(Trích đoạn sách Được Tôn Trọng – Tác giả Mark C. Thompson và Bonita S. Thompson)
Điều mọi người mong muốn nhận được từ bạn chính là được tôn trọng. Thế nhưng khi đưa ra nhận xét phản hồi, thì chúng ta lại không nói những lời “có cánh”, mà thường có xu hướng đưa ra những chỉ trích “mang tính xây dựng” với danh nghĩa là giúp người ta tiến bộ. Đáng tiếc, đây không phải là cách tốt nhất để thúc đẩy các Người Quan Trọng Nhất (The Most Valuable People – MVP) của bạn thay đổi hoặc giúp họ đạt được các mục tiêu của mình. Thật vậy, việc buông hàng đống lời chỉ trích và hà tiện lời khen không chỉ không tạo ra giá trị cho người khác, mà còn không hề giúp cho bản thân được người khác được tôn trọng hơn chút nào.
Cho dù là khoe một bộ quần áo mới hoặc một bước đột phá trong dự án, thì đa số chúng ta ít nhiều đều “sướng run” khi được người khác khen ngợi mỗi ngày. Tôi tốn 30 đô-la mua cái “áo” màu xanh ngọc cho chiếc máy Apple Air mới. Những người bạn trong ngành kỹ thuật đã cười nhạo rằng tôi lãng phí tiền bạc, và bình thường thì tôi thấy họ nói đúng.
Tuy nhiên, trong một buổi họp khách hàng, ngay khi tôi lấy máy ra và khách hàng trầm trồ khen ngợi nó, thì món phụ kiện mới đó đã biến từ một thứ bị mua với giá quá đắt thành một thứ có giá trị còn hơn cả giá tiền. Nó trông rất cá tính, và tôi cảm thấy mình thời thượng hơn bao giờ hết. Đúng vậy, đa số chúng ta đều dễ dàng nghe lọt tai những lời tán dương của người khác về các quyết định của mình.
Thế nhưng, lời tán thưởng liên quan đến công việc có mang đến cảm giác nâng cao tinh thần như lời tán thưởng dành cho cá nhân hay không? Chúng ta có nên “ô” và “a” trước những thành tích của khách hàng, đồng nghiệp và nhân viên của mình hay không? Nếu bạn muốn họ gắn bó hơn, thành công hơn và có hiệu quả hơn, thì bạn nên làm vậy! Các nghiên cứu cho thấy lời khen thật sự cải thiện hiệu quả làm việc. (Khi bạn nói với những người có năng suất làm việc ở mức trung bình rằng họ “xuất sắc”, thì họ thường có xu hướng trở nên giỏi hơn.)
Đáng tiếc, chúng ta dễ buông lời chỉ trích và tiếp nhận nó hơn là lời khen. Đó là bởi vì con người vốn đề phòng nguy hiểm, và khi nghe tin xấu thì não bộ chúng ta liền kích hoạt kiểu phản ứng chiến-hay-chạy, lập tức đánh giá tình huống để quyết định xem phải làm gì tiếp theo. Kết quả là, nếu chúng ta nhận được một loạt những lời khen ngọt ngào và sau đó là một lời phê bình, thì não bộ sẽ chỉ chăm chăm tiếp nhận lời nhận xét tiêu cực và dùng thời gian cũng như năng lượng quý báu để phân tích nó. Mặt khác, bởi vì phần não nguyên thủy của chúng ta được huấn luyện để phê phán những sự việc có vẻ không đúng đắn, nên chúng ta có xu hướng chỉ trích người khác một cách thái quá.
TRÁNH ÁP DỤNG KIỂU PHÊ BÌNH “BÁNH MÌ KẸP”
Giáo sư Cliff Nass của Stanford là một chuyên gia về phản ứng với lời khen và phê bình. Nghiên cứu của ông tiết lộ rằng việc phê bình theo kiểu bánh mì kẹp – lời phê bình giữa hai lời khen – là phương pháp sai lầm trong việc giảm bớt tác động của lời chỉ trích. Bởi vì não bộ chúng ta tốn quá nhiều năng lượng để phân tích lời phê bình, nên sẽ không nhớ được những lời được nói trước đó (đây gọi là “sự can thiệp hồi tố”). Nhưng sau khi nghe lời chỉ trích, tâm trí và cơ thể liền bật sang trạng thái chú ý, cải thiện trí nhớ (hay là “tăng cường chủ động”). Vì vậy, nhìn chung thì người khác sẽ ghi nhớ bất kỳ điều gì bạn nói sau lời phê bình.
Nass nói rằng việc chỉ trích giống như ăn đậu phộng muối vậy; thật khó để dừng lại chỉ sau một hạt đầu tiên. Điều ngược lại cũng đúng; chúng ta có xu hướng đưa ra những lời nhận xét tích cực một cách mơ hồ và nhỏ giọt. Nass khuyên bạn nên đổi phương pháp khi đánh giá các MVP của mình. Hãy đưa ra lời phê bình cụ thể để họ có hành động cải thiện nó, và sau đó mới đưa ra hàng loạt những lời khen ngợi. Họ sẽ cảm thấy được tôn trọng hơn, dễ ghi nhớ lời khen hơn, và dễ tiếp thu lời phê bình hơn, và họ sẽ lắng nghe bạn với thái độ tích cực hơn.
Những vị lãnh đạo mà chúng ta ngưỡng mộ luôn nỗ lực hết mình ghi nhận, hỗ trợ, và tán thưởng ưu điểm của nhân viên. Người lãnh đạo sẽ được lợi nhất khi cổ vũ một đội ngũ có hiệu quả làm việc cao. Hãy khiến họ chú ý khi bạn làm điều gì đó đúng đắn. Khi bạn làm điều đó, cả đội sẽ đứng về phía bạn, đưa ra những ý tưởng hay ho hơn, và về tổng thể thì họ sẽ làm việc hiệu quả hơn. Người ta ngưỡng mộ những nhà lãnh đạo biết ghi nhận công lao và nhận lấy phần lỗi cho cả đội ngũ của mình.
Trích đoạn sách Được Tôn Trọng – Tác giả Mark C. Thompson và Bonita S. Thompson
ĐƯỢC TÔN TRỌNG
Với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lãnh đạo doanh nghiệp, hai tác giả Mark Thompson và Bonita Thompson sẽ mang đến cho bạn 21 phương pháp đơn giản và hữu hiệu giúp bạn được đánh giá cao trong đám đông và trong thế giới cạnh tranh này – không phải theo kiểu xã giao hay vì lợi ích riêng – mà vì những điều quan trọng nhất đối với bạn, cũng như trong sự nghiệp của bạn.
Leave A Comment