Trong một dịp tiếp xúc và trao đổi cùng báo Pháp Luật, chúng tôi có dịp trao đổi về một số vấn đề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái nổi cộm lên trong thời gian gần đây. Thật đau lòng và xót xa cho các bậc cha mẹ, những người đã dành hết tuổi trẻ và tâm huyết cho con của mình; ở góc độ là một chuyên gia người đã có nhiều năm tiếp xúc với các em học sinh sinh viên cũng như các bậc phụ huynh, tôi xin chia sẻ một vài điều mình suy nghĩ xung quanh vấn đề này thông qua buổi chia sẻ với báo Pháp Luật.
Trong thời gian qua, cộng đồng mạng liên tục chứng kiến chuyện con lên mạng chửi mắng bố mẹ bằng những từ ngữ quá khích. Điều này cho thấy nhận thức của một bộ phận giới trẻ đang có vấn đề.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với diễn giả Trần Đăng Triều(ảnh), Công ty EVOL (quản lý các khóa học Tôi tài giỏi – Bạn cũng thế!), người có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp xúc với giới trẻ qua các khóa đào tạo làm chủ bản thân.
Diễn giả cho biết: Là người thường xuyên tiếp cận với các em, tôi nhìn nhận vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ các em thiếu sự giao tiếp công bằng với cha mẹ. Bởi vì cha mẹ luôn nghĩ rằng chúng ta bận rộn, nỗ lực từng ngày để lo lắng chăm sóc đầy đủ cho cuộc sống của con cái. Từ đó với thiên chức làm cha mẹ, chúng ta cho phép bản thân mình được đòi hỏi con phải thế này, thế kia; hay ít ra con phải giống cha mẹ ngày xưa chứ. Nhưng liệu có bao giờ chúng ta tự hỏi bản thân mình có thật sự là tốt nhất cho con từ góc độ của chúng?
Thế hệ của chúng ta với thế hệ của con cái đã cách nhau 20 thậm chí đến ba, bốn chục năm. Xã hội đã có nhiều thay đổi và tiến bộ vượt bậc, dĩ nhiên con người cũng có những tiến bộ nhất định. Và dĩ nhiên trong xã hội luôn phát triển này, luôn tồn tại những điều tích cực lẫn tiêu cực. Do đó, cha mẹ luôn là kim chỉ nam cho con suốt cả cuộc đời để hướng con đến với những điều tích cực.
Vậy chúng ta hãy thử thay đổi vai trò trong suy nghĩ để đến gần với con hơn nữa. Xem con cái như một người bạn “tri kỷ” để có thể chia sẻ và lắng nghe những điều mà từ trước đến giờ trong vai trò cha mẹ – chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến và hiểu được. Đừng vội (khoan) phán xét chúng, mà hãy nhìn nhận những sai lầm của ta trước. Có thể một lần chưa đủ để cởi bỏ những vướng mắc vô hình từ bấy lâu nay đã hình thành giữa cha mẹ và con cái. Nhưng qua đó sẽ gợi mở trong lòng chúng ta và con cái những tia sáng hy vọng để gần hơn, hiểu hơn. Hãy để cho con được tự do trong suy nghĩ, hành động và cho con biết cha mẹ là người bạn đồng hành sẵn sàng nâng đỡ khi chúng vấp ngã hay gặp khó khăn. Bạn hãy là người dẫn đường chứ không phải kẻ cầm cương chỉ biết cầm roi quất ngựa.
Nhưng nếu các bạn trẻ vẫn phản ứng tiêu cực thì sao, thưa ông?
