27 tuổi, Trần Đăng Khoa từ bỏ công việc thu nhập cao tại một tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh để bắt đầu sống vì ước mơ của mình trở thành doanh nhân, dịch giả và chuyên gia đào tạo.

Quyết định dấn thân

Cái tên Trần Đăng Khoa (SN 1981) đã trở thành một “hiện tượng” trong giới trẻ Việt Nam với cuốn sách do anh dịch và đã in “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”. Anh không chỉ được biết đến như một dịch giả mới nổi trong nước mà đằng sau đó là một câu chuyện đến khó tin về anh với những quyết định táo bạo.

Sau 10 năm cống hiến và học tập tại Singapore, Trần Đăng Khoa đã quyết định trở về Việt Nam để góp phần làm giàu đẹp thêm mảnh đất đã sinh ra mình. Diễn giả Trần Đăng Khoa cho biết:

Khi tôi quyết định từ bỏ đất nước Singapore, một môi trường học tập và làm việc tốt mà nhiều bạn sinh viên nước ngoài sau khi học xong đều mong muốn được ở lại thì không ít người cho rằng, tôi quá mạo hiểm và có chút… điên rồ.

Đơn giản đối với tôi đó là niềm đam mê và sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo đuổi ước mơ của mình. Khi tôi đưa ra quyết định và chuẩn bị mọi thứ cho chuyến trở về Việt Nam, một số người thân của tôi đã rất lo lắng, đặc biệt là ba mẹ. Bên cạnh đó, một số bạn bè cũng tỏ vẻ hoài nghi về quyết định của tôi.

Hơn nữa, những người bạn ở xa chưa hiểu thì họ cho rằng tôi hơi lý tưởng hóa, thiếu thực tế. Nhiều người còn tỏ vẻ coi thường và thậm chí là chỉ trích. Quyết định của tôi mang tính dấn thân nhiều hơn là kinh tế. Chân ướt chân ráo về nước, mọi việc phải bắt đầu lại từ đầu, một môi trường hoàn toàn mới nên tôi phải cố gắng hết sức nếu không muốn thất bại.

Một trong những lý do cũng thôi thúc Trần Đăng Khoa trở về Việt Nam bởi trong suy nghĩ của anh, tại sao người Việt Nam sang nước ngoài làm việc hầu như chỉ ở những vị trí bình thường. Trong khi đó, người nước ngoài đến Việt Nam lại được ở những vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao. Trần Đăng Khoa tâm sự.

Sau một khóa học tôi tham gia giảng dạy với vai trò là huấn luyện viên, tôi hỏi một cậu sinh viên Singapore: “Nếu như tất cả mọi người trên đất nước Singapore đều khao khát trở thành ông chủ, bà chủ hoặc lãnh đạo thì ai sẽ là người làm công?”. Cậu sinh viên này trả lời: “Người Việt Nam”.

Nhiều lúc tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đất nước Singapore này trong khi quê hương đang cần mình hơn. Từ đó tôi luôn nung nấu ý nghĩ phải làm cách nào để có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước và thay đổi cách nhìn về Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới.

Cũng theo diễn giả, quyết định trở về Việt Nam của anh được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngoài thời gian đi làm, anh dành khá nhiều thời gian và số tiền khoảng 10.000 USD (khoảng hơn 200 triệu đồng) để học các khóa học kỹ năng mềm, kỹ năng sống.

Anh cho biết: “Sang Singapore, tôi mới nhận ra rằng nếu chỉ có trí tuệ sẽ khó mà giúp con người thành công, trí tuệ chỉ là bước khởi đầu vươn đến thành công. Còn để tỏa sáng và thành công hơn hơn nữa rất cần phải phát triển toàn diện như học các kỹ năng mềm, kỹ năng sống”.

Chính vì thế, hiện nay anh đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty chuyên về lĩnh vực đào tạo và xuất bản nhờ những khóa đào tạo và những quyển sách mang tính hiện tượng.

Nghị lực của cậu bé nghèo đi du học

Khi được 3 tháng tuổi, Trần Đăng Khoa bị mắc chứng bệnh lạ mà sau đó được xác định là viêm màng não cấp tính do dùng phải phấn rôm giả. Đi đến đâu mẹ anh cũng nhận được câu trả lời: “Con chị không còn cơ hội sống sót, cho dù có sống cũng bị di chứng thần kinh”. Các bác sĩ đã khuyên mẹ anh chấp nhận sự thật, việc chữa trị lúc này chỉ là còn nước còn tát.

