Chào anh, gần đây thấy anh xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong những chương trình đặc biệt và thường gắn liền với những câu chuyện sinh động về chính cuộc đời của mình. Anh có thể chia sẻ với độc giả của Bstyle đôi nét về quãng đời tuổi thơ của anh?

Khi tôi còn nhỏ, hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn, tôi học ở một ngôi trường nhỏ bé nghèo nàn với những đứa trẻ trong xóm lao động nghèo. Cơ duyên đã đến với tôi khi năm đó thầy tôi quyết định cử học sinh đi thi học sinh giỏi – điều mà trước đây trường tôi chưa bao giờ làm, với mục đích…cọ xát và học hỏi. Và đúng với tiêu chí “cọ xát và học hỏi” đó, tôi thi trượt, nhưng run rủi thế nào mà sau đó tôi được đậu vớt và được đi bồi dưỡng học sinh giỏi.

Những ngày tháng sau đó là cực hình vì tôi luôn phải tránh né sự chú ý của thầy giáo bồi dưỡng để khỏi bị gọi lên bảng. Một ngày nọ, khi nghe thầy tuyên bố bạn nào thi đậu sẽ được đi máy bay ra Hà Nội, tôi sung sướng cứ như giấc mơ sắp thành hiện thực. Và với giấc mơ được bay cao bay xa ấy, tôi lao đầu vào học Toán. Năm đó, tôi đậu học sinh giỏi Toán cấp thành phố. Đó thực sự là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi bởi vì những thành tích học tập vang dội liên tiếp đến với tôi, bao gồm việc thi đậu thủ khoa vào lớp chuyên Toán của một trường chuyên nổi tiếng.

Nhưng sau đó, tôi lại học hành trượt dốc rất sâu vì kiêu ngạo. Tôi đã phải trả giá rất đắt cho điều đó. Hậu quả là cuối năm cấp 2, khó khăn lắm tôi mới thi vào được trường chuyên Lê Hồng Phong. Bài học này giúp cho tôi hiểu rõ một điều rằng, không cần biết mình tài hay giỏi thế nào, một ngày mình ngừng học hỏi và rèn luyện, đó là ngày mình lựa chọn thất bại cho bản thân. Sau này, đó cũng trở thành triết lý kinh doanh của EVOL Corporation. Chúng tôi tự hào là công ty về kỹ năng sống hàng đầu Việt Nam, nhưng chúng tôi không cho phép mình chủ quan. Nếu không có đối thủ cạnh tranh xứng tầm, EVOL cạnh tranh với chính mình.

Những ngày tháng đầu tiên ở cấp 3 đối với tôi cũng rất khó khăn. Học kỳ đầu tiên tôi đứng gần chót lớp. Nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời và vươn lên, đến năm lớp 12, tôi đã trở thành một trong những học sinh giỏi nhất lớp. Tôi được tuyển thẳng và đậu vào nhiều trường đại học. Sau đó, tôi được nhận học bổng toàn phần đi du học tại trường Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS) – nằm trong TOP 50 trường đại học hàng đầu thế giới.

Nhìn lại quãng đời tuổi thơ đó, tôi cảm thấy mình may mắn. Nếu không có sự nghèo khó, những thất bại và những lúc dưới đáy, tôi sẽ không hiểu được giá trị của thành công để mà cố gắng phấn đấu vươn lên, cũng như tôi sẽ không có cái khát vọng để giúp đỡ những người thật sự mong muốn vươn lên trong cuộc sống.

Bạn có thể tham khảo chi tiết câu chuyện này trong phần tự truyện rút gọn của tôi trên trang Tùy bút Trần Đăng Khoa tại: www.tgm.vn.

Thời gian học tập tại Singapore anh có gặp những khó khăn gì?

