Kẻ ác bên cạnh bạn có hiểu bản thân mình là ai hay không? Chúng có biết chút gì về bản chất con người mình hay không, hay là, chúng đọc quyển sách này từ đầu tới cuối mà không hề thấy hình ảnh của chính mình? Trong quá trình làm việc, tôi thường nhận được những kiểu câu hỏi này, đặc biệt là bởi những người mà cuộc đời của họ đã bị tổn hại khi “chạm trán” với sociopath mà đến khi nhận ra thì đã quá muộn.
Tôi không biết chính xác lý do tại sao vấn đề nhận thức bản thân lại quan trọng đến thế, trừ việc có lẽ chúng ta cảm thấy rằng nếu một người sống một cuộc đời hoàn toàn không có lương tâm, kẻ đó ít ra nên thừa nhận sự thật đó. Chúng ta cảm thấy rằng nếu ai đó xấu xa, hắn ta nên mang vác gánh nặng của việc nhận thức được rằng mình là kẻ xấu xa. Đối với chúng ta, dường như tột cùng của sự bất công chính là khi một kẻ ác, theo đánh giá của ta, vẫn cảm thấy hài lòng về bản thân hắn.
Tuy nhiên, có vẻ như đây chính xác là điều đang diễn ra. Đa phần thì những người mà ta xem là kẻ ác có khuynh hướng nhận thấy cách sống của hắn chẳng có gì là sai trái cả. Sociopath có tiếng là luôn chối bỏ trách nhiệm về hành vi hoặc hậu quả từ hành vi mà hắn gây ra. Trên thực tế, việc chối bỏ nhìn nhận kết quả gây ra bởi một hành vi xấu của một người không liên quan gì đến chính bản thân người đó – theo cách nói của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ là “sự vô trách nhiệm nhất quán” – là cơ sở chẩn đoán chứng rối loạn nhân cách chống xã hội.
Những kẻ vô lương tâm có vô số câu tuyên bố ấn tượng ám chỉ “Tôi không làm gì sai cả.” Một trong những câu nói nổi tiếng nhất là của Al Capone, tên trùm gangster tàn ác ở Chicago trong thời kỳ cấm rượu: “Tôi sẽ đến thành phố St. Petersburg, bang Florida vào ngày mai. Hãy để những công dân đáng kính của Chicago muốn làm gì với rượu thì làm. Tôi chán ngấy công việc của mình rồi – đó là một công việc bạc bẽo và đầy đau thương. Tôi đã dành những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời để mang lại lợi ích cho công chúng.”
Những sociopath khác không bận tâm với những lập luận rối rắm như vậy, hoặc chúng không ở trong địa vị đủ cao để khiến người khác lắng nghe những logic kỳ quặc của mình. Thay vào đó, khi đứng trước những hậu quả hủy diệt mà rõ ràng là do chúng gây ra, chúng sẽ buông một câu gọn lỏn, “Tôi không làm việc đó,” và trong mắt mọi người thì chính bản thân chúng cũng tin vào lời nói dối trắng trợn của mình.
Đặc điểm này của sociopath khiến cho chúng không có khả năng nhận thức bản thân, và cuối cùng, cũng giống như việc hắn không có mối liên hệ thuần túy nào với những người khác, mối liên kết của hắn với bản thân mình cũng rất mong manh. Nếu có chăng thì những kẻ vô lương tâm có xu hướng tin rằng cách sống của chúng trong thế giới này là ưu việt hơn của chúng ta. Chúng thường nói về sự ngây thơ của người khác và những nguyên tắc đạo đức nực cười, hay về việc chúng tò mò về lý do tại sao có quá nhiều người ngần ngại thao túng người khác, ngay cả khi điều đó có lợi cho những tham vọng lớn nhất của họ. Hoặc chúng lập luận rằng con người ai cũng như ai – đều thiếu đạo đức, giống như chúng vậy – nhưng lại đang vờ vịt diễn một vở kịch hoang đường có tên gọi là “lương tâm.”
Trích đoạn sách Kẻ Ác Cạnh Bên – Tác giả Martha Stout
KẺ ÁC CẠNH BÊN
Tiến sĩ Martha Stout sẽ dạy cho bạn cách phát hiện sociopath (rối loạn nhân cách chống xã hội) và làm thế nào để bảo vệ bản thân bạn khỏi những kẻ ác mà bạn gặp phải – và những kẻ có lẽ đã tàn phá cuộc đời bạn. Mỗi người trong chúng ta đều có thể học cách nhận biết “kẻ ác cạnh bên” và có thể vận dụng sự hiểu biết ấy để đánh bại những mục đích tư lợi của chúng.
Leave A Comment