Đại văn hào Nga Leo Tolstoy là một trong những cây bút vĩ đại nhất mọi thời đại. Hai kiệt tác, War and Peace (Chiến tranh và Hòa bình) và Anna Karenina, được đông đảo độc giả công nhận là đỉnh cao của văn học hiện thực.
Đứng từ nhiều góc độ, Leo Tolstoy có tất cả mọi thứ. Năm 40 tuổi, ông đã là một người giàu có, khoẻ mạnh và đang trên đỉnh cao danh vọng. Vậy mà ông vẫn cảm thấy tuyệt vọng. Dù sự nghiệp thành công vang dội, ông vẫn thấy đời mình vô nghĩa. Cho dù có đạt được thành tựu lớn cỡ nào, ông cũng đều tự hỏi mình, “Để làm gì? Rồi nó sẽ đưa ta đến đâu?”
Dần dần, những “khoảnh khắc hoang mang” này biến thành khủng hoảng trầm trọng. Ông từng có ý định tự sát. Thế nhưng, từ cuộc đấu tranh nội tâm này, Leo Tolstoy đã cho ra đời tác phẩm mà ông cho là thành tựu vĩ đại nhất của mình. Ông gọi nó là A Calendar of Wisdom (Đường Sống).
Trong suốt hơn 15 năm, Tolstoy đọc sách, nghiên cứu và tổng hợp tất cả những tư tưởng tâm linh vĩ đại nhất, trong đó có Epictetus, Marcus Aurelius, Lão Tử, Đức Phật, Pascal, Schopenhauer, và kinh Tân Ước.
Ông từng hỏi, còn gì tuyệt vời hơn việc ngày ngày được tiếp chuyện cùng những tâm hồn uyên bác nhất từng hiện diện trên cõi đời này? Đôi khi trong suốt vài tháng trời, ông không đọc báo hay tạp chí gì, mà chỉ nghiền ngẫm những tác phẩm văn học uyên thâm của thế giới. Trong nhật ký của mình, ông viết, “Tôi ngày càng kinh ngạc trước sự ngu dốt, đặc biệt là về mặt văn hóa và đạo đức của xã hội này… Nền giáo dục nên hướng về những di sản văn hóa tích góp từ các bậc tiền bối, đó là những nhà tư tưởng vĩ đại nhất thế gian.”
Thế nhưng ngày nay, chúng ta toàn chứng kiến điều ngược lại. Ngày ngày, giới truyền thông dội bom ta hàng đống chuyện bi thương, bất hạnh và châm biếm. Rất nhiều thứ ta đọc đều đáng buồn hay thậm chí gây chấn động. Chúng ta chán ngấy chuyện khủng bố man rợ, các ngôi sao sa vào nghiện ngập, những doanh nghiệp suy đồi đạo đức, hay mớ chính trị gia biến chất.
Những tư tưởng truyền cảm hứng, khuyến khích ta vươn lên, được mọi người đón nhận như một ly nước mát lạnh giữa trưa hè tháng Bảy. Và với việc xuất bản Đường Sống năm 1912, Tolstoy đã đạt được mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, sau Cách mạng Nga, quyển sách này bị chế độ Xô Viết cấm xuất bản, vì chứa nhiều câu trích dẫn mang tính tâm linh và tôn giáo.
Nhưng khi đọc lại tác phẩm này hồi tuần rồi, tôi rất ấn tượng với một đề tài quan trọng trong đó: Cuộc sống ta có hạn, kiến thức thì vô hạn. Vì thế, những kiến thức cần thiết nhất không phải là các kỹ năng hay nguyên tắc cụ thể, mà là phương pháp “sống sao cho đúng”.
Dưới đây là vài tư tưởng tiêu biểu của Tolstoy:
- Chỉ có hai cách để sống: hoặc không bao giờ nghĩ đến cái chết… hoặc sống và luôn nghĩ rằng cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào.
- Bạn càng bất mãn với mọi người, với hoàn cảnh và càng tự mãn bao nhiêu, thì bạn càng rời xa tri thức bấy nhiêu.
- Đừng so sánh bản thân với những người chung quanh. Hãy so sánh bản thân với sự hoàn mỹ.
- Việc ta đang ở đâu không quan trọng, quan trọng là ta sắp đi về đâu.
- Khi bạn muốn hết phẫn nộ, đừng di chuyển, đừng cử động, đừng nói gì cả. Không có gì biện minh cho cảm giác phẫn nộ. Lý do nằm trong chính con người bạn.
- Chỉ mở miệng khi lời nói tốt hơn sự im lặng. Sẽ có lúc bạn lấy làm tiếc vì điều không nói ra, nhưng bạn sẽ còn hối hận gấp trăm lần khi không im lặng đúng lúc.
- Có 2 cách để không phải chịu cảnh nghèo khó. Thứ nhất là phải cố để giàu sang. Thứ hai là cắt giảm nhu cầu. Cái thứ nhất thì không phải lúc nào ta cũng làm được. Cái thứ hai thì có thể.
- Bạn không có quyền chán ghét cuộc sống này. Nếu bạn không thỏa mãn, hãy xem đó là lý do để không bằng lòng với chính bản thân mình.
- Bạn càng đánh giá bản thân hà khắc và tàn nhẫn bao nhiêu, bạn sẽ càng rộng lượng và tử tế khi đánh giá những người xung quanh.
- Mưu cầu chân thiện mỹ nhưng đừng bao giờ mơ mình sẽ thành công nhanh chóng hoặc đáng kể. Bởi bạn càng dấn sâu vào quá trình đó, chuẩn mực của bạn càng cao. Nhưng chính quá trình mưu cầu cuộc sống tốt đẹp ấy cũng đã đáng để ta sống rồi.
Không cần nói cũng biết quyển sách này không hề giống những quyển sách bị cấm xuất bản khác. Thế nhưng khi ấy, chính quyền Xô Viết đề cao sự phục tùng là trên hết.
Tolstoy tin vào một lý tưởng cao hơn. Và cho dù ông thề rằng mình không thể định nghĩa hay lý giải được nó, nó cũng đã cứu ông ra khỏi tình trạng tuyệt vọng, chỉ lối cho ông và đem lại ý nghĩa cho cuộc đời ông.
Trong Đường Sống, ông viết, “Không ai biết rồi đây nhân loại sẽ về đâu. Vậy thì tri thức vĩ đại nhất là biết bạn đang hướng về đâu.”
BÍ QUYẾT TAY TRẮNG THÀNH TRIỆU PHÚ
Bạn không cần phải có tấm bằng Kinh Doanh ở đại học Harvard, với cách tiếp cận thiết thực, bạn sẽ học được cách thức kiếm tiền, các chiến lược làm giàu, quản lý tiền bạc, làm cho nó sinh sôi nảy nở và thụ hưởng niềm vui chính đáng do đồng tiền mang lại. Chưa kể, bạn còn khám phá được những phương pháp làm giàu phong phú của triệu phú tay trắng làm nên Adam Khoo.
Leave A Comment