Trở thành mục tiêu của sociopath (rối loạn nhân cách chống xã hội) là một trải nghiệm rất đáng sợ, ngay cả khi hắn ta không thuộc kiểu bạo lực. Vào năm 1944, George Cukor đạo diễn một bộ phim tâm lý rùng rợn Gaslight, trong đó Ingrid Bergman thủ vai một phụ nữ xinh đẹp cảm thấy như mình bị hóa điên. Nỗi sợ này của cô là do thủ đoạn thao túng đáng sợ của sociopath – Charles Boyer, người chồng mới cưới, cố tình gây ra. Trong số những trò dơ bẩn mà người chồng vô cùng quyến rũ này sắp đặt, có một trò là anh ta làm cho Bergman nghe thấy âm thanh trên gác mái khi anh ta vắng nhà, và làm cho ngọn đèn tự thắp sáng trong ngôi nhà mà người dì của cô bị giết chết một cách bí ẩn nhiều năm trước.
Dĩ nhiên, không ai tin Bergman về tiếng động trên gác mái hay về ngọn đèn hay những thứ khác, và cô dần dần hoài nghi về những gì mình cảm thấy và về sự tỉnh táo của mình. Boyer không dùng vũ lực. Anh ta chưa bao giờ đánh đập Bergman. Hiểm độc hơn thế nhiều – anh ta khiến cô không còn tin vào nhận thức của bản thân. Khi nghi ngờ và khi cố gắng giải thích với người khác rằng mình bị sociopath đưa vào tầm ngắm cũng tương tự như việc cảm thấy mình đang bị hóa điên.
Cô dâu ngây thơ trong bộ phim Gaslight trở nên bán tín bán nghi hoặc hoàn toàn mất đi niềm tin vào nhận thức của bản thân. Chắc chắn cô sẽ lưỡng lự không biết có nên kể lại câu chuyện của mình một lần nữa hay không, bởi việc cố gắng vạch trần sociopath dẫn đến sự hoài nghi về mức độ tín nhiệm, thậm chí sự tỉnh táo của chính bản thân cô. Những hoài nghi này, của chính chúng ta hay của người khác, đều đau đớn và dễ dàng khiến ta câm lặng. Trong suốt nhiều năm lắng nghe hàng trăm “con mồi” của sociopath, tôi biết được rằng trong một công ty hoặc một cộng đồng, khi một sociopath cuối cùng cũng “lộ bộ mặt thật” trước tất cả mọi người, thường thì ta sẽ phát hiện là có nhiều người đã nghi ngờ kẻ đó từ đầu, mỗi người có mối nghi ngờ riêng, mỗi người đều giữ im lặng.
Mỗi người trong số họ cảm thấy hoài nghi bản thân, và vì thế mà mạnh ai nấy giữ bí mật nghe có vẻ điên rồ này cho riêng mình. “Tại sao một người như thế lại thực hiện một việc kinh khủng đến vậy?” chúng ta tự hỏi. Khi nói “một người như thế,” ta muốn nói đến một người có vẻ bình thường, một người trông giống chúng ta đây. Ta muốn nói đến một người có chuyên môn, hay một người yêu động vật, hay một người cha người mẹ, một người vợ người chồng, hay có thể là một người vô cùng thu hút mà ta đã ăn tối cùng. Và khi nói “một việc kinh khủng đến vậy,” ta muốn nói đến hành vi tiêu cực và kỳ dị đến mức không giải thích nổi, bởi vì dựa trên cảm nhận của chính ta và động cơ thông thường thì không có cách nào để ta lý giải được tại sao có kẻ lại muốn làm điều đó ngay từ lúc đầu.
Đây là những kiểu câu hỏi mà chúng ta tự đặt ra khi chứng kiến thủ đoạn thao túng của sociopath, và trong đa số trường hợp, ta không thể tìm ra câu trả lời hợp lý. Ta có thể suy đoán chứ không thể nghĩ ra được lý do tại sao. Không lý do nào là có thể tin được, vậy nên ta nghĩ chắc hẳn là có hiểu lầm, hoặc có thể là ta đã phóng đại quá mức. Chúng ta suy nghĩ theo hướng này bởi vì lối tư duy có sự ràng buộc của lương tâm khác xa một trời một vực với lối tư duy không có sự ràng buộc của lương tâm, và những thứ sociopath muốn có, những thứ thúc đẩy chúng, hoàn toàn nằm ngoài hiểu biết của chúng ta.
Thực hiện những thủ đoạn thao túng xấu xa của sociopath một cách điềm tĩnh, chỉ để cho vui, không có chỗ trong danh mục cảm xúc của những người bình thường. Sociopath, những kẻ không có nhận thức trách nhiệm dựa trên sự kết nối với người khác, thường sẽ dành cuộc đời mình cho các trò chơi giữa người với người, để “giành chiến thắng,” để thống trị vì mục tiêu thống trị. Còn những người còn lại trong chúng ta, những người có lương tâm, có thể hiểu được động cơ này về mặt lý thuyết, nhưng khi ta thấy nó trong đời thực, biểu hiện bên ngoài của nó xa lạ đến nỗi ta không hề “thấy” nó. Nhiều kẻ không có lương tâm sẽ hành xử theo cách tự hủy hoại bản thân đơn giản bởi vì đó là mục đích của trò chơi. Đây là những hành vi mà ta không ở trong trạng thái sẵn sàng để hiểu, hoặc thậm chí không thể tin nổi. Ta sẽ hoài nghi nhận thức về hiện thực của chính mình trước tiên.
Trích đoạn sách Kẻ Ác Cạnh Bên – Tác giả Martha Stout
KẺ ÁC CẠNH BÊN
Tiến sĩ Martha Stout sẽ dạy cho bạn cách phát hiện sociopath (rối loạn nhân cách chống xã hội) và làm thế nào để bảo vệ bản thân bạn khỏi những kẻ ác mà bạn gặp phải – và những kẻ có lẽ đã tàn phá cuộc đời bạn. Mỗi người trong chúng ta đều có thể học cách nhận biết “kẻ ác cạnh bên” và có thể vận dụng sự hiểu biết ấy để đánh bại những mục đích tư lợi của chúng.
Leave A Comment