Họ là hai bạn trẻ du học sinh 8x trở về từ ĐHQG Singapore. Cả hai chọn con đường dịch thuật, làm sách – một con đường đầy thử thách nhưng rất cần thiết ở Việt Nam hiện nay. Trần Đăng Khoa (ngành Kỹ sư máy tính) và Uông Xuân Vy (ngành Quản trị kinh doanh) đang là hai dịch giả, là chủ tịch và giám đốc điều hành EVOL Books. Đầu xuân mới, Sinh Viên Việt Nam đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng hai người trẻ đầy khát vọng này.

 Lỡ yêu rồi

Chào Đăng Khoa và Xuân Vy! Vốn du học chuyên ngành Kỹ sư máy tính và Quản trị kinh doanh, công việc làm sách trở thành ngả rẽ nghề nghiệp của hai bạn từ lúc nào?

Khi đọc quyển sách I’m Gifted, So Are You! của tác giả Adam Khoo ở Singapore, tụi mình quyết định dịch thành quyển Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế! Tụi mình chỉ mong giới thiệu với bạn bè trong nước một quyển sách hay đã làm thay đổi cách nhìn cuộc sống của nhiều bạn trẻ Singapore. Thế nhưng sau đó, quyển sách được đón nhận hết sức nồng nhiệt tại Việt Nam. Tụi mình nhận được hàng ngàn lời cảm ơn và thư từ của độc giả khắp cả nước. Tụi mình được nghe các câu chuyện người thật việc thật về những tiến cộ của các bạn sau khi đọc Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế! Nhìn chung, nhiều bạn nhận được những giá trị hết sức thiết thực sau khi đọc sách.

Nhận thấy dịch thuật là công việc ý nghĩa, đóng góp tốt cho cuộc sống, nhất là khi nó được thực hiện nghiêm túc, tụi mình đất đầu quyết tâm rèn luyện để mang đến cho độc giả Việt chúng ta nhiều sách hay nữa.

Đăng Khoa và Xuân Vy, cho biết đã dịch và xuất bản được 14 quyển. Hiện nay, đội ngũ dịch thuật trẻ ở EVOL không đông vì được tuyển chọn rất gắt gao. Các bạn có cùng điểm chung là dồn hết tâm huyết vào bản dịch. Niềm vui của một dịch giả là nhìn thấy quyển sách của mình được độc giả đón nhận và giúp độc giả đạt được những thành quả trong cuộc sống.
“Tụi mình thấy rằng, dịch giả dù nổi tiếng mấy cũng là con người, cũng có những sơ xuất. Điều quan trọng là biết nhìn nhận những lỗi sai khi độc giả hay đồng nghiệp góp ý. Dịch giả phải xin lỗi và chỉnh sửa nhanh nhất có thể. Công việc này giống như trồng cây, có người vào vạch lá tìm sâu cho cây nhà mình thêm xanh tốt thì mình phải cảm ơn họ chứ!”, hai dịch giả trẻ chia sẻ.

Dịch thuật không phải là một nghề kiếm được nhiều tiền. Tâm lý du học sinh trở về nước thường muốn làm các việc thu nhập tốt để bù đắp tốn kém sau bao năm học xứ người. Vậy, động lực nào giúp hai bạn mạnh dạn theo nghề?

Khi quyết định trở thành dịch giả, tụi mình thật sự không lo lắng lắm về thu nhập, bởi vì còn những cái lo to lớn hơn như năng lực của mình có đáp ứng được không; mình cần phải học thêm những gì; độc giả có đón nhận những quyển sách do mình dịch hay không… Nhưng trên hết, điều mong muốn là làm một cái gì đó ý nghĩa cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ và trung niên. Dĩ nhiên, thu nhập cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống. Tụi mình luôn tâm niệm tạo ra những quyển sách càng giá trị, thì độc giả càng ủng hộ. Độc giả càng ủng hộ mình nhiều, thì thu nhập của mình càng tốt. Thực tế đã chứng minh điều đó.

Hai bạn thấy tiềm năng, tầm quan trọng của dịch thuật đối với xã hội Việt Nam hiện nay ra sao? Những cơ hội nào từ công việc dịch thuật?

Trong bất kỳ một xã hội nào, dịch thuật đều đóng một vai trò quan trọng trong việc giao lưu văn hóa, kiến thức với thế giới. Ở Việt Nam, khi mà số lượng tác giả trong nước còn ít, số lượng tác giả viết sách có chuẩn mực cao càng ít, thì dịch thật vô cùng có ý nghĩa trong việc “lấp khoảng trống” kiến thức mà người Việt đang cần trong thời điểm hiện tại. Mặc dù là dịch giả, tụi mình vẫn mong Việt Nam có thêm nhiều tác giả tài năng để viết sách trong nhiều chủ đề phong phú hơn, chứ không chỉ là truyện, tiểu thuyết.