Khi đến sống ở một đất nước xa lạ, tôi gặp rất nhiều vấn đề trong cả chuyện ăn ở lẫn học tập. Lúc đó tôi hiểu ra rằng một trong kỹ năng quan trọng nhất mà mỗi người phải học đó là học cách sống tự lập, không dựa dẫm vào người khác. Nhưng tự lập không có nghĩa là tách khỏi gia đình, sống buông thả, cô đơn và chỉ biết đến bản thân. Sống tự lập chính là việc bạn phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, biết làm chủ hoàn cảnh, chủ động tìm ra cách ứng phó với thử thách và luôn cố gắng đi lên bằng chính đôi chân của mình.

Khi phải lăn lộn tìm việc làm thêm để cải thiện chất lượng cuộc sống sinh viên, tôi hiểu ra một điều nữa là tầm quan trọng của việc học đúng nghĩa – hay tôi thường gọi là “đầu tư vào bản thân”. Giống như việc đứng trước một danh mục nhiều thứ có thể đầu tư, thì trong vô vàn những thứ có thể học, chúng ta có quyền lựa chọn học những gì có thể giúp mình trở thành một con người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Dù bạn có trong tay tấm bằng xuất sắc đi nữa thì cũng chẳng có ích gì nếu những mớ kiến thức học được không giúp bạn phát huy tiềm năng của mình và tạo giá trị cho cuộc sống. Hơn thế nữa, đầu tư vào bản thân mình là việc cả đời. Một tấm bằng có thể có giá trị vài năm đầu nhưng nếu thiếu sự tiếp tục đầu tư thường xuyên và lâu dài thì bằng cấp cũng chỉ còn là lớp vỏ bọc bên ngoài cho mớ kiến thức cũ kỹ lạc hậu bên trong.

Được biết tại Singapore anh đã từng giữ vị trí quan trọng, được đánh giá là một “ngôi sao” trong tập đoàn lớn như British Telecom, điều gì đã khiến anh quyết định từ bỏ tất cả những cơ hội hấp dẫn tại đảo quốc xinh đẹp và trở về Việt Nam dấn thân vào lĩnh vực phát triển tiềm năng con người với nhiều thách thức?

Con người ta sống cần có một mục đích, nếu không trong cả cuộc đời chúng ta chỉ đi một con đường vô nghĩa.

Mặc dù đã có một cuộc sống rất ổn định tại Singapore, tôi vẫn luôn hướng về Tổ quốc với lý tưởng: Mang những tư duy tiên tiến nhất của thế giới về Việt Nam, góp phần nhỏ nhoi vào việc giúp người Việt hạnh phúc hơn, thành đạt hơn và giàu có hơn, bởi vì tôi tin rằng, không có gì làm cho một đất nước phát triển, thịnh vượng và hùng cường hơn một dân tộc hạnh phúc, thành đạt và giàu có.

Mục tiêu của tôi là: Trong vòng 10 năm, giúp 1 triệu người Việt Nam hạnh phúc và thành công hơn, thông qua những quyển sách, những bài diễn thuyết và những khóa đào tạo của mình. Và tôi đang tiến rất nhanh trên con đường thực hiện mục tiêu đó.

Nghe nói trước kia đã có những công ty Việt Nam đề cập vấn đề hợp tác với tập đoàn Adam Khoo nhưng không thành công, điều gì khiến cho Adam Khoo chấp nhận hợp tác với anh?

Adam chẳng bao giờ nói với tôi rằng tại sao anh ta quyết định hợp tác với tôi. Có điều, tôi vẫn thường nghe trong các buổi diễn thuyết của Adam khi anh ta nói về con người. Anh ta nói đến 2 chữ: “the mind” (trí tuệ) và “the heart” (tấm lòng). Tôi nghĩ rằng, đó cũng là 2 điều Adam nhìn thấy ở tôi. Và đó cũng là tài sản duy nhất của tôi lúc bấy giờ, vì khi tôi đến gặp và đề nghị hợp tác với Adam, ngoài trí tuệ và lòng nhiệt huyết, tôi chỉ có 2 bàn tay trắng mà thôi.

Cho đến ngày hôm nay, bí quyết thành công của EVOL vẫn là: một trí tuệ của cả tập thể và một tấm lòng của cả đại gia đình.