Vậy hãy bắt đầu từ hôm nay, bạn sẽ thấy giá trị trong tương lai những suy nghĩ thay đổi tích cực mới mẻ của bạn. Có một phụ huynh đã từng chia sẻ với tôi: “Con tôi không bao giờ chia sẻ với tôi những chuyện riêng hay khó khăn của nó, mà chỉ kể hay than phiền với bạn bè mà thôi. Khi tôi vô tình nghe được mẩu đối thoại của nó, tôi hỏi, nó vẫn kín bưng không nói gì cả”. Tôi liền hỏi: “Từ trước đến giờ, anh có dành thời gian trò chuyện hay lắng nghe cháu giải thích khi làm sai việc gì hay chưa hoàn tất việc học hành”. Anh cho biết: “Tôi không có thời gian và tôi đã rất mệt mỏi căng thẳng với công việc rồi. Nó chỉ có mỗi việc học thôi mà cũng không làm ra trò trống gì nữa hay sao”.
Bạn muốn con mình như thế nào, hãy làm gương cho chúng trước. Bởi vì con cái học mọi thứ từ cha mẹ, cách giao tiếp, đối xử với mọi người xung quanh, ứng xử trước những tình huống xảy ra trong cuộc sống. Chúng học mọi thứ từ bạn đấy!
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nhìn sự việc ở thêm một góc độ nữa, đó là trách nhiệm và quyền hạn. Ví dụ: Trách nhiệm của con là học tập thật tốt, trách nhiệm của con là phải biết phụ giúp ba mẹ công việc nhà, phải nhường nhịn em, phải thay ba mẹ chăm sóc em… Bạn thử nghĩ con cái chúng ta, các em chưa biết cái quyền trong gia đình của mình đến đâu thì làm sao các em sẵn sàng chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, chúng ta hãy cho con mình quyền hạn và trách nhiệm trong gia đình.
Ông có thể nêu cụ thể các phương pháp này được không?
Ví dụ: Thay vì nói con phải học cho thật giỏi để có tương lai, chúng ta hãy thử thay đổi một chút như sau: “Ước mơ tương lai của con là gì? Sau khi trẻ trả lời, chúng ta hãy cho con mình cái quyền lựa chọn: “Con có hai lựa chọn: Nếu có nỗ lực học từ ngày hôm nay con sẽ thực hiện ước mơ của mình và nếu con cứ mải chơi thì ước mơ đó sẽ không bao giờ có thể đến được”.
Hoặc thay vì nói con đã lớn rồi, con cần phải thay ba mẹ chăm sóc em và phải nhường nhịn em, chúng ta cũng hãy thử thay đổi một chút: “Con có thể giúp ba mẹ chăm sóc em lúc ba mẹ bận rộn được không? Vì điều đó sẽ giúp ba mẹ an tâm hơn rất nhiều về đứa con đã trưởng thành của ba mẹ”.
Qua các tình huống trên, chúng ta thấy rất rõ: Cái quyền được lựa chọn của các em đi trước, sau đó là trách nhiệm của các em với những lựa chọn của mình. Chúng ta hãy xem con mình như những con người trưởng thành và ứng xử với chúng như những người trưởng thành, bạn sẽ nhận thấy được sự khác biệt.
EVOL có khóa học nào để giúp các bạn hòa nhập tốt hơn chứ?
Chính vì thế chúng tôi xây dựng khóa học Tôi tài giỏi – Bạn cũng thế!. Qua khóa học, các em sẽ hiểu được sâu sắc tình cảm, hy sinh, cũng như những hoài bão cha mẹ tin tưởng và trao cho các em. Từ đó các em hiểu hơn những điều cha mẹ làm chỉ đơn giản là xuất phát từ tình yêu thương dành cho con. Không những thế, các em sẽ học được cách để tự tin và mạnh mẽ hơn, động lực để vươn đến những ước mơ trong cuộc sống thông qua việc hiểu được: Lòng tự trọng, làm chủ cảm xúc, cách đặt mục tiêu đầy cảm hứng. Cũng như hiểu được hơn những giá trị của bản thân, tình cảm của những người xung quanh đã dành cho các em.
Theo Báo pháp luật
Leave A Comment