơ hội trôi qua. Bỡi lẽ ngay cả khi chúng ta có rất nhiều thông tin chính xác trong hiện tại, nhưng có thể trong tương lai khi hoàn cảnh thay đổi, những gì chính xác hôm nay có thể sẽ không còn chính xác nữa, những gì tốt hôm nay có thể sẽ không còn tốt nữa. Chính vì thế, nếu nói một cách ngắn gọn thì trong đa số hoàn cảnh, vấn đề không phải là bạn có đưa ra một quyết định đúng hay không, mà vấn đề là ở chỗ bạn có dám quyết định hay không.

Dĩ nhiên, trong những trường hợp quan trọng, ai cũng muốn đưa ra một quyết định đúng đắn, nhưng thật sự mọi chuyện không phải đơn giản. Bởi vì, một quyết định hệ trọng khi đã “quyết” sẽ đòi hỏi ở bạn rất nhiều nỗ lực để thật sự trở thành “quyết định đúng”. Ví dụ: Nếu bạn quyết định bỏ việc ngay bây giờ để trở thành doanh nhân, quyết định ấy là đúng hay sai? Câu trả lời là : “Tùy!”. Nếu bạn không nỗ lực, bạn vừa mất thu nhập ổn định, vừa chẳng kinh doanh được gì. Quyết định của bạn sẽ trở thành một sai lầm. Ngược lại, nếu bạn thật sự nỗ lực hết mình và trở thành một doanh nhân thực thụ. Quyết định của bạn sẽ trở thành một quyết định đúng đắn.

Cho nên, vấn đề tiếp theo không phải là bạn có dám quyết định hay không, mà vấn đề ở chỗ là bạn có dám sống và chiến đấu để biến quyết định của mình thành quyết định đúng hay không.

Còn nếu bạn chần chừ mãi không dám ra quyết định và không dám chiến đấu vì quyết định của mình thì sao? Thật ra, bản thân sự chần chừ cũng là “một dạng quyết định” mà không phải ai cũng nhìn thấy. Ở đây có thể xem là “quyết định chờ xem sao”. Cũng như bất kỳ quyết định nào khác, “quyết định chờ xem sao” rồi cũng sẽ dẫn đến một hệ quả nào đó (có thể là hậu quả hay cũng có thể là kết quả). Cho nên, ngay cả khi bạn không dám hoặc không muốn quyết định, bạn vẫn phải ý thức được rằng, bạn cũng đã quyết định (chờ xem sao) và suy nghĩ về những hệ quả có thể xảy ra để có một lựa chọn sáng suốt hơn nếu cần.

Cho nên, thay vì chần chừ, bạn hãy suy nghĩ cho thật kỹ, đưa ra quyết định, lên kế hoạch và hành động kiên định để biến quyết định ấy thành quyết định đúng. Ví dụ: Nếu bạn quyết định con đường của bạn là sẽ trở thành một người làm thuê vĩ đại chứ không bao giờ trở thành một doanh nhân tầm thường. Đó sẽ là một quyết định đúng, nếu bạn lên kế hoạch tìm một công ty khác phù hợp với bạn hơn, hoặc vạch ra con đường vươn lên trong chính công ty hiện tại của bạn. Và rồi quan trọng nhất là bạn hành động để từng bước biến quyết định của mình thành đúng đắn hay không. Nếu bạn dám quyết định và dám hành động, cho dù bạn chọn con đường làm thuê, một ngày nào đó bạn vẫn sẽ thành công hơn rất nhiều doanh nhân.

Hãy sống để không bao giờ phải nuối tiếc vì những ước mơ bạn không dám thực hiện, những cơ hội bạn không dám nắm lấy, tình yêu bạn không dám công nhận, yêu thương bạn không dám cho đi, hay tha thứ bạn không dám nhận về,… Hãy sẵn sàng cho những thay đổi để nhìn thấy cuộc đời này đổi thay.

(Trích từ chương “Sống vì ước mơ của mình” – sách Sống và Khát Vọng)

SỐNG VÀ KHÁT VỌNG

Một quyển sách về kỹ năng tư duy thành công, nhưng hoàn toàn khác những quyển sách kỹ năng bạn đã từng đọc từ trước đến giờ, bởi nó là câu chuyện về cuộc đời của doanh nhân – diễn giả Trần Đăng Khoa. Bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ đan xen, quyển sách là tập hợp nhiều bài học cuộc sống được tác giả Trần Đăng Khoa đúc kết lại qua những trải nghiệm của anh. Đọc quyển sách này, sẽ có lúc bạn muốn dừng lại để suy ngẫm về cuộc đời mình, sẽ có lúc bạn bất chợt nhận ra một điều gì đó mình cần phải làm khác hơn, cũng có khi chỉ đơn giản là bạn cảm thấy ngạc nhiên, thú vị khi có thêm một số kiến thức mới lạ.

MUA SÁCH