(Trích đoạn sách Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn – Bác sĩ David D. Burns)

Một trong những tác động xấu của chứng trầm cảm là làm tê liệt ý chí của bạn. Nếu không nhận ra nhà tù cảm xúc mà bạn đang tự giam mình, thì tình trạng này sẽ còn kéo dài thêm nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa. Sự thụ động ấy sẽ khiến bạn vô cùng thất vọng và lười nhác nếu bạn từng tự hào về nguồn năng lượng dồi dào ngày xưa.

Chủ nghĩa lười nhác trong bạn còn tác động đến cả gia đình lẫn bè bạn, những người vốn không hiểu nổi vì sao bạn trở nên như thế, y như cách bạn bối rối về chính bản thân mình. Họ sẽ cho rằng bạn cố tình muốn rầu rĩ, nếu không thì bạn đã “tìm việc gì đó để làm rồi”. Những góp ý kiểu này càng khiến nỗi đau, cảm giác tê liệt trong bạn càng trầm trọng hơn. Chủ nghĩa lười nhác tượng trưng cho một trong những nghịch lý lớn nhất về bản chất con người. Trong khi một số người luôn cháy hết mình trong mọi việc, thì số khác lại luôn lần lữa, tự cản trở mình dù làm bất cứ việc gì, cứ như thể họ đang âm mưu chống lại chính mình.

Dưới đây là những lối tư duy thường thấy được bác sĩ David D. Burns ghi nhận trong sách Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn khi người ta chần chừ hoặc tỏ ra lười nhác. Có thể bạn sẽ nhận ra mình từng vướng phải một trong số các kiểu suy nghĩ sau:

1. Tuyệt vọng

Khi bạn u sầu, nỗi đau trong thời khắc hiện tại xâm chiếm toàn bộ tâm trí bạn, khiến bạn quên mất rằng trong quá khứ mình từng cảm thấy vui vẻ, và khiến bạn tin rằng trong tương lai mình không thể cảm thấy vui vẻ. Do đó, mọi hoạt động đều trở nên vô nghĩa, vì bạn tin chắc mình đã mất hết động lực, và cảm giác bức bối dường như vô tận và không thể xoay chuyển. Với quan điểm này thì một lời khuyên kiểu như: hãy tìm việc gì đó để làm, để “giúp chính mình” nghe thật lố bịch, vô cảm, chẳng khác nào bảo người đang hấp hối hãy vui tươi lên vậy.

2. Bất lực

Gần như không có chuyện gì giúp bạn thấy vui hơn, bởi bạn tin tâm trạng hiện nay là do những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính bạn, ví dụ như số phận, mức độ trồi sụt kích thích tố trong cơ thể, chế độ ăn uống, vận may, và sự đánh giá mà người ngoài dành cho bạn.

3. Tự gây áp lực cho chính mình

Có nhiều cách để bạn tạo áp lực khiến bản thân đi theo chủ nghĩa lười nhác. Bạn có thể phóng đại việc phải làm tới mức tưởng chừng không cách nào giải quyết nổi. Bạn nghĩ mình phải hoàn thành mọi thứ một lúc, thay vì chia nhỏ nó ra thành nhiều phần, thực hiện từ từ, từng chút một. Rồi có khi bạn vô tình khiến bản thân bị phân tâm vì mải nghĩ đến những việc chưa hoàn thành, thay vì chú tâm làm cho xong việc trước mắt. Để tôi minh họa cho bạn thấy suy nghĩ này vô lý tới mức nào. Hãy tưởng tượng mỗi lần ngồi vào bàn ăn, bạn nghĩ về tất tần tật những loại thực phẩm bạn phải bỏ vào miệng trong suốt cả đời. Hãy hình dung chất đống trước mặt bạn là hàng tấn thịt, rau, kem, cộng với hàng vạn lít nước! Và bạn phải ăn hết từng món từng món trước khi chết! Giờ hãy tưởng tượng trước mỗi bữa cơm, bạn tự nhủ, “Bữa ăn này chỉ là một giọt nước giữa đại dương. Làm sao mình ăn hết được đống đồ ăn đó? Vậy thì việc ăn cái bánh mì kẹp thịt chiều nay chẳng có nghĩa lý gì cả.” Nghĩ đến đó đủ khiến bạn chóng mặt và mệt mỏi tới mức hết muốn ăn, ruột gan quặn thắt. Khi bạn nhớ tới những thứ bạn chưa hoàn thành tức là bạn đang hành hạ mình y hệt ví dụ trên, chẳng qua bạn không ý thức được thôi.

4. Kết luận vội vàng

Bạn cảm thấy mình không có khả năng làm những việc mang tính hiệu quả đem lại sự hài lòng, bởi có những câu nói gần như trở thành cửa miệng của bạn, “Tôi không làm được đâu,” hoặc “Tôi cũng muốn lắm nhưng…” Do đó, khi tôi đề nghị một bệnh nhân nữ bị trầm cảm rằng hãy nướng cho tôi một ổ bánh táo, bà đáp, “Tôi không còn nấu nướng được như xưa nữa bác sĩ ơi.” Nhưng điều bà thật sự muốn chia sẻ với tôi là, “Tôi có cảm giác mình không còn mê nấu nướng nữa. Mấy món đó giờ sao khó nấu quá chừng.” Khi bà kiểm tra xem những giả định trên có đúng hay không bằng cách đi nướng bánh, thì bà cảm thấy việc làm bánh rất vui và không hề khó khăn.

