Là Doanh nhân (DN) trẻ thành công với mô hình kinh doanh đào tạo mới mẻ tại Việt Nam, theo anh, khát vọng của giới doanh nhân trẻ hôm nay có gì khác với “khát vọng” của thế hệ Doanh nhân trước?

Tôi không dám đại diện cho toàn bộ giới doanh nhân trẻ để nói về cái khát vọng chung. Tôi càng không dám so sánh với thế hệ doanh nhân đàn anh đàn chị đi trước. Tôi chỉ nói những gì tôi cảm nhận được từ những bạn bè là doanh nhân trẻ xung quanh tôi. Đó là chúng tôi có cùng hoài bão làm kinh doanh theo mô hình mang tính nhân bản nhiều hơn là máy móc, làm cho tổ chức của mình không chỉ không chỉ kinh doanh mà còn đặt những nghĩa vụ đối với cộng đồng, xã hội và đất nước lên bàn kế hoạch.

Theo anh, ngoài việc kiếm tiền, kinh doanh bằng cách mang lại “giá trị cho xã hội” có ý nghĩa như thế nào để thực hiện khát vọng của giới DN trẻ?

Một bộ phận lao động trẻ, có khả năng và đầy tâm huyết hiện nay đã bắt đầu biết kết hợp sự lãng mạn với sự thực tế. Cho nên, họ bắt đầu không chỉ tìm kiếm cho mình một công kiếm được tiền, mà có phải có giá trị cho xã hội. Để thu hút những con người này xung quanh mình, doanh nhân trẻ cũng phải thật sự khao khát hơn trong việc làm cho những sản phẩm và dịch vụ của mình có tính xã hội cao hơn. Một cách đơn giản là thay vì nghĩ nâng cao chất lượng sản phẩm để có doanh thu cao hơn, thì hãy nghĩ làm thế nào nâng cao chất lượng sản phẩm để xã hội nhận được nhiều lợi ích từ sản phẩm của mình hơn. Và như thế, xã hội sẽ trả lại không chỉ bằng tiền mà còn bằng những giá trị vô hình khác to lớn hơn nhiều.

 Nhiều DN trẻ VN đã biết học hỏi từ những người giàu và người thành công trên thế giới. Gần đây, Việt Nam đã xuất hiện “làn sóng” đào tạo theo mô hình mới (phương pháp “gia tốc”). Giới DN trẻ đã biết chú trọng đầu tư vào trí thức để phát triển bản thân và thực hiện khát vọng. Anh có nhận định hoặc chia sẻ gì trước xu thế mới này?

Xu thế mới này là một xu thế rất tốt để tăng tốc cho Việt Nam chúng ta đi lên trong việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng mặt trái của xu thế này là sự xuất hiện của nhiều đơn vị đào tạo mà chất lượng vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Cho nên, việc đầu tư vào tri thức cũng phải cần được cân nhắc và nghiên cứu cẩn thận như đầu tư vào đất đai, nhà cửa, chứng khoán hay vàng. Bởi vì, một đầu tư sai lầm đôi khi lại phản tác dụng và làm “giảm tốc” thay vì “tăng tốc”.

Giới trẻ VN có khát vọng vươn lên rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn chưa xuất hiện nhiều gương mặt thật sự thành công. Từ trải nghiệm của mình, anh có thể đưa ra lời khuyên giúp các bạn trẻ thành công với khát vọng vươn lên của họ?

Gần đây tôi thấy nhiều nơi khuyến khích giới trẻ vươn lên mạnh mẽ, nhưng lại lấy thước đo là tiền. Tiền thật sự rất cần thiết và quan trọng trong cuộc sống, là một công cụ hữu ích, nhưng không bao giờ có thể là lẽ sống.

Cho nên, muốn vươn lên một cách thật sự mạnh mẽ thì cái lý do để vươn lên đó phải là một lý do nào đó có ý nghĩa và giá trị hơn là tiền. Tôi nhận ra rằng, nếu mục tiêu của tôi là kiếm tiền, tôi sẽ kiếm được một ít tiền và mất đi một số thứ quan trọng khác. Nhưng nếu mục tôi là tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị cho xã hội, là góp phần vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước thông qua việc kinh doanh, tôi sẽ có được nhiều tiền hơn (nhờ sự ủng hộ của xã hội) và có được nhiều tứ khác hơn.

Đó là kinh nghiệm của cá nhân tôi. Mỗi doanh nhân trẻ sẽ có những lựa chọn và định hướng riêng cho mình.

Ngày DN Việt Nam, anh mong mỏi điều gì ở các Doanh nhân trẻ? Tinh thần của DN Việt Nam cần có sự khác biệt gì so với DN thế giới? 

Từ góc độ cá nhân của mình, tôi nghĩ giới doanh nhân trẻ có thể suy nghĩ thêm là liệu mình có nên chậm lại và hướng vào chiều sâu nhiều hơn. Đôi khi trong cuộc sống và kinh doanh, muốn nhanh thì phải chậm lại. Chính cái chiều sâu trong triết lý kinh doanh sẽ tạo nên những bước phát triển bùng nổ cho doanh nghiệp.

Đây cũng là bài học của EVOL chúng tôi. Trong vòng hơn hai năm, chúng tôi phát triển từ một công ty chưa tới 10 người trở thành một công ty với gần 200 thành viên từ Nam ra Bắc. Nghĩa là trung bình mỗi tháng chúng tôi có khoảng 5 thành viên mới trong công ty. Có thể nói đó là một tốc độ tăng trưởng chóng mặt, nhất là khi EVOL luôn đầu tư vào phát triển đội ngũ. Cho nên, chiến lược của chúng tôi trong thời gian tới là đầu tư vào chiều sâu nhiều hơn nữa thông qua việc tiếp tục cải tiến các sản phẩm hiện có và đầu tư nhiều hơn nữa vào chăm sóc khách hàng. Với chiến lược này, EVOL chúng tôi đã và đang chuyển mình sang một giai đoạn phát triển mới.

Cuối cùng điều tôi mong mỏi rằng, đất nước ta còn nghèo và lạc hậu, cho nên giới doanh nhân cần đoàn kết hơn và cùng hướng về mục tiêu góp phần xây dựng đất nước nhiều hơn nữa. Một cánh én không làm nên mùa xuân. Một EVOL sẽ chẳng làm được gì cả. Nhưng có nhiều cánh én thì chắc chắn mùa xuân sẽ đến. Biết đâu trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ có hội Doanh Nhân Vì Tổ Quốc. Tôi biết đó là một lý tưởng “lãng mạn”, nhưng chẳng có điều gì khiến chúng ta không dám cho phép mình “lãng mạn” một chút khi là doanh nhân.

Báo pháp luật