Nhớ lại thời thơ ấu của mình được mẹ kể lại, Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Mẹ tôi không bao giờ cho phép bản thân mình bỏ cuộc, bà làm tất cả những điều có thể để cứu lấy tôi. Bà xin bác sĩ cho tôi được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt. Bà chăm sóc cho tôi từng ly từng tí, vẫn cho tôi bú, dỗ cho tôi từng giấc ngủ ngon. Như có phép màu kỳ diệu tôi đã may mắn sống sót, trong khi đó hàng trăm những đứa trẻ xung quanh tôi cứ lần lượt ra đi”.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, nên gia đình chỉ đủ tiền xin cho Trần Đăng Khoa học tại một ngôi trường bình dân. Quần áo cũng chỉ có hai ba bộ lem luốc cùng chiếc cặp sách không dây đeo, hỏng quai và hỏng cả khóa, khiến anh luôn phải ôm cặp trước ngực.

Thành tích học tập hồi cấp một của Khoa không có gì nổi bật bởi việc đến trường với anh lúc này chẳng mấy thú vị. Lên lớp 5 thầy chủ nhiệm lại chọn Trần Đăng Khoa đi thi học sinh giỏi cấp quận có lẽ bởi thành tích “chưa bao giờ lưu ban”.

Bài thi của anh được 1,5 điểm! Kết quả tưởng như đã an bài thì bất ngờ Khoa được nhà trường thông báo anh được “vé vớt” vì một bạn trong đội bỏ đội tuyển. Anh kể: “Lúc ấy trong đội tuyển, có lẽ tôi là đứa trẻ nhếch nhác nhất từ bề ngoài cho đến thành tích. Sự thật này khiến tôi lại càng mất tự tin và cảm thấy chán nản vì thân phận và sức học của mình”.

Để cải thiện thành tích học tập, anh đã lao vào học toán bằng tất cả niềm đam mê và kiên trì. Kết quả, Trần Đăng Khoa đã trở thành học sinh đầu tiên của nhà trường đạt học sinh giỏi toán cấp thành phố. Lên cấp hai Khoa học ở một trường chuyên và lớp chuyên toán của thành phố.

Say trong chiến thắng, anh bắt đầu bỏ bê chuyện học hành và chơi cùng đám bạn quậy phá. Anh sa vào bi-da, game, bài bạc, kết quả học tập không thể kém hơn được nữa và thậm chí mẹ anh còn phải vay khoản tiền dưỡng già ít ỏi của bà ngoại để trả nợ cho anh.

Nhận ra đã đến lúc phải thay đổi, anh cắt đứt với đám bạn lêu lổng và lao vào học tập. Không đỗ với điểm số cao nhưng vừa đủ điểm để anh vào trường THPT Lê Hồng Phong, ngôi trường anh mong muốn.

Hết lớp 12, Trần Đăng Khoa thi tốt nghiệp đạt loại xuất sắc và được tuyển thẳng vào trường đại học Khoa học tự nhiên. Nhưng anh vẫn dự thi và đậu vào đại học Ngoại thương và đạt Á khoa Học viện Ngân hàng.

Kết thúc năm đầu học đại học, từ một chàng sinh viên nghèo chỉ đi hội thảo du học cùng cô bạn gái “để lấy lòng”, nhưng thấy Chính phủ Singapore có chính sách hỗ trợ 80% học phí và 20% còn lại ngân hàng cho vay, anh đã tham gia. Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Lúc đầu nghe chuyện tôi muốn đi du học, ba tôi gạt phăng đi. Tôi giải thích cho ba hiểu việc đầu tư vào tương lai là hữu ích như thế nào và vấn đề tài chính tôi sẽ trả nợ chứ không phải gia đình. Cuối cùng tôi cũng được ba mẹ ủng hộ và hỗ trợ tài chính để tôi luyện thi và đăng ký thi IELTS. Tôi đạt điểm IELTS cao nhất và cánh cửa đi du học tại trường đại học Quốc gia Singapore đã chính thức mở rộng với tôi. Mục tiêu tiếp theo của tôi là giành học bổng toàn phần Đông Nam Á.

Vượt qua vòng phỏng vấn, bài luận “Tôi dám mơ ước” và câu trả lời câu hỏi của vị giáo sư trưởng khoa: “Em muốn sống cuộc sống của mình như thế nào?”. Tôi đã trả lời: “Em muốn sống vì ước mơ của mình”. Cuối cùng tôi đã giành được suất học bổng này trong niềm vui sướng vỡ òa của bản thân và gia đình…”

Theo Thiên Vũ – Đời sống & Pháp luật

[gioithieu_trandangkhoa]