Nếu nói một câu ngắn gọn về bản thân mình anh sẽ nói gì?

Tôi sống vì ước mơ tạo nên sự khác biệt cho bản thân và người xung quanh.

Những giá trị và triết lý sống của anh?

Cũng như tất cả mọi người, tôi sống với những giá trị và triết lý của riêng mình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với tôi nằm ở 2 chữ: “tình người”. Bạn có thể đọc bài viết “Người với người…” của tôi nếu bạn quan tâm.

Từng là người đứng trên bục giảng, theo anh người thầy có vai trò như thế nào trong sự hình thành nhân cách sống của một con người?

Mặc dù là diễn giả và chuyên gia đào tạo, tôi vẫn tự cảm thấy mình còn phải phấn đấu nhiều để thật sự xứng đáng với từ “người thầy”. Bởi vì cùng với cha mẹ thì những người thầy thật sự chắc chắn là những người có tác động rất lớn đến mỗi người chúng ta. Có những thầy cô chúng ta nhớ mãi vì họ đã đối xử với ta theo cách làm cho chúng ta mơ ước lớn lên cũng sẽ được gọi là cô là thầy.

Dĩ nhiên, cũng có những thầy cô chúng ta không quên được vì những kỷ niệm không mấy tốt đẹp về họ. Tôi tin rằng, nhiệm vụ của thầy cô không chỉ là “dạy chữ” mà còn là “dạy người”. Từ “dạy người” ở đây không phải là dạy những bài học đạo đức hay giáo điều đôi khi sáo rỗng mà là giúp học trò của mình dám là chính bản thân, sống mạnh mẽ hơn và sống người hơn từng ngày.

Khi đọc quyển Trên Bục Giảng, tôi rất ấn tượng với câu nói của nhân vật chính: “Bị chối bỏ, tôi quyết tâm trở thành người thầy mà tôi chưa bao giờ có được”. Câu nói này thật sự làm tôi suy nghĩ nhất là khi tôi cũng đang có cái vinh dự được làm công việc gần giống với những người thầy người cô.

Hassan – nhà hiền triết Hồi giáo từng nói: “Ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy”. Anh suy nghĩ gì về câu nói này?

Khi nhắc đến những người thầy, người ta thường nghĩ đến những con người đạo mạo, uy nghiêm với những quyển sách và bằng cấp. Riêng bản thân tôi, tôi đòi hỏi ở người thầy cao hơn thế, người thầy của tôi phải là người thật sự ảnh hưởng một cách sâu sắc đến cuộc đời tôi một cách tích cực.

Nhưng ngược lại, dù không phải ai tôi cũng gọi bằng thầy, tôi tự xem mình là học trò của bất kỳ ai dạy cho tôi một bài học gì đó, cho dù là vô tình. Chúng ta luôn có thể học từ những người xung quanh mình mà không nhất thiết phải gọi họ là thầy. Thậm chí, ngay cả những người tôi chưa bao giờ một lần trực tiếp gặp mặt, nhưng nếu tôi học được bất kỳ điều gì từ họ. Tôi vẫn hết sức cảm kích.

Xin chia sẻ một kỉ niệm đáng nhớ của anh với người thầy mà anh yêu thương, kính trọng nhất? (Người thầy đó có thể là bố, mẹ, bạn bè, …). Họ có ảnh hưởng như thế nào đối với con đường sự nghiệp của anh sau này?

Tôi học được nhiều thứ từ rất nhiều người (bao gồm cha mẹ và những thầy cô từ khi tôi còn bé, cho đến những giảng viên, rồi những chuyên gia đào tạo ở nhiều lãnh vực, và cả những người xunh quanh tôi trong cuộc sống). Tuy nhiên, có hai người mà tôi cảm thấy muốn gọi họ là “người thầy” nhất đó là bác Võ Tá HânSteve Jobs. Họ thật sự là những người thầy mang đến cho tôi nhiều cảm hứng trong cuộc sống.

Bạn có thể tham khảo thêm 2 bài viết: “Bác Võ Tá Hân – Người thầy”“Cảm ơn Steve Jobs”.

Thật ra, tôi còn 2 người thầy rất quan trọng nữa, nhưng có lẽ tôi sẽ tiết lộ về họ vào một dịp khác.

Có người nói: muốn trò tôn sư thì trước hết thầy phải trọng đạo, khi thầy không trọng đạo thì sao trò phải tôn sư. Anh nghĩ gì về quan điểm này? Theo anh, trong xã hội hiện đại ngày nay, mối quan hệ thầy- trò cần phải được xây dựng và duy trì như thế nào?

Theo tôi hiểu, “tôn sư” là tôn kính thầy, điều này không thấy có ai tranh cãi. Còn “trọng đạo” thì được hiểu theo nhiều cách. Cách tôi cảm thấy phù hợp nhất từ góc độ cá nhân của mình là nhìn “đạo” theo nghĩa những gì thầy truyền dạy. Từ đó, “tôn sư trọng đạo” là phải tôn kính thầy và trân trọng những gì mà thầy truyền cho.

Người thầy không chỉ có trách nhiệm “giảng đạo” mà còn có trách nhiệm “trọng đạo” để làm gương cho trò. Cho nên, khi thầy không thể hiện sự “trọng đạo” thì cũng đã mất đi vai trò của người thầy, không còn được xem là thầy nữa, thành ra trong trường hợp đó “tôn sư” không còn bàn đến được nữa.

Trong xã hội hiện đại, khi việc tìm kiếm tri thức ngày càng trở nên dễ dàng hơn, cái người thầy truyền cho trò không còn là tri thức nữa mà phải là cảm hứng tìm kiếm và khao khát trau dồi tri thức. Đây cũng chính là nền tảng của mối quan hệ thầy – trò hiện đại. Bản thân tôi cũng thế, tôi là học trò của tất cả những ai mang đến cho tôi một bài học hữu ích nào đó, nhưng những người thầy mà tôi tôn kính nhất là những người truyền cảm hứng cho tôi.

Từng tham gia học tập tại nước ngoài, anh thấy có điểm của mọi người về mối quan hệ thầy trò tại các nước có điểm khác biệt gì so với Việt Nam?

Điểm khác biệt lớn nhất mà tôi nhìn thầy đó là nhiều thầy cô ở nước ngoài quan tâm đến việc tạo cảm hứng cho học trò mình tự tìm kiếm, khám phá và trau dồi tri thức, xem đó là một trong những mục đích của cuộc sống. Ngược lại, ở Việt Nam chúng ta, nhiều thầy cô chỉ tập trung vào việc trang bị cho học trò mình càng nhiều kiến thức càng tốt. Dĩ nhiên, một người thầy hoàn hảo phải là người có thể làm 2 việc đó cùng lúc.

Ngoài những câu hỏi này anh muốn chia sẻ thêm gì với độc giả của Men & Life?

Trong xã hội hiện đại, khi thế hệ học sinh và sinh viên của chúng ta phải tiếp xúc với quá nhiều luồng thông tin. Việc học khi chỉ đơn giản là thu thập càng nhiều thông tin càng tốt mà còn là lựa chọn thông tin phù hợp để tiếp thu. Bên cạnh vai trò là người truyền cảm hứng, trong vai trò giảng dạy, người thầy không thể chỉ quan tâm đến việc “dạy thế nào” hay “dạy bao nhiêu” mà còn phải quan tâm đến việc “lựa chọn dạy những gì”.

[gioithieu_trandangkhoa]