Tản mạn về chuyện đọcCâu hỏi mà chúng tôi, những người làm nghề dạy học, thường nghe là sách nào cần đọc; mượn ở đâu hoặc giá cả như thế nào? Tuyệt nhiên không có bất kỳ sinh viên nào hỏi thầy cô cách thức đọc cuốn sách đó. Hình như việc đọc là chuyện đương nhiên của những người biết chữ. Nhưng nếu như biết chữ rồi mà không biết đọc thì học chữ để làm gì?

Thực ra, chỉ nói riêng chuyện “vui chơi”, ngay cả Nguyễn Du cũng phải lắc đầu vì nó “lắm công phu”. Vậy thì sự học dĩ nhiên phải khó gấp vạn lần.

Từ khi biết đọc, bàn tay tôi đã tập cách để giở khá nhiều trang sách. Nhưng để giở đúng và hiểu đủ là việc không dễ dàng.

Có những cuốn sách làm ta thất vọng, nặng trĩu cảm giác hao hụt mà không hề có một chút thỏa mãn nào. Ngược lại, có rất nhiều cuốn cho ta hạnh phúc dù phải thao thức suốt đêm vì nó. Vậy thì vì sao con người lại lãng phí nhiều thời gian đến thế cho những điều vô bổ?

Câu trả lời chỉ đến sau khi đi hết cuộc đời. Có lẽ bởi vậy nên tôi mạo muội viết ra đây những lời tâm huyết với mong muốn duy nhất là những người đến sau không phải đi qua những khúc quanh không đáng có. Tất nhiên sẽ có rất nhiều điều tôi viết không còn là những chuyện mới.

1. Công việc đầu tiên nhất định phải biết là việc chọn sách. Chúng ta không thể đọc tất cả những điều cần biết, nhưng có thể có đủ thời gian để đọc những điều cần thiết.

Sự mênh mông và đa dạng của tri thức nhân loại là người dẫn đường tồi cho những người ham hiểu biết. Hãy nhớ rằng phải ưu tiên cho những cuốn sách mà thầy giáo buộc phải đọc. Chưa hẳn thầy giáo đã đúng nhưng kinh nghiệm của thầy là cơ sở đáng để tin cậy.

Còn những người đã rời ghế nhà trường rồi thì sao? Hãy đọc những gì mình thích. Một nguyên lý của muôn đời là chúng ta không chỉ thích những gì mình thiếu.

2. Những cuốn sách hay hoặc một bài báo hay trước hết phải có một cái tên hay. Tôi ít thấy điều ngược lại. Những tên sách như Cuốn theo chiều gió, Đứng trước biển tự nó đã thông báo nhiều vấn đề dù chúng ta chưa đọc.

Trong báo chí cũng vậy. Những cái tít tương tự như Mua danh ba vạn bán danh… ba hào, Ông Mê Man cuốn hút người đọc nhiều gấp bội lượng con chữ mà bài báo đem đến.

Phần lớn các tên sách hoặc tên một bài báo đã là điểm trọng tâm – điều cơ bản mà người viết muốn chuyển tải đến người đọc.

3. Nguyên tắc đầu tiên của việc đọc là nhất thiết phải gắn liền với việc ghi chép. Nằm dài trên giường để đọc một cuốn sách hay là một trong những điều thú vị tuyệt vời. Nhất là khi ngoài trời có tí tách hạt mưa, có một nỗi niềm cần phải quên.

Tuy nhiên đó là cách tốt nhất để làm cho việc đọc trở thành sự lãng phí tuyệt vời. Cảm giác thích rồi… quên. Thói quen ghi chép buộc chúng ta, từ vô thức, có trách nhiệm với điều mình đọc. Nói cách khác, buộc tư duy không thể lười biếng.

Hơn nữa, việc ghi chép sẽ làm cho quá trình mã hóa tri thức để chuyển vào bộ nhớ trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Việc thường xuyên ghi chép còn tạo nên lợi thế không gì so sánh nổi: luyện tập khả năng hệ thống hóa và phân loại tư liệu.

Việc ghi chép còn có ý nghĩa rất lớn trong tương lai – những mảnh rời rạc của tri thức luôn luôn rất có thể cần thiết cho một ý tưởng mới mà sự mù mờ của hiểu biết chưa thể xác định được. Câu hỏi đặt ra là ghi như thế nào? Điều cần ghi nằm trong những tiêu chuẩn sau:

– Đó là những điều tạo nên sự hứng thú mà ta chưa gặp bao giờ.

– Kiến thức đó có vấn đề (hoặc nhiều vấn đề) liên hệ đến chuyên môn mà chúng ta quan tâm.

– Một ý tưởng khác lạ – thậm chí sai trầm trọng so với các quan niệm truyền thống. Cần nhớ là trong khoa học, một nhận xét càng gai góc bao nhiêu thì càng đáng để ghi chép bấy nhiêu.

– Một chân lý hiển nhiên (châm ngôn, cách ngôn…)

– Một nguyên tắc của lý thuyết nào đó.

4. Sau khi đọc xong một chương, một phần hay cả cuốn sách cần phải hệ thống sơ bộ kiến thức thu nhận được. Từ đó cho phép người đọc hiểu rõ những luận điểm cơ bản nhất. F. Anghen luôn nhấn mạnh rằng “Khoa học bắt đầu từ việc so sánh”.

5. Nếu có thể, hãy trao đổi ngay vấn đề mình vừa đọc với người khác. Thật là tuyệt vời khi người ấy đã hoặc đang đọc cuốn sách, bài báo ấy.

