Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhạc sĩ Quốc Bảo, doanh nhân – dịch giả Trần Đăng Khoa và blogger được giới trẻ yêu thích Joe – Dâu Tây. Chương trình do Công ty điện tử Samsung, Công ty văn hóa Phương Nam và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức.

Đi tìm quyển sách thay đổi cuộc đời

Theo ông Trần Đăng Khoa, quyển sách thay đổi cuộc đời không hẳn phải là “quyển sách hay nhất thế giới” hay một công trình văn chương đồ sộ, mà là “quyển sách xuất hiện đúng thời điểm” trong cuộc đời của ai đó.

Dẫn giải câu chuyện của mình, ông cho biết quyển sách đến tay ông vào thời điểm “tôi mới ra trường, sống ngập ngụa trong nợ nần và những mơ ước tủn mủn, tầm thường về nhà cửa, xe cộ”. Quyển sách đã thay đổi đời ông khi dạy ông đặt ra những mơ ước lớn lao hơn và niềm tin vào sự vô hạn của các giới hạn. “Ai cũng tin rằng mỗi người sinh ra đều có những giới hạn. Quan niệm đó cùm trói cuộc đời ta, khiến chúng ta lãng phí cuộc sống vào những “xiềng xích” ao ước. Nhờ sự khai mở của quyển sách, tôi đã quyết định chặt đứt “xiềng xích” giải phóng mình khỏi những giấc mơ cỏn con và có được ngày hôm nay” – ông trải lòng (đọc bài “Một quyển sách và một giấc mơ” của Trần Đăng Khoa, Tuổi Trẻ 24-1).

Với Joe, quyển sách thay đổi cuộc đời cũng có thể có nội dung rất bình thường, phổ thông, đơn cử như quyển sách dạy cách… đặt dấu câu mà anh đọc được khi còn là sinh viên năm 2 ở Canada. Từ “cơn nghiện” những ngoặc đơn, chấm phẩy, cách xuống dòng; nỗi bực tức, hoang mang khi phát hiện cả cuộc đời đi học mình toàn đặt dấu sai chỗ, anh bén duyên với văn chương và khai sinh một Joe – Dâu Tây được độc giả Việt Nam yêu thích (đọc bài “Những dấu câu kỳ ảo mê hoặc” của Joe, Tuổi Trẻ 21-1).

Bằng trải nghiệm của bản thân, nhạc sĩ Quốc Bảo cho rằng cuốn sách thay đổi cuộc đời một người luôn được viết bởi một tác giả mà người đọc đó “rà trúng kênh” (đọc bài “Khúc hát của minh triết” của nhạc sĩ Quốc Bảo, Tuổi Trẻ 17-1). Bởi không thể ôm hết kiến thức của nhân loại nên bạn đọc trẻ có thể định hướng “gu” của mình theo một, một vài tác giả mà các bạn bắt được sự đồng điệu, tương thông. Ông cũng nhấn mạnh sự đọc tốt, đọc đúng không nằm ở tốc độ đọc và số lượng đầu sách mà phải được duy trì như một thói quen, nhu cầu thiết yếu như ăn uống, ngủ nghỉ.

Đừng sợ là người lập dị

Bạn T.Hiền (học sinh lớp 8 Trường THPT Trần Đại Nghĩa) đem đến buổi tọa đàm những hoang mang, chênh vênh của tuổi mới lớn. “Từ nhỏ con mê phim kiếm hiệp giống ba. Rồi con cũng thích đọc Kỳ án đời Thanh, theo dõi cách triển khai tình tiết vụ án và mơ ước lớn lên làm bác sĩ pháp y hoặc luật sư.  Bạn bè nói con bị nhiễm truyện, không biết có thật vậy không?”.  Hiền khổ sở: việc yêu sách, nghiện sách khiến bạn trở nên lập dị trong mắt bạn bè.

Một độc giả nữ khác cũng bộc bạch nỗi băn khoăn của mình khi luôn bị bạn bè châm chọc sở thích đọc sách tư tưởng, triết học vì cho rằng “đọc những sách đó là vô dụng, phí thời gian do không áp dụng được vào công việc hiện tại”.  Nỗi niềm lo bị xem là lập dị, cảm giác lạc lõng giữa bạn bè là điểm chung của một số bạn trẻ yêu sách dự tọa đàm.

Những con số không mấy thú vị về việc đọc sách ở Việt Nam đã được Joe đưa ra dựa trên những tìm hiểu của anh: “Ở Việt Nam tiểu thuyết bán chạy nhất cũng chỉ ở mức 10.000 bản. Bán được 20.000 bản là điều phi thường. Trong khi ở Anh, với dân số chỉ bằng 2/3 Việt Nam, một tác phẩm văn học bán được 1, 2 triệu bản là chuyện bình thường”. Anh cho rằng sách vẫn là một phạm vi văn hóa nhỏ ở Việt Nam. Bạn trẻ vẫn đọc, nhưng không mấy ai đọc sách. Nói giới trẻ Việt Nam đọc sách cũng là cách nói “ảo”, bởi trên thực tế giới trẻ ở đây chỉ bao gồm giới trẻ thành thị và cũng là số rất ít.

Nhắn nhủ với các bạn trẻ “lỡ” yêu sách giữa môi trường không nhiều người đồng điệu, Joe cho rằng đôi khi bạn trẻ phải biết yêu sự lập dị, khác thường đó. Ông Trần Đăng Khoa cũng chia sẻ quan điểm: “Tuổi trẻ là thời điểm của những mơ mộng viển vông, trải nghiệm linh tinh. Theo thời gian, sự trưởng thành sẽ sàng lọc những ước mơ ấy nên không vấn đề gì phải lo lắng. Quan trọng là các bạn biết cách ước mơ, và sách dạy chúng ta điều ấy”.

Theo Tuổi Trẻ

[gioithieu_trandangkhoa]