5. Tự dán nhãn

Càng lần lữa bao nhiêu, bạn càng tin mình là người kém cỏi bấy nhiêu. Thói xấu này hút dần vẻ tự tin của bạn. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi bạn tự dán nhãn cho mình là “kẻ hay chần chừ,” hoặc “đồ lười biếng.” Chính nó sẽ khiến bạn nhìn nhận việc không hành động hiệu quả chính là “con người thật của bạn,” để bạn tự động không còn trông chờ gì nhiều vào bản thân, thậm chí hoàn toàn không trông đợi gì.

6. Xem nhẹ giá trị của thành quả

Khi trở nên buồn rầu, bạn có thể không muốn bắt tay vào thực hiện bất kỳ hoạt động có ý nghĩa nào, bởi ngoài lý do bạn tin rằng mọi thứ trước mắt đều quá khó thì còn một lý do nữa: bạn thấy nó không bõ công. Một doanh nhân than thở với tôi rằng không có việc gì ông làm trong suốt một ngày khiến ông hài lòng. Ông kể thêm: buổi sáng ông nhấc máy gọi cho khách hàng thì đầu dây bên kia bận máy. Đặt điện thoại xuống, ông tự nhủ, “Thật phí thời gian.” Nhưng cũng trong buổi sáng đó ông chốt xong một thương vụ quan trọng. Lần này ông tự nhủ, “Chuyện này trong công ty ai mà không làm được, thậm chí còn làm tốt hơn mình. Vấn đề này thật đơn giản, nên vai trò của mình không hề quan trọng.” Tình trạng thiếu cảm giác hài lòng là hệ quả của việc ông luôn tìm cách hạ thấp công sức của bản thân. Thói quen xấu hay thốt ra câu “Chẳng có gì đáng kể” đã triệt tiêu mọi cảm giác hài lòng vừa nhen nhóm.

7. Cầu toàn

Bạn tự khiến mình thất bại khi đặt ra những mục tiêu và tiêu chuẩn không phù hợp. Bạn không chấp nhận được khi có việc gì bạn làm ra mà không vĩ đại hay tuyệt hảo, vậy nên cuối cùng bạn quyết định không làm gì hết.

8. Sợ bị phản đối hoặc chỉ trích

Bạn tưởng tượng rằng nếu bạn thử một thứ mới mẻ, bất cứ sơ suất hoặc lỗi lầm nhỏ nào cũng sẽ kéo theo sự phản đối và chỉ trích mạnh mẽ vì những người bạn quan tâm sẽ không chấp nhận bạn nếu bạn không hoàn hảo. Nguy cơ bị người khác chối từ có vẻ nguy hiểm đến mức: để bảo vệ chính mình, bạn cố càng “bình thường” càng tốt. Không làm thì không thể phạm sai sót!.

9. Cảm thấy bị ép buộc và chống đối

Kẻ thù chết người của động lực thúc đẩy là cảm giác bị ép buộc. Bạn cảm thấy phải hành động dưới áp lực – hoặc từ bên trong chính bạn, hoặc từ môi trường bên ngoài. Cảm giác này xảy ra khi bạn tìm cách tạo động lực cho mình bằng những từ “đạo đức” như “nên” và “cần phải.” Bạn tự nói với chính mình, “Mình nên làm cái này,” và “Mình phải làm cái kia.” Rồi bạn cảm thấy bị bắt buộc, có trách nhiệm nặng nề, căng thẳng, chống đối và tội lỗi. Cứ như bạn là trẻ vị thành niên phạm tội đang bị kỷ luật dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cảnh sát. Mọi thứ trở nên khó chịu đến nổi bạn không thể đối diện được nó. Rồi bạn chần chừ, tự kết tội mình lười biếng, chẳng ra làm sao. Kiểu tư duy này ngày một bào mòn nguồn năng lượng trong bạn.

Trích đoạn sách Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn – Bác sĩ David D. Burns

ĐỪNG ĐỂ TRẦM CẢM TẤN CÔNG BẠN

70% bệnh nhân mắc chứng trầm cảm sau khi đọc quyển sách này đã có nhiều cải thiện trong vòng bốn tuần, dù không theo bất kỳ liệu trình thuốc men nào cả. Trong tác phẩm này, vị bác sĩ xuất chúng ngành tâm thần học David D. Burns sẽ cung cấp những phương pháp khoa học vượt bậc ngay lập tức giúp bạn cải thiện trạng thái tinh thần, triệt tiêu cảm xúc tiêu cực, thấu hiểu tâm trạng của bản thân, vượt qua những mặc cảm tội lỗi và có cách nhìn tích cực về cuộc sống để vui sống hơn mỗi ngày.

MUA SÁCH