Còn ngược lại thì hãy tìm một đồng nghiệp, bạn học để trao đổi. Kinh nghiệm cho thấy chúng ta sẽ khó có khả năng quên điều đã trải qua, thử thách thật sự là tính nghiêm túc của tranh cãi.

6. Đến đây sẽ có câu hỏi đặt ra: khi gặp phải một cuốn sách ta nghĩ là cần thiết nhưng khó đọc vì khó hiểu thì làm thế nào? Một câu hỏi nan giải.

Những tác phẩm loại này thường là sách triết học hoặc chính trị. Trước hết phải tập cách để “bóc” lớp vỏ ngôn từ – mà các triết gia và các nhà chính trị thì ngày càng viết và nói một cách đầy khó hiểu. Chẳng hạn, để mỉa mai việc Pháp quên quá nhanh công lao Mỹ giải phóng nước Pháp, viện trợ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Tổng thống Mỹ G. Bush nói rằng “Người Pháp có thói quen chỉ thích nghĩ đến hiện tại”!

Bước thứ hai là sau mỗi chương, nhất thiết phải tóm tắt nội dung mà mình lĩnh hội. Đấy là cách hiểu ngắn để từ đó chúng ta đạt đến khả năng hiểu nhiều.

7. Cho đến “công đoạn” này, quá trình tri thức hóa của chúng ta vẫn chỉ giới hạn ở mức độ “bắt chước” (immitation). Cái đọc được chỉ thành cái có được khi ta biết cách “tiêu hóa” nó (Indigennization). Từ indigennization có tài liệu dịch là “bản địa hóa”; nhưng theo tôi, diễn đạt như thế là kém chính xác.

Cách dịch một đoạn văn, cũng như cách hiểu đối với một cuốn sách, đôi khi giống với cách hiểu về phụ nữ: chung thuỷ thì thường là ít đẹp; ngược lại, những người đàn bà đẹp thường là không chung thủy – hơn 100 năm trước, một người Pháp đã nói như thế.

Việc “tiêu hóa” tri thức sẽ chấm dứt khi mỗi người bước sang giai đoạn 3: sáng tạo (innovation). Chắc chắn sẽ có người hỏi: “Làm sao có thể sáng tạo được?” Xin trả lời rằng chỉ trừ một số kẻ ngu dốt bẩm sinh còn thì bất kể ai, bất kể trình độ nào cũng có thể tìm ra một cái gì đó mới mẻ. Hãy tự tin và đừng cúi đầu trước bất kỳ tượng đài nào.

8. Để cho việc đọc không bị gián đoạn, cần phải có kế hoạch cụ thể. Chẳng hạn, hãy đọc thật tập trung trong một giờ – vừa đọc vừa ghi chép, 30 hay 40 trang sách sau đó buộc mình trong một buổi phải đọc 120 trang hoặc 150. Chưa xong chưa rời khỏi bàn.

Đây là cách mà nhờ nó, suốt bốn năm rưỡi thử thách độ chai bền của những chiếc ghế, tôi đã đọc được khá nhiều những cuốn sách khó…

9. Đừng nên đọc mãi một loại sách. Đây là cách nghỉ ngơi bằng công việc. Tất nhiên cách này sẽ làm gián đoạn quá trình tư duy nhưng cần thiết.

10. Lớp trẻ ngày nay khó đọc hơn. Đây là một tất yếu vì chúng ta đang sống trong thời đại của máy tính, truyền hình. Nhưng chắc chắn là không có một phương tiện nghe nhìn nào có thể thay thế việc đọc.

Người Nga hoàn toàn có quyền tự hào họ là dân tộc đọc nhiều nhất trên thế giới: chỉ riêng thành phố Mátxcơva đã có đến 1.500 thư viện. Rõ ràng tri thức và tình yêu là hai điều không thể mua được, nhưng mỗi chúng ta phải liên tục trả giá cho nó, từng ngày. Sự hiểu biết – văn hóa là “công việc” di truyền khó khăn nhất của con người.

Hãy tập cách giữ gìn mỗi cuốn sách mà ta có và, hơn nữa nhất thiết phải cố để hiểu cho bằng được cách thức sử dụng chúng một cách tốt nhất. Sách không phải để trưng bày, càng không phải sinh ra cho bụi bặm của thời gian và mạng nhện của cuộc đời giăng kín.

Muốn thế, phải rèn cho được thói quen đọc mỗi ngày. Tôi biết chắc những người ngày nào cũng đọc hầu hết đều là những người có thể đứng ngang hàng với sự hiểu biết.

Dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng bao giờ tôi cũng có cảm giác khó tả khi đọc câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Cảo thơm lần giở trước đèn…” Một người như Nguyễn mà phải lần để giở những trang sách hay đủ chứng tỏ việc đọc sách khó đến mức nào!

Hà Văn Thịnh – Báo Quốc tế

CHIẾN THẮNG TRÒ CHƠI CUỘC SỐNG

Được chính tác giả Adam Khoo công nhận là quyển sách hay nhất mình từng viết, quyển sách này sẽ giúp bạn nhận thức cuộc sống này như một trò chơi thú vị. Nắm chắc bí kíp trong quyển sách, bạn có thể trở thành người chiến thắng trong trò chơi cuộc sống – trở nên xuất sắc trong công việc, tận hưởng những mối quan hệ tốt đẹp, dư dả về tài chính và hạnh phúc dài lâu. Sống bao lâu không quan trọng bằng sống bao sâu, đây chính là quyển sách giúp bạn sống một cuộc đời sâu sắc hơn.

MUA SÁCH