Tụi mình nhìn thấy rất nhiều cơ hội làm việc khi mang kiến thức của thế giới về Việt Nam, chia sẻ với độc giả những quyển sách giá trị, tạo cảm hứng cho độc giả và văn hóa đọc ở Việt Nam thông qua những quyển sách với nội dung dịch thuật được đầu tư công phu. Hiện nay, ở Việt Nam, chất lượng sách dịch là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Thời điểm này thật sự là một cơ hội lớn để những người thật sự đam mê và tâm huyết với công việc dịch thuật đầu tư công sức, nâng cao chuẩn mực cho sách dịch.

Và dĩ nhiên, những người đi đầu sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả mà cuộc thay đổi ấy mang lại.

Giúp người trẻ phát triển bản thân

So với những dịch giả không đi du học, hai bạn thấy mình có sự khác biệt nào trong nghề không?

Tụi mình không muốn so sánh bản thân với những dịch giả không du học vì chúng mình tin rằng, mỗi người đều có những thế mạnh riêng. Sự khác biệt giữa các dịch giả không nằm ở việc bạn du học hay không du học, mà là ở khả năng tự học hỏi, không ngừng nâng cao kỹ năng chuyên môn và mở rộng tầm hiểu biết của mình, đặc biệt trong những lĩnh vực mình biên dịch.

Là những du học sinh tại một nước học tập và giao tiếp bằng tiếng Anh, cũng như là cửa ngõ giao lưu văn hóa Đông – Tây như Singapore, tụi mình cảm thấy khá quen thuộc khi tiếp cận những quyển sách tiếng Anh, nhất là những thành ngữ hoặc cách viết mà phải hiểu văn hóa thì mới hiểu đúng và từ đó dịch đúng.

Những dòng sách nào mà hai bạn đang hướng theo? Vì sao có sự lựa chọn đó?

Chúng mình đang hướng đến dòng sách phát triển bản thân vì việc phát triển bản thân là một nhu cầu không thể thiếu của con người để đáp ứng với những thay đổi trong xã hội và cuộc sống.

Trong dòng sách này, nhóm mình tập trung vào 4 dòng chính (theo cách gọi riêng): Sống hạnh phúc (dành cho những ai mong muốn có được cuộc sống hạnh phúc, gia đình hòa thuận, con cái chăm ngoan); sống mạnh mẽ (dành cho những ai đang đi tìm nguồn cảm hứng để mạnh mẽ bước qua mọi khó khăn trở ngại); sống vươn lên (dành cho những ai khao khát gặt hái được những thành quả tột bậc trong học tập, sự nghiệp, kinh doanh, tài chính…); giải pháp tư duy (dành cho những ai mong muốn phát triển tư duy để nâng cao chất lượng trong mọi mặt như giao tiếp, lãnh đạo…).

Khoa và Vy cho biết: “Khi cọ xát với thực tế, cú sốc đầu tiên đến từ việc quyển Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế! bị vi phạm bản quyền và sách in lậu. Tụi mình không ngờ sách in lậu lại được lưu hành công khai và trắng trợn như thế. Nhưng buồn và bất ngờ hơn khi một bộ phận bạn đọc cứ thấy rẻ là thích, vô tình hoặc thậm chí cố tình mua những bản sách in lậu. Thành thử, nạn vi phạm bản quyền và sách lậu lại là hai thứ làm tụi mình mất tinh thần nhất, vì thấy công sức của mình bị ăn cắp một cách trắng trợn.

Hai bạn thường gặp những khó khăn nào trong việc dịch một tác phẩm?

Sách cung cấp kiến thức, góc nhìn, nghiên cứu của một tác giả. Vì vậy, dịch giả trước tiên là người tôn trọng ý kiến tác giả, những gì tác giả viết. Dịch giả không có trách nhiệm sửa sai cho tác giả. Sai hay đúng có thể do góc nhìn của mỗi cá nhân, mỗi nền văn hóa.

Không riêng gì sách kinh điển hay không kinh điển, tác giả xuất chúng hay chưa xuất chúng, người dịch đứng trước tác phẩm mình dịch thì luôn có một khó khăn, thử thách phải vượt qua là làm sao truyền được cái hồn của cuốn sách để độc giả hiểu thật chính xác quyển sách, đồng thời, vẫn phải tôn trọng ý tác giả viết.

Xuân Huy (Thực hiện) – Báo Sinh Viên Việt Nam

Xem bài gốc tại đây: Trang 1, trang 2

[gioithieu_trandangkhoa]

[gioithieu_uongxuanvy]